Chuyện tình vừa buồn vừa cảm động của ông Đinh Văn Mạnh (50 tuổi, ở huyện An Lão, Bình Định) và bà Đinh Thị Mai (52 tuổi) có lẽ là câu chuyện hy hữu và đặc biệt nhất mà người viết từng được nghe.
Mối duyên định mệnh
Câu chuyện được bắt đầu từ khi gia đình ông Mạnh bị chiến tranh làm cho loạn lạc. Khi đó cha mẹ ông đều chết vì bom đạn, bỏ lại hai chị em ông bơ vơ. Trong buổi khốc liệt của chiến tranh hồi ấy, hai chị em ông đã thất lạc nhau.
Ông được cha mẹ nuôi tình cờ gặp đang lang thang trong rừng khi chưa đầy 5 tuổi. Họ đưa ông về huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Bình Định (cách nơi ông sinh sống hàng trăm cây số) nuôi nấng. Từ đó, tuổi thơ ông trôi qua với những ngày tháng theo cha mẹ nuôi lên rừng, lội suối.
Năm hơn 10 tuổi, ông Mạnh bắt đầu tham gia du kích. Sau khi đất nước giành được độc lập (năm 1976), ông được đi học văn hóa tại Trường Nội trú tỉnh ở huyện Tây Sơn. Mối tình oái ăm cũng bắt đầu từ ngôi trường này.
Cuộc đời của bà Mai cũng lắm nỗi truân chuyên. Sau khi lạc em, mất cha mẹ, cô bé Mai một mình lang thang qua nhiều vùng xin ăn. Do tuổi còn nhỏ, đói khổ triền miên, Mai dần quên mình còn có một đứa em trai.
Các anh chị công tác ở xã An Vinh, huyện đoàn An Lão (Bình Định) xót thương cho thân phận cô đơn bé bỏng của cô bé Hrê nên đã nuôi nấng, bao bọc cô bé nên người. Sau này cô bé Mai được đi học văn hóa tại huyện Tây Sơn.
Chính tại ngôi trường nội trú này, Mai gặp lại người em trai của mình mà không biết, chỉ biết ấn tượng với người thanh niên ít hơn mình 2 tuổi nhưng lém lỉnh, thông minh. Hai người đã lỡ lầm trao nhau lời hẹn ước rồi nên duyên vợ chồng.
Đôi vợ chồng chung sống với nhau rồi sinh hạ hai người con, một trai, một gái bụ bẫm, giống cha mẹ như đúc. Ngày ngày, chồng lên rừng đốn củi, săn bắn, vợ ở nhà trông con và cơm nước. Cuộc sống yên bình tưởng cứ thế trôi qua.
Ông Mạnh bên người cháu nội.
Sự thật kinh hoàng
Sau 10 năm chung sống, qua nhiều câu chuyện, đôi vợ chồng đau đớn phát hiện ra họ chính là chị em ruột. Lúc đó, bà Mai chỉ biết ôm hai con thơ vào lòng mà khóc ngất. Ông Mạnh cũng không muốn sống nữa khi biết mình vô tình đã phạm tội loạn luân mà người đời không thể tha thứ.
Nhưng thương các con còn thơ dại, ông bà quyết định vẫn sống cùng nhau dưới một mái nhà để cùng chăm lo cho các con. Nhưng sự việc trở nên căng thẳng khi dân làng kéo nhau đến cơ quan chức năng, đòi chính quyền địa phương phải can thiệp, quyết không cho hai chị em sống chung.
Đầu năm 1988, ông Mạnh bị TAND huyện An Lão xử phạt 2 năm tù về tội loạn luân. Không khí phiên tòa đẫm nước mắt khi ông Mạnh chia sẻ: "Dù chết tôi cũng không thể bỏ các con".
Hai năm sau, mãn hạn tù, ông Mạnh lại trở về bên chị và 2 con. Họ vẫn cùng chung tay chăm lo cho các con nhưng luôn giữ đạo lý làm người, khiến hàng xóm dần hiểu và thông cảm.
Hai chị em đã sống cùng nhau hơn 30 năm nay trong mái nhà sàn ấm áp. Ông Mạnh là trưởng thôn, rất gương mẫu, được dân làng tin yêu, quý mến.
Chị Đinh Thị V. và em trai Đinh Văn M. (hai người con của ông bà) nay đều đã lập gia đình. Anh M. sau khi rời quân ngũ nay là Bí thư chi đoàn thôn, nhiệt tình công tác. Ông Mạnh tâm sự: “Ước muốn duy nhất của tôi bây giờ là con cái được sống sung túc, vui vẻ”.
Điều trăn trở đau đớn nhất của ông bà bao nhiêu năm nay vẫn là: Dù luôn giữ trọn đạo lý, song việc ông bà đã lỡ phạm phải, liệu có vi phạm chuẩn mực đạo đức của con người? Liệu có được người đời tha thứ?
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo Khuất Hậu (Dân trí)