1. Ông Phạm Nhật Vượng- bà Phạm Thu Hương (Tập đoàn VinGroup)
Là một trong những cổ đông sáng lập, đồng thời nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT tại Tập đoàn VinGroup hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng đang là tỷ phú giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng lên tới 7,8 tỷ USD (theo Forbes, tính đến thời điểm 26/2/2019). Riêng giá trị cổ phiếu tại VinGroup của ông là hơn 100.000 tỷ đồng.
Vợ chồng ông Vượng, bà Hương là cặp vợ chồng có khối tài sản lớn nhất Việt Nam. Ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu (cả trực tiếp và gián tiếp) trên 1,86 tỷ cổ phiếu VIC còn vợ ông – bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Vingroup sở hữu 151 triệu cổ phiếu VIC.
Với khối tài sản 7,8 tỷ USD - tương đương 180.000 tỷ đồng, tạp chí nổi tiếng Forbes đã nâng xếp hạng tài sản của ông Vượng ở vị trí 195 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Hiện, tài sản của Chủ tịch VinGroup cao gấp gần 2 lần tổng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Bá Dương.
Về bà Phạm Thu Hương, bà được biết đến là một trong những người sáng lập Vingroup - tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam - và giữ vai trò là Phó chủ tịch thường trực thứ hai. Tuy nhiên, đó là những thông tin đáng chú ý nhất mà truyền thông nắm được về người phụ nữ quyền lực mà đầy bí ẩn này.
Việc bà Hương tham gia khá sâu vào đội ngũ ban lãnh đạo, điều hành của VinGroup cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng với các đại gia khác như so với bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Trịnh Văn Quyết - FLC Group) và bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long - Hòa Phát).
2. Ông Trịnh Văn Quyết - bà Lê Thị Ngọc Diệp (Tập đoàn FLC)
Đã từng có một thời gian khá dài, ông Trịnh Văn Quyết và ông Phạm Nhật Vượng so kè nhau để giữ ngôi vương "người giàu nhất sàn chứng khoán Việt".
Năm 2016 nhờ việc đưa cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros lên sàn, và liên tục được "thổi giá", ông Quyết trở thành đại gia mới nổi trên sàn chứng khoán Việt.
Từ việc không được xếp hạng, đến ngày 11/11/2016, lần đầu tiên sau 7 năm vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt đổi chủ khi giá trị cổ phiếu mà ông Quyết sở hữu vượt ngưỡng 31.000 tỷ đồng. Thậm chí chiều ngày 11/11/2016 cả hai cổ phiếu FLC và ROS đều tăng giá đưa tổng tài sản của ông Quyết đạt 31.100 tỷ đồng, vượt ông Phạm Nhật Vượng lúc đó có tổng tài sản là 30.664 tỷ.
Ông Trịnh Văn Quyết là người duy nhất từng vượt mặt ông Phạm Nhật Vượng về giá trị cổ phiếu sở hữu trên sàn chứng khoán trong hơn 10 năm qua.
3. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - ông Nguyễn Thanh Hùng (Vietjet Air)
Vợ chồng Nguyễn Thanh Hùng – Nguyễn Thị Phương Thảo là những người sáng lập Sovico Holdings – một tập đoàn lớn hoạt động ở nhiều lĩnh vực, như tài chính ngân hàng, bất động sản, hàng không ở Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là hãng bay Vietjet Air.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng nổi tiếng với khối lượng tài sản lớn. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam với giá trị tài sản cổ phiếu tại Vietjet Air ở mức 22.000 tỷ đồng; còn chồng bà – ông Nguyễn Thanh Hùng sở hữu tài sản khoảng 550 tỷ đồng.
Tuy cùng giữ vai trò Phó Chủ tịch Vietjet Air, nhưng hình ảnh bà Thảo thường được nhắc đến nhiều hơn với giới truyền thông, trong hầu hết hoạt động của Vietjet từ khi thành lập đều có dấu ấn của vị nữ tỷ phú này. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn kiêm nhiệm thêm vị trí Tổng Giám đốc, vị trí điều hành trực tiếp hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng tại đây, ông Hùng chỉ nắm giữ 0,82% vốn công ty, còn tỷ lệ sở hữu trực tiếp của bà Thảo lên tới 7,3%. Ngoài ra, bà còn gián tiếp sở hữu 23,81% vốn công ty thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (do bà Thảo sở hữu 100% vốn).
Thậm chí, tại Công ty cổ phần Sovico - doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái của 2 vợ chồng doanh nhân này, vị trí Chủ tịch HĐQT hiện cũng do bà Thảo nắm giữ, còn ông Hùng nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng sáng lập.
4. Ông Trần Đình Long - bà Vũ Thị Hiền (Tập đoàn Hòa Phát)
Khởi đầu từ một xưởng kinh doanh, ông Trần Đình Long là một trong những cổ đông sáng lập chủ chốt và hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát.
Tính đến ngày 26/2/2018, ông Long đang trực tiếp sở hữu hơn 534,17 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,15% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Tính theo thị giá cổ phiếu HPG hiện nay, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long tương đương khoảng 180.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, dù cũng là một trong những cổ đông lớn tại doanh nghiệp của chồng mình (sở hữu 7,29% vốn), bà Vũ Thị Hiền lại không hề tham gia bất kỳ hoạt động lãnh đạo hay điều hành doanh nghiệp tại Hòa Phát.
Trong nhiều năm, vợ chồng “vua thép” Trần Đình Long cũng là một trong những người giàu nhất thị trường chứng khoán. Bà Vũ Thị Hiền có thể gọi là người phụ nữ “giàu có và bí ẩn” nhất sàn chứng khoán vì ngoài việc là vợ ông Trần Đình Long, không có thêm bất cứ một thông tin nào về bà này.
5. Ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình (tập đoàn Thủy sản Minh Phú)
Là một trong những cặp vợ chồng đại gia cùng nhau xây dựng doanh nghiệp từ con số không, đến nay ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình vẫn đang cùng nhau sở hữu và điều hành doanh nghiệp.
Trong khi ông Quang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty nắm giữ 23,21% vốn thì bà Chu Thị Bình cũng đảm trách vị trí Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc công ty và sở hữu 25,41% vốn doanh nghiệp.
Là tập đoàn thủy sản số 1 Việt Nam với doanh thu trên 10.000 tỷ mỗi năm, các sản phẩm của Minh Phú đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tập đoàn có tổng cộng 10 công ty thành viên, bao gồm 4 nhà máy chế biến tôm và 8 công ty trực thuộc tập đoàn.
Đình Văn