Vợ liệt sĩ trên 80 tuổi chăm nuôi con tâm thần

Vợ liệt sĩ trên 80 tuổi chăm nuôi con tâm thần

Thứ 2, 19/08/2013 11:06

Trong ngôi nhà nhỏ nằm chông chênh dưới chân núi, chỉ có hai người đàn bà nương tựa vào nhau mà sống. Một người giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, còn đứa con gái kia bị tâm thần nặng chẳng làm được việc gì, suốt ngày chỉ biết tha thẩn rồi khóc cười ngặt ngẽo.

Phải mất mấy chục phút theo lời chỉ dẫn của nhiều người dân địa phương, chúng tôi mới tìm đến được nhà của vợ con liệt sỹ Tống Trần Loan tại thôn Sơn Thủy, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Hai mẹ con bà Nguyễn Thị Cúc (82 tuổi) và cô con gái bị bệnh tâm thần là Tống Thị Hồng (đã ngoài 50 tuổi) tá túc là ngôi nhà nằm “thọt lỏm” dưới chân núi Sơn Thủy hoang vắng, buồn tẻ. Gian nhà cấp bốn cũ nát, mái ngói đã xuống cấp trầm trọng với diện tích chưa đầy 10m2, được xây dựng bằng những viên táp lô, theo thời gian đã rã xỉ lỗ chỗ. Ngay cả những tia nắng cũng có thể len lỏi qua từng lớp ngói thủng để rọi thẳng vào mặt người phụ nữ khẳng khiu đang co ro bên góc giường, bên cạnh là cô con gái cứ ê a, nói nói cười cười trong vô thức.

Quệt ngang những giọt nước mắt giàn giụa nơi khóe mắt, bà Cúc kể: “Thời buổi chiến tranh liên miên nên sau ngày cưới, theo tiếng gọi của tổ quốc, ông nhà tôi hăng hái lên đường nhập ngũ để bảo vệ đất nước. Năm 1972, nhận được tin ông ấy hy sinh ở chiến trường miền Nam, tôi đau đớn vô cùng. Nhưng nghĩ đến con, tôi càng gắng gượng để còn lo lắng cho nó.

Miền trung - Vợ liệt sĩ trên 80 tuổi chăm nuôi con tâm thần

Ngôi nhà mà 2 mẹ con liệt sĩ đang sống đã xuống cấp trầm trọng

Không lâu sau ngày chồng mất, đứa con gái đẹp người, đẹp nết của bà đang ở độ tuổi trăng rằm bỗng dưng mắc chứng bệnh lạ. Từ một cô bé hay cười nói, nhí nhảnh, Hồng trở nên lầm lì, trầm ngâm, suốt ngày thui thủi trong góc nhà, miệng lẩm bẩm những điều không ai hiểu. Dù đã chay chữa, vái lạy tứ phương nhưng bệnh tình của con gái bà chẳng thấy thuyên giảm. Bao nhiêu tiền của, tài sản trong nhà cứ đội nón ra đi mà bệnh của con ngày càng nặng. Mỗi khi trái gió trở trời, Hồng la hét, đập phá đồ đạc, chạy như ma đuổi khắp làng trên xóm dưới, bà Cúc lại phải nhờ vả hàng xóm cùng đi kiếm tìm. Lại có hôm bắt gặp con đang ngồi co ro trong bụi tre chằng chịt, toàn thân là chi chít vết xước do gai góc đâm vào. Phải khó khăn lắm bà mới nhờ người kéo ra rồi đưa trở về nhà.

“Khổ nhất là những hôm mưa to gió lớn, hai mẹ con nằm ở cái giường này mà phía trên thì nước mưa rơi xuống cả mặt, dưới nền nhà thì nước ngập vào lênh láng, nghe tiếng sấm chớp đùng đùng thì con la hét ing ỏi, rồi phá đồ đạc, gào khóc mà tôi như đứt từng khúc ruột. Chồng mất, những tưởng còn đứa con để nương tựa, nào ngờ…” – nói đến đây giọng bà Cúc như nghẹn cứng lại.

Bà Nguyễn Thị Hoan, một người hàng xóm gần nhà hai mẹ con bà Cúc cho biết: “Nhà bà Cúc thì nói chi hết cái sự cực nữa, mẹ góa con lại lẩn thẩn nên trong nhà mô (không - PV) có chi đáng giá. Con Hồng năm ni cũng ngót nghét năm chục tuổi rồi mà người cứ điên điên, dại dại. Bà Cúc thì đã cao tuổi, sức yếu lại phải chăm con nên ốm đau suốt. Cuộc sống hai mẹ con bà ấy bây giờ chủ yếu phụ thuộc vào mấy đồng trợ cấp của nhà nước chứ hoàn toàn không làm được gì thêm, mà anh em con cháu họ hàng thì cũng ở xa nên không có điều kiện chăm sóc. Nhiều hôm mưa gió, dân làng chúng tôi lại bảo nhau sang nấu giúp bà miếng cơm hay che chắn thêm cho cái nhà để mẹ con đỡ gió máy, không lại ốm thì khổ.”.

Miền trung - Vợ liệt sĩ trên 80 tuổi chăm nuôi con tâm thần (Hình 2).

Bà Cúc và cô con gái bị bệnh tâm thần

Bà Cúc tâm sự: “Mỗi tháng nhà nước có hỗ trợ tiền chính sách cho hai mẹ con, nhưng thú thực cũng dè xẻn lắm thì chỉ đủ để chi phí thuốc men, còn ăn uống thì tôi cứ lượm lặt xung quanh vườn nhà, có chi thì ăn đó để cho qua ngày thôi. Có những đợt điều trị bệnh tốn kém, tôi phải chạy khắp xóm vay mượn để có tiền mua thuốc cho con, nhìn nó ngày càng gầy yếu, kiệt quệ mà người làm mẹ như tôi xót xa lắm. Không biết rồi mai đây nếu được “kẻ đầu bạc, tiễn kẻ đầu xanh” thì còn đỡ, chứ tôi mà chết trước nó thì không biết phải làm thế nào nữa, chỉ mong ông trời thương cho tôi có sức khỏe để sống và chăm con được ngày nào hay ngày nấy”.

Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Cúc,  ông  Nguyễn Kiều Hưng – chủ tịch UBND xã Sơn Lễ (Hương Sơn) cho biết: “Trường hợp gia đình bà Cúc thuộc gia đình chính sách hết sức khó khăn, bản thân bà lại đang chăm nuôi con tâm thần thì UBND xã đã tiến hành làm hồ sơ, đề nghị làm cho mẹ con bà một ngôi nhà mới để ở. Đồng thời khi ốm đau, người nhà còn đến chăm sóc thì vẫn có chỗ tạm trú. Nhưng do kinh phí cũng có hạn, nên việc xét duyệt vẫn đang phải chờ đợi ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ một phần nào đó cho gia đình bà Nguyễn Thị Cúc về vật chất cũng như tinh thần để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về theo địa chỉ:

Bà Nguyễn Thị Cúc

Thôn Sơn Thủy – Xã Sơn Lễ – Huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh

Hoặc Văn phòng Đại diện Báo ĐS&PL tại Miền Trung, Số 3 – Đại lộ Lê Nin – TP Vinh (Nghệ An).

Khánh Ly - Hồ Thắng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.