Theo như thông tin báo Người Đưa Tin phản ánh, cơ quan chức năng ở Thanh Hóa đã giải cứu người đàn ông bị vợ và con nhốt trong lồng sắt hơn 3 năm qua tại xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân. Xung quanh câu chuyện này, còn nhiều vấn đề cần làm rõ.
Trước hết, bà Phạm Thị Nghĩa (vợ nạn nhân) xác nhận, việc bà đưa chồng mình vào “chuồng cọp” nhốt suốt hơn 3 năm qua là đúng sự thật. Nhưng, bà này lý giải là do chồng bị nghiện ma túy (heroin và ma túy đá) nên vợ con bàn nhau đưa ông vào đó để cai nghiện.
Tuy vậy, sau khi được giải cứu khỏi “chuồng cọp”, nạn nhân là ông Lê Văn Năm (SN 1967, chồng bà Nghĩa) khẳng định: “Tôi chỉ thích uống bia chứ chưa bao giờ sử dụng heroin hay ma túy đá”.
Vậy "việc tốt" của người vợ muốn giúp chồng mình cai nghiện - trong trường hợp lời khai của bà Nghĩa là đúng - có vi phạm pháp luật hay không?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định: “Đây không phải là hành vi bắt giữ người trái pháp luật mà chỉ là trong nội bộ gia đình. Nhưng xét về tình huống mà vợ con ông Năm nhốt ông Năm với mục đích là để cai nghiện hay không thì cũng là hành vi mang dấu hiệu của tội Ngược đãi, đối xử tàn ác với người khác đã quy định tại Điều 185, Bộ luật Hình sự năm 2015”.
“Nếu ông Lê Văn Năm đúng thật bị nghiện ma túy thật thì bắt buộc phải chữa bệnh theo quy định của pháp luật chứ không thể nhốt ông trong lồng sắt cho ông không đi ra khỏi nhà, cách ly với thế giới bên ngoài như thế được”, luật sư Thơm cho biết thêm.
Điều 185, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình có hành vi bạo lực xâm phạm thể xác và tinh thần có thể bị phạt cải tạo không giam giữ từ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Còn về trường hợp phụ nữ có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể sẽ phạt từ 2 đến 5 năm tù.
Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, thì hành vi hành hạ phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Hậu quả nghiêm trọng đối với tội này được hiểu là làm cho người này luôn bị giày vò về mặt tinh thần, sỉ nhục về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị hành hạ gây thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe từ 10% trở xuống hoặc gây bất bình trong dư luận xã hội.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, xét trong vụ việc này cho thấy, ông Lê Văn Năm chưa bị thiệt hại gì nghiêm trọng về sức khỏe, hàng ngày vẫn được vợ con chăm sóc. Do đó, nếu có căn cứ xác định có việc giam giữ nhốt ông Năm trái ý muốn, hạn chế sinh hoạt thì cũng cần thiết phải xử phạt hành chính từ 1.500.000 – 2.000.000 đồng theo Điều 50, Nghị định 167/2013 và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.