Bạn Trần Q.T. (quận 3, TP HCM) hỏi: Tôi 35 tuổi, vợ chồng tôi đã kết hôn được 7 năm. Trong thời kỳ hôn nhân, tôi vẫn hoàn thành trách nhiệm của người cha và người chồng.
Tôi phát hiện vợ mình ngoại tình nhiều lần nhưng không muốn bắt tận tay. Bởi vì tôi sợ mình không làm chủ được, sẽ gây ra tội ác và ảnh hưởng đến cuộc sống của các con tôi sau này.
Vợ của người đang ngoại tình với vợ tôi cũng vừa sinh con được 3 tháng tuổi, sức khỏe còn yếu. Tôi sợ khi cô ấy biết chuyện chồng mình ngoại tình cũng không chịu được. Nếu tôi công khai chuyện này chẳng khác nào tôi gián tiếp giết cô ấy. Trong khi tôi nhẫn nhục chịu đựng và đau khổ họ vẫn vô tư ngoại tình.
Trong một lần nghe lén điện thoại của vợ, tôi phát hiện đứa con gái thứ 2 (10 tháng tuổi) của tôi không phải con ruột của tôi. Đó là con của vợ tôi với người tình của cô ấy. Tôi thật sự choáng váng, chuyện đó đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến tinh thần và sức khỏe của tôi.
Tôi muốn xác định con có phải là con của tôi không thì cần làm như thế nào ạ? Nếu đúng đó không phải là con của tôi, khi ly hôn tôi có phải cấp dưỡng không?
Luật sư trả lời:
Con là con chung vợ chồng khi thuộc một trong các trường hợp:
Thứ nhất, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân; người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Thứ hai, con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân (quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc bản án ly hôn của tòa án có hiệu lực).
Thứ ba, con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Trong trường hợp bạn không thừa nhận con thì bạn có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình.
Khi có người yêu cầu tòa án xác định người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ. Về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ.
Trường hợp cần thiết, tòa án sẽ trưng cầu giám định gen, không nên tự mình thực hiện trước. Người có yêu cầu giám định gien phải nộp lệ phí giám định ADN.
Tại điều 3 luật Hôn nhân và Gia đình quy định, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của luật này.
Theo khái niệm trên, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng.
Sau khi thực hiện thành công thủ tục xác định con để chứng minh người con này không có quan hệ huyết thống với bạn thì bạn không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn.
Lưu ý, hiện nay vợ bạn có con nhỏ 10 tháng tuổi nhưng bạn nghi ngờ không phải là con mình do vợ ngoại tình và muốn ly hôn thì theo khoản 3 điều 51 luật Hôn nhân và Gia đình, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Do đó, khi vợ bạn đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (không phân biệt cha đứa trẻ là ai) thì bạn không có quyền yêu cầu ly hôn trong thời gian này.
Hoàng Mai