Vô cớ bắn người đi đường
Thời gian đầu tháng 5 vừa qua, nhiều người đi qua khu vực chung cư 17T10 Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ bị trúng đạn. Trong đó có trường hợp anh P.V.T (quê tại Hà Tĩnh).
Khi đi ngang qua khu vực trên thì bất ngờ anh thấy đau nhói ở vùng ngực trái và cổ, anh T. chỉ kịp ôm ngực và ngất lịm. Sau đó, anh T. được người dân hỗ trợ đưa đi cấp cứu. Kết quả giám định thương tích sau đó của anh T. lên tới 14%.
Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan công an đã phối hợp điều tra. Trưa 6/5, Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị liên quan đã bắt giữ Vũ Tuấn Dũng (SN 1982, trú tại 17T10, phố Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và Đặng Trần Đức (SN 1974, trú tại Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) là 2 kẻ đã gây ra sự việc.
Theo điều tra ban đầu, Đức và Dũng quen nhau từ năm 2014, do cùng có chung sở thích đi bắn chim bằng súng tự chế nên thường xuyên rủ nhau ra ngoại thành để bắn chim.
Đầu tháng 1/2020, thông qua mạng xã hội, Dũng mua một khẩu súng hơi nhãn hiệu Bengian của một người ở Bắc Ninh với giá 10 triệu đồng và 1 kg đạn chì của một người khác ở Hà Nam. Đến khoảng đầu tháng 2, Dũng mang khẩu súng trên kê lên cửa sổ phòng ngủ của căn hộ P14.10 chung cư 17T10 Nguyễn Thị Định (nhà của Dũng) và bắn ra ngoài nhiều phát.
Sau khi quen súng, Dũng kê súng lên cửa sổ và ngắm, bắn người đi đường, mỗi lần bắn từ 2 - 3 viên đạn chì. Do bắn quá nhiều lần xuống dưới nên Dũng không biết có ai bị thương không, nhưng những người trúng đạn thường vào quần áo, Dũng thấy họ chỉ nhìn về hướng đạn và sau đó bỏ đi. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Dũng, lực lượng chức năng thu giữ khẩu súng Dũng dùng để bắn người, 180 viên đạn chì và một bơm tay.
Tại nơi ở của Đức, công an thu giữ 6 nòng súng bắn đạn bằng kim loại; nhiều hệ thống cò súng, tiếp đạn cho súng bắn đạn ghém; 6 ốp nòng súng; 4 báng súng; hơn 300 viên đạn các loại và nhiều thiết bị dùng để sửa chữa súng. Đức từng có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích, 1 tiền sự về hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ.
Cái giá cho kẻ ngạo mạn "ngứa tay"
Thông tin với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, hành vi của đối tượng biểu hiện sự lệnh lạc về tâm lý, vô cớ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ nên cần thiết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Để có căn cứ xử lý đúng tội danh, Cơ quan điều tra sẽ dựng lại hiện trường, trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn về loại vũ khí, đạn bắn, cự ly, khoảng cách từ vị trí đối tượng bắn đến nơi nạn nhân trúng đạn.
Nếu kết luận giám định xác định từ vị trí, khoảng cách bắn súng gây nguy hiểm đến tính mạng thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo Điều 123 BLHS. Nạn nhân không tử vong do được cấp cứu kịp thời thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 BLHS.
Trường hợp kết qủa giám định xác định từ vị trí, khoảng cách súng bắn đó đến các nạn nhân không gây nguy hiểm đến tính mạng thì với hậu quả thương tích thực tế gây ra, đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS.
Tỷ lệ thương tích của các nạn nhân sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo định khung hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS. Cụ thể: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo thông tin ban đầu, đối tượng đã sử dụng súng hơi nhãn hiệu Bengian để bắn người đi đường. Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ quy định “Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì chỉ những lực lượng nhất định mới được sử dụng. Công dân bình thường không có quyền, tàng trữ, mua bán, sử dụng…
Cũng theo luật sư Thơm, để có căn cứ xử lý đối tượng về tội Tàng trữ súng săn theo quy định tại Điều 306 BLHS, Cơ quan điều tra cần làm rõ trước đó đối tượng đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này. Nếu việc xử phạt hành chính trước đó vẫn còn trong thời hạn 01 năm kể từ ngày xử phạt mà tái phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 306 BLHS.
Trường hợp, hết thời hạn 1 năm kể từ ngày bị xử phạt mà vi phạm thì đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm đ, Khoản 3 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối về hành vi “Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép”.
Ngoài việc bị xử phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng thì sẽ phải chịu hình thức phạt bổ sung là tịch thu súng theo quy định tại Điểm a Khoản 8 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.