“Thanh xuân” đáng giá bao nhiêu?
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên xác nhận với PV Người Đưa Tin Pháp luật về một vụ án đặc biệt vừa đưa ra xét xử trên địa bàn.
Cụ thể, TAND huyện Tuy An, Phú Yên vừa mở phiên tòa hôn nhân gia đình, xét xử vụ án “Xin ly hôn” giữa nguyên đơn là ông C.V.M. (SN 1967) với bị đơn là bà N.T.K. (SN 1969) cùng trú tại huyện Tuy An.
Hồ sơ vụ việc thể hiện, tháng 8/1991, ông M. và bà K. kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, được UBND xã cấp giấy chứng nhận kết hôn. Sau khi cưới, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc và sinh được 2 người con chung.
Sau đó trong quá trình chung sống, vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn. Đến tháng 6/2019, mâu thuẫn vợ chồng trở nên căng thẳng, gay gắt, hai bên không tôn trọng lẫn nhau, thường xuyên xảy ra cãi vã, miệt thị, xúc phạm nhau.
Bởi vậy, ông M. đã làm đơn xin ly hôn bà K. gửi TAND huyện. Nhưng qua hòa giải, ông M rút đơn với mong muốn vợ chồng đoàn tụ.
Tuy nhiên, nhận thấy vẫn không thể chung sống với nhau được nên ông M. thuê nhà ở riêng.
Tại tòa, bà K. cho rằng ông M. ngoại tình nên mới làm đơn ly hôn. Do đó bà K. không đồng ý ly hôn. Thế nhưng, người vợ lại đưa ra yêu cầu là nếu tòa cho ly hôn thì ông M. phải bồi thường cho bà 2 tỷ đồng để bù đắp thanh xuân.
Trong 2 người con có 1 con chưa thành niên đang học lớp 12 nên ông M. và bà K. thống nhất, sẽ tôn trọng nguyện vọng của con. Hai bên không yêu cầu giải quyết các vấn đề tài sản chung, nợ chung.
Qua xét hỏi và thẩm tra các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, đại diện VKSND huyện Tuy An tham gia phiên tòa đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của ông M. được ly hôn bà K.; người con chưa thành niên đồng ý ở với mẹ nên giao cho mẹ nuôi dưỡng, giáo dục.
Phía VKSND huyện Tuy An không chấp nhận yêu cầu của bà K., đòi ông M. bồi thường 2 tỷ đồng tiền bù đắp tuổi thanh xuân vì không có căn cứ. Hai người kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện, không ai lừa dối, ép buộc ai.
Đồng quan điểm, HĐXX cho rằng mâu thuẫn giữa ông K. và bà M. là trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được nên đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông M.; giao người con chưa thành niên cho bà K. nuôi dưỡng, giáo dục.
Đồng thời, quyết định của HĐXX là không chấp nhận yêu cầu của bà K. đòi ông M bồi thường 2 tỷ đồng tiền bù đắp tuổi thanh xuân.
Không có căn cứ để xác định số tiền bồi thường
Bình luận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Quynh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, việc yêu cầu bồi thường là bình thường và được pháp luật cho phép. Quan trọng là người yêu cầu có chứng minh được yêu cầu đòi bồi thường có hợp lý hay không.
“Nguyên tắc pháp luật dân sự thể hiện rằng, ai cũng có quyền đòi bồi thường khi cảm thấy quyền và lợi ích của bản thân bị xâm phạm. Nhưng phải chứng minh mối quan hệ trực tiếp, đối phương là người có lỗi và có hành vi tổn hại, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình để yêu cầu bồi thường”, luật sư Quynh đánh giá.
Chuyên gia pháp lý này cũng nhận xét, “thanh xuân” hay “đời trai” là cách nói nôm na trong đời sống, không có trong ngôn ngữ hành chính. Nhưng có thể hiểu đó là tổn thất về danh dự, tinh thần.
Từ bản án này, nhiều người thắc mắc, trong vụ án lý hôn thì yêu cầu ly hôn bồi thường “tuổi thanh xuân” hay “đời trai” có được không? Và dựa vào căn cứ nào để Tòa án xem xét chấp nhận khoản bồi thường này?
Một nữ thẩm phán của TAND huyện Củ Chi, TP.HCM nêu ý kiến: “Trong mối quan hệ hôn nhân, điều kiện quan trọng nhất để xác lập cuộc hôn nhân hợp pháp là 2 bên nam và nữ phải có sự tự nguyện quyết định, không được ép buộc nhau, không bên nào được lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở.
Như vậy, quan hệ hôn nhân là dựa trên sự tự nguyện của cả hai người, không có yếu tố lỗi nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường”.
Vị này cũng cho rằng, luật pháp hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về khoản tiền này và mức bồi thường. Do đó, trong vụ án ly hôn, số tiến bồi thường cho “đời trai” hay “tuổi thanh xuân” có được đưa ra hay không là vấn đề thoả thuận của hai bên và không có tính chất bắt buộc.
Và cũng do việc áp dụng thoả thuận giúp cho vụ việc ly hôn được giải quyết nhanh chóng hơn nên toà án thường khuyến khích các bên áp dụng, để giải quyết nhanh gọn trong trường hợp một trong hai bên còn chưa chấp nhận được việc ly hôn.
Nhưng trong thực tế, HĐXX vẫn tính toán đến công sức đóng góp và duy trì cuộc sống hôn nhân, giải quyết hài hòa và nhân văn quyền lợi mọi mặt cho đương sự.
Trong đó, sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Vì sau khi ly hôn, nữ giới thường sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi. Cơ hội tạo lập cuộc sống mới cũng như tìm một hạnh phúc mới sẽ khó khăn và hạn chế hơn nam giới.
Chồng cũng đòi bồi thường “đời trai”
Vào tháng 3/2019, TAND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng đưa ra xét xử một vụ việc tương tự. Người chồng là bị đơn đã đưa ra yêu cầu mong muốn đoàn tụ, nếu người vợ muốn ly hôn thì phải bồi thường “đời trai” cho chồng.
Cụ thể, theo Bản án số 05/2018/HNGĐ-ST ngày 26/3/2019 về việc tranh chấp ly hôn, HĐXX xét thấy người chồng cũng không thiện chí đoàn tụ nên Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn của người vợ. Do hai bên không có con chung và yêu cầu chia tài sản lên Tòa án không xem xét giải quyết.
Được biết, người chồng (bị đơn) trong vụ án là anh V.C.L., sinh năm 1988 và người vợ (nguyên đơn) là chị H.T.K.C., sinh năm 1992. Cả hai cùng ngụ tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Tại phiên toà, các bên đương sự vẫn giữ nguyên ý kiến, không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và yêu cầu HĐXX giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nhận thấy, anh L. cũng không thiện chí trong việc hàn gắn hạnh phúc gia đình, tình cảm của các bên thật sự không còn nên HĐXX căn cứ Điều 56 của luật Hôn nhân gia đình, chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị C. là phù hợp.
Nhưng trong phần quyết định, bản án được ký bởi thẩm phán Trần Trung Thành không nhắc đến việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường của người chồng.