Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, thuộc tổng cục Quản lý thị trường (bộ Công Thương) vừa phối hợp với lực lượng chức năng của TP.Hà Nội đột xuất kiểm tra một “kho hàng khủng”, thu giữ hàng nghìn sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như LV, Gucci, Nike, Burberry… Những sản phẩm này được để trong căn nhà 3 tầng ngay giữa trung tâm TP.Hà Nội.
Trước đó không lâu, ngày 17/3, tổng cục Quản lý thị trường cũng phối hợp với cục Quản lý thị trường Nam Định và Công an tỉnh Nam Định ập vào kho trữ hàng hóa giả các hãng thời trang xa xỉ như Hermès, LV, Chanel... tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Kho hàng “khủng” này rộng hơn 500m2, chứa hàng vạn sản phẩm, với tổng trị giá ước khoảng 6 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra phải dùng tới 10 xe ô tô 3,5 tấn mới có thể di chuyển hết số hàng vi phạm tại kho này.
Dư luận tỏ ra băn khoăn, tại sao những kho hàng giả với số lượng “khủng” như vậy được người ta cất trữ ngay giữa khu dân cư và trong khoảng thời gian khá dài mới bị phát hiện, xử lý?...
Xung quanh vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) để có những góc nhìn đa chiều.
PV: Thưa luật sư, ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng buôn bán hàng giả tại Việt Nam trong thời gian qua?
Luật sư Bùi Đình Ứng: Trước hết, có thể nói rằng, thực trạng hiện nay, hàng giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, chúng ta dễ dàng nhận thấy có vô vàn loại hàng giả gắn các thương hiệu nổi tiếng như quần áo, túi xách, đồ trang sức, nồi, bếp…
Có những chiếc túi xách của Hermès giá vài trăm triệu đồng, thế nhưng các đối tượng làm “hàng fake”, cũng giả mẫu mã giống như vậy và gắn thêm nhãn mác của thương hiệu này vào, rồi bán với giá chỉ vài trăm đến vài triệu đồng. Thậm chí, nếu chỉ nhìn bình thường thì rất khó để phân biệt được đâu là hàng thật và đâu là hàng giả.
Hiện nay, rất nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán công khai hàng hóa được gắn mác thương hiệu nổi tiếng nhưng giá lại “bình dân”. Họ quảng cáo luôn là hàng F1, F2… hoặc hàng do người bán tự “đặt” xưởng sản xuất, nhưng mác thì vẫn gắn “hàng hiệu”. Ngay cả thuốc, thực phẩm chức năng cũng bị làm giả rất nhiều. Đây là tình trạng phổ biến trong thời gian qua.
PV: Vậy, vì sao mà hàng giả lại có “đất sống”?
Luật sư Bùi Đình Ứng: Đó là bởi vì, các đối tượng đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng. Ví dụ, đối với nhiều chị em phụ nữ, họ muốn có túi xách sang trọng và sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để mua. Thế nhưng, chưa chắc đó là hàng “xịn”. Tâm lý bỏ ra khoản tiền lớn nên nghĩ rằng đó là hàng “chính hãng” nhưng thật ra lại là hàng giả.
Tôi từng chứng kiến, có trường hợp, một chiếc bếp điện người ta đặt mua và vận chuyển qua đường tiểu ngạch về Việt Nam chỉ có giá chưa đến 300 nghìn đồng. Thế nhưng, họ bán ra từ 3 - 5 triệu đồng, tức là cao gấp hơn chục lần so với giá mua. Theo lý giải của họ, phải bán đắt thì mới “đúng” là đồ thương hiệu và có người mua, còn nếu bán rẻ thì sẽ bị khách coi là đồ giả.
Hoặc một thỏi son mua với giá 30 nghìn đồng, nhưng dứt khoát phải bán 350 – 500 nghìn đồng thì người ta mới tin là hàng “xịn”. Đó là các đối tượng đã đánh trúng tâm lý của người mua.
PV: Đã có rất nhiều vụ buôn bán hàng giả bị lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ và xử lý. Thế nhưng, tình trạng này vẫn tái diễn, theo ông, lý do là gì?
Luật sư Bùi Đình Ứng: Hàng giả vẫn tồn tại được là vì tâm lý của người tiêu dùng là thích đồ “xịn”. Bên cạnh đó, vì khoản lợi nhuận mang lại quá cao nên các đối tượng vẫn tìm mọi cách để sản xuất, mua bán hàng giả, mặc dù họ biết như vậy là vi phạm pháp luật.
Điều đáng nói nữa là, lực lượng chức năng làm chưa tốt việc kiểm soát vấn đề lưu thông hàng giả và buôn bán hàng giả. Tôi nghĩ rằng, cả khối lượng hàng giả lớn như vậy thì không thể qua mắt được chính quyền địa phương, nhưng vì nhiều lý do mà hàng giả vẫn “lọt”.
Tôi nói đơn cử, bắt đầu từ khâu sản xuất, khi muốn sản xuất được hàng hóa thì phải mang nguyên liệu về. Vậy, các lực lượng tuần tra, kiểm soát, quản lý địa bàn có biết không?
Hoặc ở khâu tiêu thụ, hàng giả vẫn bày biện, treo lủng lẳng ra trước cửa hàng mà tại sao không thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra? Đơn giản như quần áo, giày dép, túi xách, nếu gắn mác LV, Gucci, Hermès có giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, tại sao người ta treo khắp chợ? Đồ hiệu chỉ có thể ở trong các cửa hàng được cấp quyền.
Nói như vậy để thấy rằng, lực lượng chức năng vì lý do chủ quan, khách quan khác nhau đã để “lọt lưới” hàng giả, xử lý vẫn chưa triệt để, chưa kiên quyết.
PV: Sản phẩm hàng hiệu bị làm giả, tức là quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng bị “móc túi” khi mua phải hàng giả nhưng “giá hàng thật”. Thậm chí, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo ông, cần có biện pháp gì để bảo vệ các thương hiệu nổi tiếng cũng như quyền lợi của người tiêu dùng?
Luật sư Bùi Đình Ứng: Trước hết, không phải là bảo vệ cho các thương hiệu mà là bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng bị thiệt hại đầu tiên, mất tiền nhưng lại không được hưởng đúng với số tiền đã bỏ ra. Đó là chưa kể, nếu là thuốc chữa bệnh, khi khách hàng cần mua một loại thuốc đặc trị và đinh ninh là mình đã mua đúng thuốc, trong khi đó giả sử lại mua phải hàng giả thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng.
Do đó, trước hết các lực lượng chức năng phải làm sao để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người tiêu dùng. Họ là những người dân, đâu phải ai cũng có thể hiểu biết để so sánh hàng thật với hàng giả.
Điều thứ hai, tình trạng sản xuất, mua bán hàng giả sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các hãng lớn. Vậy nên, để tránh tình trạng hàng giả tràn lan trên thị trường thì các hãng hàng lớn cũng phải nỗ lực cùng các cơ quan chức năng bảo vệ thương hiệu cho mình. Chứ không phải chỉ có cơ quan chức năng, chính quyền địa phương truy tìm hàng giả, hàng nhái; mà chính các hãng có thương hiệu cũng phải truy ra, phải có lực lượng để phát hiện hàng giả, rồi phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý những trường hợp sản xuất, mua bán hàng giả.
Các hãng lớn phải đồng lòng và có những chính sách triệt để, hỗ trợ cùng chính quyền làm tốt công tác chống hàng giả, nhằm bảo vệ cho chính thương hiệu của mình.
Tôi muốn nhấn mạnh một điều nữa là không có gì qua được tai mắt của nhân dân. Cơ quan chức năng nên dựa vào quần chúng nhân dân, nhận tin tố giác qua các đường dây nóng về hàng giả.
Khi người dân đã phản ánh qua đường dây nóng thì phải tiếp nhận và xử lý ngay. Tránh trường hợp một số đường dây nóng chỉ là hình thức, khi người dân gọi điện đến đều không được.
Trường hợp nếu như người dân tố giác qua đường dây nóng và lực lượng chức năng vào cuộc xử lý các đối tượng buôn bán hàng giả thì cần có những chính sách bảo vệ người tố giác, để tránh cho họ bị trả thù. Đồng thời, cũng phải có chính sách thưởng cho những người dân có thông tin chính xác để khích lệ họ, thể hiện ý thức cầu thị của chính quyền và cơ quan chức năng.
Cuối cùng, cần phải xem xét lại vai trò của hội Bảo vệ người tiêu dùng. Đến nay, hội này vẫn chỉ làm việc hình thức và chưa có hiệu quả.
PV: Nếu trường hợp, cơ quan cấp trên phát hiện kho hàng “khủng” giả các thương hiệu nổi tiếng mà kho hàng này đã hoạt động lâu trên địa bàn nào đó thì chính quyền địa phương có phải chịu trách nhiệm hay không, thưa ông?
Luật sư Bùi Đình Ứng: Đây là trách nhiệm của cán bộ, chính quyền cấp cơ sở. Vô lý khi cấp trên biết mà địa phương không biết! Không thể có chuyện như vậy. Cần làm rõ trách nhiệm của từng trường hợp liên quan, trách nhiệm tới đâu thì xử lý tới đó.
Chẳng hạn như vụ việc tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng của bộ Công an đột kích tổng kho hàng giả, hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), khiến dư luận rất băn khoăn đặt dấu hỏi là tại sao trung ương biết mà địa phương lại không biết?
PV: Xin cảm ơn luật sư về những trao đổi trên!