Rồi những tháng ngày buồn bã cũng dần qua đi. Không khuất phục trước số phận nghiệt ngã, Bộ đi học sửa chữa xe đạp. Buổi tối anh mở thêm quán bán nước chè kiếm thêm đồng tiền phụ giúp gia đình. Hạnh phúc nảy mầm khi anh gặp chị Nguyễn Thị Phương (SN 1990). Vượt qua mặc cảm, dị nghị của người đời, đôi vợ chồng trẻ đã xây dựng mái ấm gia đình, viết lên một câu chuyện tình cảm động.
Bất hạnh đầu đời
Về khu I, thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình hỏi thăm đôi vợ chồng Bộ - Phương người dân ai cũng biết và chỉ dẫn tận tình. Men theo con đường mòn đến khu chợ của thị trấn, chúng tôi gặp được anh chị khi họ đang bán hàng ăn. Nhìn nụ cười thường trực trên môi và những hành động quan tâm nhẹ nhàng dành cho nhau, ít ai nghĩ rằng, anh chị đã từng trải qua thời gian dài đối diện với sự sống - cái chết, sự tự ti và mặc cảm của người đời...
Tuổi thơ đầy nghiệt ngã khi tròn 11 tuổi Phạm Ngọc Bộ phải vật lộn với căn bệnh viêm đa khớp mãn tính. Suốt 4 năm ròng rã chữa trị, khi tài sản gia đình đã trống trơn nhưng đôi chân anh vẫn không thể cử động được.
Căn bệnh liệt khiến Bộ phải bỏ học từ lớp 6. Một mình trong căn nhà ẩm thấp với bốn bức tường đen, Bộ chán nản, bi quan. Nhiều khi anh đã nghĩ đến cái chết để bớt khổ cực cho bố mẹ. Suốt khoảng thời gian đó, Bộ không dám gặp ai, trò chuyện với ai. Anh sợ phải đối diện với mọi người, với chúng bạn cùng trang lứa đang tung tăng đến trường.
Từ một người đàn ông tật nguyền, Phạm Ngọc Bộ trở thành "ông chủ" bán hàng trên xe lăn
Được sự động viên của bố mẹ, sự quan tâm của người thân, Bộ dần cởi mở hơn. Những lúc buồn, Bộ lại bật chiếc radio bố mua để nghe. Cũng nhờ chiếc radio mà Bộ đã biết đến nhiều hoàn cảnh, nhiều tấm gương không may mắn nhưng vẫn vượt qua số phận để vươn lên làm chủ cuộc sống. Chính điều đó khiến Bộ thoát khỏi trơ lỳ về cảm xúc, sự mặc cảm, tự ti về tinh thần và giúp Bộ có được sức mạnh, niềm tin ý chí để vươn lên.
Đầu năm 2001, Bộ được phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Kỳ Sơn tặng cho 1 xe lăn và khoản trợ cấp là 70.000 đồng/tháng. Nhận được số tiền trợ cấp, gia đình Bộ cũng đỡ được vất vả phần nào. Kể từ khi nhận được chiếc xe lăn, cuộc đời Bộ như rẽ sang một trang mới. Cuộc sống của anh không còn gói gọn trong gian nhà nhỏ ấy nữa.
Sau một thời gian tập luyện, đôi tay Bộ trở nên rắn chắc hơn. Anh có thể tự lăn bánh xe để đi mà không cần người khác đẩy sau lưng. Lúc này Bộ bắt đầu theo đi theo bố học nghề sửa chữa xe đạp ở quốc lộ 6. Như bù đắp cho khiếm khuyết của mình, Bộ chịu khó và cần mẫn, vừa học, vừa phụ bố nên chỉ sau 5 tháng, anh đã thông thạo nghề.
Bình minh cuộc đời
Cùng với nghề sửa chữa xe đạp, Bộ còn mở quán bán trà đá buổi tối để có thêm thu nhập giúp gia đình. Và tình yêu con người, yêu cuộc sống trong anh đã trỗi dậy mãnh mẽ khi anh gặp được chị Nguyễn Thị Phương, một khách hàng thân quen của anh.
Chị Phương quê gốc ở Phú Thọ. Ban đầu cũng vì cảm thương cho hoàn cảnh của anh, Phương chỉ xem anh là người bạn cần sự sẻ chia. Những lúc rảnh rỗi, Phương thường ra tiệm sửa xe nhà anh Bộ chơi, thu dọn lại đồ đạc cho ngăn nắp, khi vắng khách, Phương là người chủ động đẩy xe giúp anh Bộ về nhà. Những việc làm giản dị ấy khiến hai người dần có tình cảm với nhau và yêu nhau từ lúc nào không hay.
Khi cả hai có ý định đến với nhau thì gia đình chị Phương kịch liệt phản đối và cấm Phương không được tiếp tục qua lại với anh Bộ. Hai người phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục bố mẹ và hai bên nội ngoại. Không chỉ cùng bố mẹ đẻ lên tận nhà chị Phương nói chuyện, thuyết phục, anh Bộ còn nhờ cậy đến cả bạn bè, người thân của chị Phương thuyết phục, vận động gia đình nhà vợ cho phép anh chị đến với nhau.
Cứ thế, sau hơn 1 năm trời, nhờ kiên trì, nhẫn nại cùng với những tình cảm chân thành đã cảm hóa quyết định đanh thép tưởng chừng như không thể nào lay chuyển nổi của gia đình nhà Phương. Sức mạnh của tình yêu đã giúp anh chị chiến thắng được sự ngăn cấm của gia đình. Tình cảm hai người ngày thêm gắn chặt và được mọi người ủng hộ. Năm 2008 anh chị nên duyên vợ chồng.
Niềm hạnh phúc đó được nhân lên bội phần khi anh chị đã có một cháu trai đầu lòng kháu khỉnh là Phạm Minh Ngọc. Từ ngày có vợ, anh Bộ đã bỏ nghề sửa xe cùng vợ lên Phú Thọ học làm các món ăn nhẹ. Sau nửa năm anh quay trở lại quê nhà và trở thành một "ông chủ" bán hàng ăn buổi sáng đồng hành trên chiếc xe lăn tại chợ Kỳ Sơn.
Hàng ngày, anh lại cần mẫn dậy từ 3 rưỡi sáng, trên chiếc xe lăn cùng vợ làm hàng và mang ra chợ bán. Chị Phương, ngoài việc phụ giúp anh làm hàng ăn cũng tranh thủ đi làm đồng, chăn nuôi lợn gà. "Nếu không gặp được Phương thì không biết cuộc đời tôi sẽ đi đâu, về đâu. Nhờ tình yêu của cô ấy, cả sự hy sinh cùng bản lĩnh phi thường đã giúp tôi thực sự tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Cuộc sống đã mỉm cười, hạnh phúc đã nở hoa dành cho một người kém may mắn như tôi", Phạm Ngọc Bộ cười nói.
Dưới cái nắng gắt buổi trưa của những ngày cuối tháng 4, mồ hỗi nhễ nhại trên khuôn mặt bết tóc của đôi vợ chồng tật nguyền nhưng vẫn ánh lên niềm hạnh phúc. Trong khi anh Bộ vẫn đang tất bật bán hàng cho khách thì chị Phương lại nhẹ nhàng dùng chiếc quạt mo thổi mát cho anh. Thỉnh thoảng, anh lại cười hiền, nhẹ nhàng nắm nay vợ với nụ cười đầy hạnh phúc...
Hạnh phúc giản đơn Những buổi sáng tinh mơ, chị Phương cùng chồng đẩy chiếc xe hàng đi bán thức ăn khắp thị trấn. Buổi trưa, khi chị tất tả lo cơm nước thì anh cũng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, dạy con học chữ. Anh bảo, sau những giờ phút bon chen mưu sinh cuộc sống ngoài đường, khi về nhà được ăn cơm vợ nấu, được quây quần bên con thơ thì cuộc sống chẳng gì sánh được. Còn Phương, chị bảo hạnh phúc khi mỗi bữa ăn anh Bộ khen ngon và ăn nhiều, mặc dù bữa ăn ấy chẳng có gì ngoài bát canh và đĩa cá khô... |
Nhật Tân