Bà là Đinh Thị Thu, năm nay 59 tuổi, giáo viên dạy môn Văn của trường THCS Xuân Dương (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa). Còn ông là Lê Minh Hương, 61 tuổi giáo viên tiểu học. Hiện nay, ông bà đã nghỉ hưu và đang làm nghề nhặt phế liệu ở bến xe Mỹ Đình.
Vợ chồng thầy giáo già, ông Lê Minh Hương và bà Đinh Thị Thu
Những bài học cuộc sống
Cuối năm 2009, ông bà về hưu với đồng lương tạm đủ sống, con cái đã yên bề gia thất. Sau tết năm đó, ông bà khăn gói lên đường ra Hà Nội trông nhà, giữ trẻ cho con. Từ đó, ông bà cũng bén duyên với nghề nhặt rác với mong muốn làm đẹp cho đời.
"Cơ duyên" đến với nghề... nhặt rác với ông bà cũng thật tình cờ. Thời gian đầu ở Hà Nội, ông Hương thường đi tập thể dục qua bến xe Mỹ Đình. Ngày qua ngày lại, ông nhận ra quanh bến xe có rất nhiều túi bóng, vỏ chai lọ vứt ngổn ngang, ông liền lóe lên ý nghĩ, nếu nhặt số chai lọ kia lại đem bán vừa rèn luyện được sức khỏe tuổi già lại làm sạch môi trường. Vui mừng với ý tưởng của mình, ông về nhà bàn bạc với bà, rồi vợ chồng ông quyết định đi làm. Vợ chồng ông gắn bó với công việc nhặt phế thải từ ngày đó.
Được hỏi về những ngày đầu mới bắt đầu công việc, ông Hương cười nói: "Ngày đầu đi làm, vợ chồng tôi vẫn bỡ ngỡ, lóng ngóng lắm. Chưa quen địa bàn bến xe nên cứ đi quanh quẩn, vừa nhặt ở chỗ này, sau đi chỗ khác nhặt lại quay về chỗ cũ đến là buồn cười. Mà vợ chồng tôi cũng có tuổi, ngày đầu đi chưa quen nên tối về chân tay mỏi nhừ".
Nhưng dần dần ông bà quen việc, đi lại nhanh nhẹn, công việc thuận hơn. Hàng ngày mọi người đều thấy thân quen cái cảnh vợ chồng ông bà đi hết các ngóc ngách trong bến xe để thu phế liệu với nụ cười hiền lành, câu chuyện cởi mở. Trong cái ồn ào, xô bồ nơi bến xe, ông bà tìm thấy niềm vui cho riêng mình.
Ông Hương nhớ lại, có lần ông đang đi nhặt rác thì có hai người đàn ông lại gần cho ông 5 nghìn và 2 nghìn. Số tiền họ cho ông không lớn, bản thân ông cũng không túng thiếu số tiền đó nhưng ông thấy cảm động lắm. Bởi làm nghề nhặc rác này, gặp được người đồng cảm, chia sẻ, trân trọng công việc này thật hiếm. Hay cũng có lần, ông chờ nhặt lon bò húc của một người đàn bà uống gần hết. Lúc đó, ở hàng bên cạnh có một người vừa uống xong vứt luôn vỏ chai dưới chân, ông liền cúi xuống nhặt. Người đàn bà kia liền quay ra hỏi: "Ông làm cái nghề này à?”. Ông gật đầu không từ chối. Người đàn bà uống xong, liền đưa cho ông vỏ lon rồi rút ra cho ông thêm 20 nghìn.
Ông Hương nói: "Vợ chồng tôi nhận được nhiều điều quý báu từ công việc này. Đây không chỉ là một nghề giúp vợ chồng tôi rèn luyện sức khỏe dẻo dai mà còn giúp chúng tôi nhận được tình người, sự cảm thông, trân trọng của mọi người đối với công việc lam lũ này".
Làm bạn với phế liệu, ông bà say nghề lúc nào không hay. Quen đường đi lối lại, khu vực bến xe Mỹ Đình rộng nên hai ông bà phân công cho nhau từng vùng mà thu lượm chai lọ. Ông bà gửi nhờ đồ phế liệu ở quán nước chị Hiền, gần cây xăng ở bến xe. Ngày túc tắc cũng được 3-4 túi. Lúc nào mệt, bà Thu lại tranh thủ ngồi phân loại phế liệu. "Vợ chồng tôi thu nhặt phế liệu không mong kiếm sống làm giàu từ nghề này, chỉ mong góp phần nhỏ vào ý thức giữ gìn môi trường trong sạch cho mọi người" - bà Thu chia sẻ.
Công việc của người thu gom rác, phế liệu không phải dễ nhận được sự đồng cảm của tất cả mọi người, nhất là khi cuộc sống hiện nay gấp gáp quá. Rất nhiều cô cậu thanh niên trẻ, vẻ sành điệu khi thấy ông bà nhặt phế liệu thì tỏ thái độ khinh miệt. Nhưng đã làm cái nghề này, vợ chồng ông Hương chấp nhận những buồn vui, coi đó chỉ là sự việc thoáng qua trong đời. Điều quý giá hơn cả mà ông bà nhận được chính là giá trị thực của tình người trong nghề nhặt rác. Tại nơi đây, ông bà nhặt rác nhặt được cả yêu thương!
"Phúc đức tại Mẫu"
Câu chuyện về hai vợ chồng thầy giáo già nhặt rác làm đẹp cho đời khiến bao người ở quanh bến xe Mỹ Đình đều khâm phục. Mấy bác xe ôm ở đây đều gật đầu: "Ông bà ấy chịu khó lắm, sức chúng tôi còn thấy nể. Ngày nào cũng thấy ông vác bao tải qua đây, niềm nở và hay nói chuyện với mọi người".
Ngày mưa hay nắng, ông Hương vẫn cần mẫn đi nhặt phế liệu
Có cái chịu khó, niềm nở đó là do ông bà luôn tràn đầy tinh thần lạc quan vào cuộc sống, vào nếp sống tốt đời đẹp đạo của gia đình mình. Và ai cũng ngạc nhiên khi biết chuyện, ông bà già nhặt phế liệu kia lại có một gia đình vô cùng hạnh phúc với sự trưởng thành, thành đạt của con cái. Nhắc đến con, ánh mắt ông Hương rạng ngời lên hẳn. Đúng thật, vợ chồng ông một lòng tạo phúc, làm ăn chân chính, lương thiện nên đời con sáng rạng, yên vui.
Vợ chồng ông sinh hạ được hai người con trai. Trước ông bà làm giáo viên, đồng lương hạn hẹp nhưng ông bà vẫn cố gắng tạo mọi điều kiện cho các con ăn học, bằng chúng bằng bạn. Bà Thu nói: "Thế hệ vợ chồng tôi sinh ra đã khổ rồi, giờ chỉ mong muốn con cái không khổ như bố mẹ chúng. Cũng mừng là thời nay khác trước rất nhiều, cuộc sống mỗi gia đình đã khấm khá hơn, gia đình tôi cũng không ngoại lệ".
Thời gian thấm thoát trôi đi, anh con trai lớn của ông bà là Lê Đức Hiếu, sinh năm 1977 đã vượt vũ môn ngoạn mục, trở thành cử nhân của hai trường đại học: Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính Viễn thông. Anh nối nghiệp cha mẹ, giờ đây anh đang là giảng viên dạy công nghệ ô tô của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Anh được đánh giá là một giảng viên dạy giỏi, rất mực gương mẫu và yêu nghề. Anh đã truyền được bao nhiệt huyết, tinh thần say mê học tập, nghiên cứu cho bao thế hệ sinh viên. Tự hào thêm khi anh đang du học nghiên cứu sinh bên Trung Quốc để tiếp tục cống hiến vào sự nghiệp trồng người cao quý.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, anh con út Lê Đức Trung cũng tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đang làm ở một công ty của Nhật Bản, tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi, Hà Nội. Anh đã yên bề gia thất, nhà cửa cơ bản, kinh tế khá giả.
Niềm hạnh phúc, mãn nguyện về con cái cứ lấp lánh mãi trên gương mặt phúc hậu và ánh mắt nhân từ của vợ chồng thầy giáo già. Giờ đây, ông bà không còn mong mỏi điều gì hơn khi con cái đã lớn khôn, trưởng thành, ai nấy đều yên bề gia thất. Các con đã có thể chăm lo được cho ông bà, không muốn ông bà phải lam lũ, nhọc nhằn. Chính vì thế, đã nhiều lần khuyên bố mẹ ở nhà nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già không được, các anh và vợ đã từng phải giấu đồ nghề của ông bà nhưng chỉ được dăm bữa, nửa tháng. Bởi sau đó, ông bà lại tiếp tục công việc nhặt phế liệu ở bến xe Mỹ Đình như một lẽ sống, tri ân với đời. Ông Hương nói: "Nếu tôi còn ở đây, còn khỏe ngày nào thì tôi còn đi nhặt rác ngày đấy. Sức khỏe là cái quý giá và càng quý hơn khi sức khỏe được sinh từ công việc này".
Chu Mai