Sáng nay (28/6), thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên cả nước sẽ làm bài môn Ngữ văn theo hình thức thi tự luận, trong thời gian 120 phút. Đây cũng là môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi.
Sau đây là Đề thi Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2023:
Đề thi Ngữ văn THPT năm 2023 không bất ngờ, thí sinh đạt trung bình 6-7 điểm
Trao đổi với Vietnamnet, Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM, nhận định đề thi không quá bất ngờ, cấu trúc phù hợp (ngữ liệu đọc hiểu là thơ, ngữ liệu nghị luận văn học là truyện). Sự phân hoá được đảm bảo để phù hợp với mục tiêu tuyển sinh Đại học.
Phần ĐỌC HIỂU: Ngữ liệu (đoạn trích thi phần của nhà thơ Anh Ngọc) được lựa chọn khá tinh tế, những câu hỏi thành phần đúng các mức tư duy. Chỉ xin được góp ý thêm với câu hỏi 2: tiền giả định của người ra đề có lẽ là mọi thí sinh đều biết hiện tượng GIÔNG là gì. Dẫu vậy, theo quan điểm cá nhân, đây vẫn là câu hỏi gây ít nhiều khó khăn cho học sinh vì liên quan đến kiến thức môn khác. Nên cân nhắc những câu hỏi dạng này.
Phần Nghị luận xã hội: Vấn đề nghị luận khá hay, có ý nghĩa thực tế, phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi của học sinh. Dẫu vậy, để có thể hiểu được cân bằng cảm xúc là cả một quá trình đi từ nhận thức đến xử lí và điều chỉnh cảm xúc chính xác, hiệu quả là điều không đơn giản; từ đó để chỉ ra sự cần thiết của nó lại là một thử thách khác.
Vấn đề nghị luận như một lời khuyên mà thông điệp sâu sắc của nó học sinh phải tự xác định, làm rõ. Điều đáng tiếc là sự gắn kết giữa câu NLXH và câu Đọc hiểu thực ra không rõ lắm nên sẽ gây khó khăn ít nhiều cho học sinh.
Phần NGHỊ LUẬN VĂN HỌC: Chắc nhiều thí sinh sẽ rất mừng khi gặp tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân) vì truyện nhắn này nằm trong nhóm văn bản có nhiều khả năng xuất hiện trong đề thi. Tuy nhiên, tính phân hóa của đề thi nằm trọn vẹn ở phần này. Đoạn trích nằm ở phần kết của tác phẩm, trọng tâm rơi vào câu chuyện người vợ nhặt kể và phản ứng của Tràng sau câu chuyện đó. Nếu muốn phân tích sâu, kĩ nhằm mục đích gia tăng dung lượng bài văn, các em phải có khả năng liên hệ với các nội dung khác trong truyện thuộc các phần không được trích dẫn, thậm chí phải đối chiếu so sánh với đoạn trích truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) đã học, đặc biệt là tình tiết Mị cắt dây trói cho A Phủ và trốn theo anh. Hơn thế, chưa biết các em có đủ bình tĩnh để nhìn ra phần nhận xét ngắn chỉ là một cách diễn đạt khác của giá trị nội dung tác phẩm hay không. Đây là một vấn đề không đơn giản để đáp ứng yêu cầu.
Do vậy, tôi đánh giá rất cao câu Nghị luận văn học của đề thi năm nay. Thực sự rằng dẫu ít nhiều rơi vào vùng dự đoán song cách chọn ngữ liệu và đặt vấn đề vẫn rất mới mẻ, độc đáo và rất ấn tượng.
Em Đinh Nguyễn Duy Minh (học sinh Trường THPT Hoàng Mai) cho rằng đề thi môn Văn năm nay có phần khó hơn so với năm ngoái. Minh làm được khoảng 70% nhưng chỉ dám dự kiến 6 điểm. Minh cho hay, các bạn trong phòng thi của mình sau khi hết giờ làm bài cũng bảo thấy khó hơn so với đề năm ngoái.
Chia sẻ về đề thi Ngữ văn năm nay, thí sinh H.M.V.M, Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội cho rằng: "Nói "lệch tủ" với đề thi này cũng đúng vì sĩ tử hầu hết ôn kỹ hai tác phẩm về sông là "Người lái đò sông Đà" và "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Còn tác phẩm "vợ" là "Vợ nhặt" và "Vợ chồng A Phủ" không được ưu tiên lắm. Tuy vậy đề này khá "dễ thở" với em. Cô giáo lại ôn kỹ đoạn trích này. Với phần đọc hiểu, đề năm nay khác biệt khi ra thơ chứ không phải văn bản văn xuôi. Em có hơi choáng váng một chút khi đọc đề, nhưng bình tĩnh lại thì em làm được. Hầu hết các bạn trong phòng thi của em đều xin tờ giấy thứ 3".
Thí sinh P.T.H, Trường THPT Lương Văn Can thú nhận chưa từng được học về trích đoạn này trong tác phẩm "Vợ nhặt".
"Dù đoạn này có trong sách giáo khoa nhưng cả cô giáo ở trường lẫn trung tâm học thêm đều không dạy trích đoạn này. Em cũng tập trung vào học tác phẩm "Người lái đò sông Đà" vì khó. Tuy vậy, may mắn là đề văn đưa ra yêu cầu không quá khó nên em làm được bài", P.T.H chia sẻ.
Người Đưa Tin ghi nhận tại điểm thi Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy em Hoài Anh – học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam cho biết: “Là tác phẩm ít khi thi kèm theo đây là đoạn văn em không chú trọng học nên chỉ hy vọng sẽ được điểm trên trung bình”.
Đánh giá mình sẽ được 7-8 điểm, em Khánh Linh cho biết: “Trước ngày thi phần lớn em chỉ học các tác phẩm văn xuôi, đây cũng là tác phẩm em khá yêu thích nên em tự tin với bài làm của mình”.
Theo quy chế, trong phòng thi, thí sinh được hướng dẫn ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh trên bàn. Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.
Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ trong phòng thi để được xử lý. Quy chế cũng quy định, thí sinh không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Trong bài thi, thí sinh chỉ được viết bằng một màu mực, không được dùng mực màu đỏ.
Thông tin thêm trên Tuổi Trẻ, bài thi văn kéo dài trong 120 phút. Thời gian phát đề thi cho thí sinh là 7h30. Thời gian bắt đầu tính giờ làm bài là 7h35.
Trước buổi thi văn, các trang mạng xã hội tung ra dự đoán đề thi. Một số kênh YouTube, TikTok… cũng làm clip đoán các tác phẩm sẽ xuất hiện trong đề thi văn với nhiều ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tin vào các dự đoán đề thi mà "học tủ" sẽ chỉ mất thời gian vô ích.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định nội dung bài thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT bám sát chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.
Năm 2023, toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT
Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 94,51%; số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp chiếm 5,49%; thí sinh tự do: 48.309 (chiếm 4,71%).
Số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 73.232 (chiếm 7,14%); số thí sinh chỉ dự thi để xét tuyển sinh là 34.203 (chiếm 3,34%). Số thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh là 917.731 (chiếm 89,52%).
Theo kế hoạch, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được công bố vào 8h ngày 18/7. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ hoàn thành chậm nhất ngày 20/7. Muộn nhất ngày 22/7, các Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả tốt nghiệp THPT.
Việc in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh hoàn thành muộn nhất ngày 24/7.
Trước đó, năm 2022, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của cả nước cho thấy: Có 981,407 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6.51 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 194 (chiếm tỉ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 113,888 (chiếm tỉ lệ 11.6%).
Năm 2021 có 978,027 thí sinh đợt 1 dự thi môn Văn và có trung bình bài thi là 6.47 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Trong số chỉ có 3 bài thi đạt điểm 10 môn Ngữ văn.
Năm 2020, điểm trung bình bài thi Ngữ văn là 6,62 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 7 điểm. Có 119 thí sinh đạt từ 1 điểm trở xuống, chiếm tỉ lệ 0,01%. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75.779 (chiếm tỉ lệ 9%). Có 2 thí sinh đạt điểm 10 trong bài thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Năm 2019 môn Ngữ văn có điểm trung bình là 5,49. Có 27,84% bài thi có điểm dưới 5. Môn Ngữ văn không có điểm 10 nào và có 1.265 bài thi bị điểm liệt (<=1). Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 6 điểm.
Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 như sau:
Các tác phẩm xuất hiện trong đề thi văn những năm gần đây:
Năm 2022: Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
Năm 2021: Bài thơ Sóng.
Năm 2020: Bài thơ Đất nước (đợt 1), bài thơ Việt Bắc (đợt 2).
Năm 2019: Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông.
Năm 2018: Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ.
Đề thi Ngữ văn có bố cục tương đương như đề thi tham khảo môn Ngữ văn - Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm học 2023, về cơ bản vẫn giữ đúng cấu trúc và kiểu dạng câu hỏi như đề tham khảo năm 2022 và đề thi chính thức môn Ngữ văn - Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm học 2021 - 2022.
Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT Quốc gia từ năm 2017 tới nay: Phần Đọc hiểu (3,0 điểm), phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò.
Trúc Chi (t/h)