Tôi kết hôn năm 2012, từ đó đến nay tôi sinh lần lượt 2 con, do sức khoẻ của con yếu nên tôi chỉ ở nhà nội trợ và trông con còn chồng tôi đi làm, hàng tháng thu nhập của chồng tôi khá cao và mọi chi tiêu sinh hoạt trang trải cuộc sống đều do chồng tôi lo liệu. Nay tôi và chồng có những mâu thuẫn không thể chung sống tiếp được, tôi muốn ly hôn, nhưng lại e ngại mình sẽ phải ra đi tay trằng vì tôi chỉ ở nhà nội trợ trông con không trực tiếp đi làm. Vậy trong trường hợp của tôi khi ly hôn Toà sẽ xử phân chia tài sản ra sao?
Trả lời
Trường hợp của của bạn thắc mắc nêu trên cũng là hoàn cảnh của khá nhiều người phụ nữ trong gia đình Việt Nam hiện nay. Không ít gia đình chỉ có một người đi làm có thu nhập, người còn lại ở nhà nội trợ không trực tiếp tạo ra tài sản chung thì giữa họ cũng có quyền và nghĩa vụ như thế nào trong quyền sở hữu tài sản chung? Thực tế cho thấy nếu một bên không chăm sóc con cái, nội trợ, thực hiện các công việc trong gia đình thì bên kia không thể tham gia lao động ngoài xã hội được. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên ở nhà chăm lo cho gia đình nên pháp luật đã ghi nhận sự bình đẳng giữa lao động ngoài xã hội và lao động trong gia đình. Đồng thời quy định này là phù hợp với mục đích của hai bên nam, nữ khi tiến tới hôn nhân là muốn cùng nhau quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ trong cuộc sống trên mọi phương diện.
Tại khoản 1, Điều 29 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định.
Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ và chồng: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”.
Khoản 2 Điều 59Luật Hôn nhân gia đình 2014. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ban ngày 6/01/2016 về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì “công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” theo Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
Như vậy theo những quy định trên đây nếu vợ chồng chị không thoả thuận được việc phân chia tài sản thì Toà án sau khi hoà giải mà đôi bên vợ chồng chị vẫn nhất quyết ly hôn thì Toà án sẽ giải quyết theo chế độ luật định. Tài sản chung sẽ được chia đôi. Mặc dù chị không đi làm nhưng chị ở nhà nội trợ và trông con thì chị vẫn được coi như là lao động tương đương. Tuy nhiên Toà sẽ xét các yếu tố công sức đóng góp của mỗi người để phân chia một cách hợp lý để không bên nào bị thiệt thòi khi ly hôn và phân chia quyền nuôi con.Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
Đỗ Thị Hải (trường Chính trị Sơn La)