Thông tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời lúc 8 giờ 45 sáng 8/12, tại Bệnh viện Việt - Xô (Hà Nội) sau thời gian lâm bệnh nặng khiến nhiều người thương tiếc. Đồng nghiệp, ca sĩ đều chia sẻ những kỷ niệm đẹp về người nghệ sĩ tài hoa này.
Nhạc sĩ Phú Quang có 3 người vợ: Nghệ sĩ Kim Chung, NSƯT Hồng Nhung và Anh Thư. 3 cuộc hôn nhân, nhạc sĩ Phú Quang có 3 người con: Giảng viên piano Trinh Hương, Giáng Hương, và con trai Phú Vương — tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa ở Singapore. Con rể là nghệ sĩ volin nổi tiếng Bùi Công Duy.
Những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Phú Quang sống êm ấm bên người vợ tên Trịnh Anh Thư - người kém ông 23 tuổi làm ở ngân hàng. Ông từng chia sẻ về người vợ hiện tại: "Mỗi khi tôi đổ bệnh, cô ấy gần như không ngủ. Chỉ cần nghe thấy tôi trở mình, cô ấy tỉnh để xem chồng cần gì".
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Anh Thư cho hay: "Tôi buồn và thương anh ấy, chứng kiến chồng từ lúc vào bệnh viện điều trị đến lúc ra đi mà không kìm được cảm xúc. Anh ấy mất đi làm mất mát của gia đình, của âm nhạc. Tôi và con gái biết ơn anh ấy, anh đã cho mẹ con tôi một mái ấm thực sự, một tình yêu thương vô bờ bến. Với con gái tôi, anh ấy coi như con.
Nhiều người đàn ông không muốn vợ đi cùng trong các sự kiện, nhưng anh Quang thì lại khác, anh luôn muốn rủ vợ đi cùng. Chúng tôi đã có 17 năm gắn bó, đã cùng nhau trải qua biết bao những hạnh phúc, thăng trầm nên luôn trân trọng nhau.
Lúc anh Quang đến với tôi, tôi có rất nhiều hoài nghi về hôn nhân này. Bởi tôi là người ngoại đạo. Tôi nghe nói, nghệ sĩ không đứng đắn, rồi nhiều cái không bền vững… Nhưng khi gần anh Quang tôi mới hiểu, những ý nghĩ trước đây của tôi hoàn toàn sai lầm. Bởi anh là người rất chỉn chu, đề cao giá trị đạo đức, đề cao gia đình, yêu thương vợ con. Con gái tôi rấy yêu anh ấy. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh anh đến trường chở con gái mình đi học về. Nhiều năm anh ấy đưa đón cháu như vậy nên tôi rất cảm động...".
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, là con út trong gia đình nhiều đời sống ở Hà Nội. Ông có một tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội, từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972, vì thế với ông "mối tình đầu và mối tình đẹp nhất cũng đều ở Hà Nội". Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội.
Phú Quang từng chia sẻ ông yêu Hà Nội vì Hà Nội là quê hương. Ông là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên như bao người có quê khác, ông thiên vị với Hà Nội.
Trong một lần, PV Người Đưa Tin hỏi ông: Vì sao những ca khúc của Phú Quang lại hay vậy, mỗi bài hát vang lên như một bài văn với những câu từ khúc chiết, chau chuốt, cô động? Ông trả lời: "Ngoài những bài hát tôi phổ từ thơ thì có rất nhiều bài hát tôi sáng tác. Việc sử dụng câu từ trong bài hát cũng làm tôi... đau đầu, sử dụng làm sao cho bài hát ngắn nhưng lại nói được nhiều cảm xúc. Tôi có vốn từ phong phú, điều này là tự học và trong nhiều bài hát, cảm xúc dâng lên thì sẽ có những câu từ được "bung" ra. Mỗi bài hát của tôi phải đẹp như một bài thơ, câu từ đẹp khiến tôi muốn sáng tác và cống hiến hơn".
Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như: Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance(thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)...
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài ca khúc, Phú Quang còn viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet. Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hòa tấu. Nhiều trích đoạn hòa tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt phần âm nhạc của ông đã góp phần vào thành công của nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam: Bao giờ cho đến tháng Mười (Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (Đạo diễn Lê Hoàng), Vị đắng tình yêu (tập 1, Đạo diễn Lê Xuân Hoàng), Hải Nguyệt (Đạo diễn Trần Mỹ Hà).