Phim “Hoa hồng trên ngực trái” được phát sóng vào khung giờ vàng trên kênh VTV3 vào thứ tư, thứ năm hàng tuần, đang thu hút sự chú ý của khán giả quan tâm đến đề tài về tình cảm gia đình.
Tuy nhiên, trong phân đoạn mới nhất của bộ phim lại gây tranh cãi, đó là Thái (Ngọc Quỳnh) chọn cách hiến tim cho con gái để cô bé duy trì sự sống. Việc quyết định hiến tim của Thái tưởng chừng hợp lý vì cái chết là điều khó tránh khỏi với căn bệnh ung thư của Thái, tôn vinh tình phụ tử.
Thế nhưng, không ít khán giả và những chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng lại cho rằng tình tiết này là vô lý, không đúng chuyên môn.
Để hiểu rõ hơn việc một người bình thường, hay người bị ung thư hiến tim khi nào? PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ từ bà Nguyễn Phượng Hoàng, phụ trách truyền thông Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia.
Bà Phượng Hoàng cho biết: “Một người hiến được tim chỉ khi họ rơi vào tình trạng chết não. Chết não thường là do các va đập dẫn tới chấn thương sọ não hoặc mắc các bệnh lý về não. Khi một người rơi vào chết não là chắc chắn chết, bệnh nhân không còn bất cứ phản xạ nào, việc duy trì cơ thể bằng các loại máy móc và không quá 3 ngày thì các chỉ số của bệnh nhân sẽ ngừng hoàn toàn.
Để kết luận một người chết não, phải có một hội đồng đánh giá chết não bao gồm các chuyên khoa liên quan. Sau khi đánh giá lần đầu, hội đồng phải đánh giá thêm 2 lần nữa, mỗi lần cách nhau 6 giờ, các chỉ số không tiến triển mới kết luận người đó đã chết não hoàn toàn.
Không phải ai chết cũng trải qua việc chết não. Không phải bệnh nhân chết não nào cũng hiến được nội tạng. Bệnh nhân chết não hiến được tạng là phần tạng của họ phải còn tốt, đủ điều kiện để ghép cho các bệnh nhân khác”.
Trả lời câu hỏi mà nhiều người thắc mắc rằng một bệnh nhân ung thư có hiến tạng được không?, bà Phượng Hoàng cho hay: “Một người chết não bị ung thư muốn hiến tạng thì tại một số nơi trên thế giới, có thể tạng của một bệnh nhân ung thư hiến tặng sẽ được ghép cho một bệnh nhân ung thư chờ tạng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện không tiếp nhận tạng của bệnh nhân ung thư.
Bệnh nhân ung thư sau khi chết có thể hiến tặng được giác mạc, vì giác mạc của người không bị ảnh hưởng gì khi người đó bị ung thư”.
Bà Phượng Hoàng cũng chia sẻ thêm, một người đang sống, sống thực vật, mắc các bệnh hiểm nghèo không thể hiến hết nội tạng hoặc tim để chết.
“Cần lưu ý, không phải cứ có tim là ghép cho ai cũng được, mà tim phải phù hợp các chỉ số nhóm máu, HLA, chiều cao, cân nặng, lứa tuổi...”, bà Phượng Hoàng cho biết thêm.