Hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng được huy động từ dân phút chốc rơi vào tay những tên tội phạm giấu mặt. Nhiều gia đình đã không còn nhà để ở, vợ chồng, con cái rơi vào cảnh khốn cùng.
Dân xã hội đen được chi tiền truy tìm kẻ ôm hụi bỏ trốn nhưng chẳng khác “bóng chim tăm cá”. Kẻ trốn lại chỉ để lại một ngôi nhà hoành tráng nhưng đồ đạc đã được hóa giá từ trước, cái thân nhà đã được cầm cố trước ở ngân hàng.
Đây là hiện tượng nói cách khác là cơn bão vỡ nợ tiền tỷ đang hoành hành tại quê tôi Nam Định. Khắp nơi, từ thành phố đến nông thôn, từ huyện tới xã là những khuôn mặt thất thần, đau khổ đến tột cùng.
Mới có mấy tháng trước gia đình nào cũng đều đặn nhận số tiền lãi đến vài chục triệu đồng từ chủ hụi, ấy vậy mà chỉ vài ngày sau thông tin chủ nợ đã bỏ trốn khiến họ thất điên bát đảo.
Xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định mấy ngày này càng xôn xao hơn khi một cán bộ tư pháp xã ôm hàng chục tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Khổ một nổi vị quan xã này từ xưa đến giờ vốn rất “uy tín” lại nổi tiếng là làm ăn xòng phẳng nên ai dám không tin. Thế nên mới có chuyện, những bạn làm ăn sẵn sàng cho anh ta vay hàng tỷ mà đôi lúc không cần bất cứ một thứ giấy tờ gì cả.
Rồi đến chuyện kể cả bạn gái xưa cũng “tình xưa nghĩa cũ” cho anh cán bộ vay tiền không hề so đo tính toán. Kể ra ông cán bộ này cũng tài tình thật, có mấy năm đi học trên thành phố theo sự sắp xếp cơ quan mà phát quá. Ông này phát đến nỗi mà xe hơi chạy ầm ầm, tiền chi tiêu thoải mái. Hẳn là người thừa điều kiện.
Sáng sớm bà Minh ra sau nhà dọn những quả bòng của nhãn sau cơn bão bỗng la hét thất thanh bởi bà vừa nghe tin “thần tượng trong lòng dân” của bà đã biến mất. Ôi thôi, mấy chục triệu tích cóp để sửa cái nhà phút chốc tiêu tan.
Bà Minh ngồi bục xuống đất nức nở, phải rồi bà phải đi, bà cần đi loan báo cho mọi người cái tin động trời này. Nhưng trong mấy chục triệu đó có phàn nửa là tiền bà vay mượn, bây giờ bà Minh biết nói sao, biết phân trần thế nào?.
Cả xã nghe tin cán bộ ôm tiền chạy trốn mới nhảy dựng, mới cuống cuồng. Cứ sáng sáng là ông chủ tịch xã lại phải vò đầu bứt trán để nhận thư trình bày, đơn tố cáo. Dân tố đúng quá đi chứ còn gì nữa, cấp dưới ôm tiền bỏ trốn, cấp trên chẳng lẽ vô trách nhiệm?.
Khổ một nỗi, dân chỉ cần đòi lại tiền chứ đâu cần bắt bớ ông chủ nợ làm gì, vì theo lý giải của họ nếu có bắt được vị cán bộ này và đưa ra pháp luật truy tố thì cán bộ đi tù, tiền đâu mà đền cho dân, có phải mấy triệu đâu mà dễ trả. Thôi thì cứ cố gắng đòi được bằng nào hay đằng ấy.
Khổ cho dân nghèo quê tôi, chỉ vì tham một chút tiền lãi xuất huy động, thương một chút bởi miệng lưỡi lọc lừa, tin một chút vì tình làng nghĩa xóm mà phút chốc trở thành gánh nợ. Nợ ngân hàng, nợ bạn bè, nợ con cái,... nói chung là cục nợ.
Đau đớn hơn có gia đình nghèo, nghèo đến nhất nhì xã, con cái thì bị tâm thần, ấy thế mà hơn chục triệu cũng được cán bộ vay hộ từ tiền hỗ trộ người nghèo, tiền nước sạch.
Ngẫm ra dân tôi bảo ông cán bộ nhẫn tâm quá!, ông lấy, ông vay của người có tiền có của, họ có mất tiền họ còn có cách kiếm ra còn dân nghèo tích cóp cả một đời người có chút tiền ông cũng lừa mất. Ông chẳng khác gì Tào Tháo, ông tài thật.
Xã Nghĩa Trung là thế, nhưng tại xã Nam Điền huyện Nghĩa Hưng cũng chẳng khá khẩm hơn. Vẫn chung một kịch bản, vẫn huy động tiền cho lãi suất cao, 5 ngàn đồng/1 triệu thì ai chẳng sướng, vác vài trăm triệu từ vay mượn lại cho vay, tháng tháng lại kiếm ối tiền, chẳng mấy chốc mà giầu.
Nghe đâu 2 chủ nợ tại xã Nam Điền ôm mấy chục tỷ, mấy chục hộ dân đang khẩn khoản đơn thư túi bụi để mong chờ cơ quan pháp luật vào cuộc xem họ cõ gỡ gạc được chút đỉnh nào không?. Vừa mất tiền vừa tức, vừa thương vừa giận, có gia đình khi biết chủ nợ trốn, gia đình lục đục, con cái không có tiền đi học rồi lại vướng vào đi vay đi mượn, nói không quá chứ thành nhà chị Dậu đến nơi chẳng biết chừng.
Sướng nhất có lẽ mấy anh xã hội choai choai ở quê được phen ra oai, chẳng biết các cu cậu tậu đâu được mấy cái hình hổ, báo, cáo, chồn trên người mà nhìn toàn thấy mực.
Các cụ ở quê chẳng biết nhìn thấy lại chửi: “Cái thằng mất dậy kia sao lại bôi đầy mực lên người thế, mới từ Sài Gòn về chưa kịp tắm hả con”?. Các thanh niên xăm trổ phá lên cười: “Đúng là đồ nhà quê”, hình xăm là đẳng cấp thời thượng đấy.
Nghe ra mới rõ, cái liên kết ngầm giữa chủ cầm đồ, chủ nợ, xã hội đen nghe nó cũng gần gần, nó dây mơ dễ má. Chẳng rõ ngày được trả bao nhiêu tiền, nhưng các cu câu này, tối nào cũng nẹt pô xe ầm ĩ, rồi đánh tiếng đòi nợ người này, xin ít tiết người kia. Dân quê tôi nghe cũng phát hoảng, có tiền chắc chẳng dám không trả bọn cô hồn này.
Lại có chuyện một vị giám đốc tại kho bạc mãi bên huyện Giao Thủy cũng dính vào vỡ nợ để rồi phải xin nghỉ hưu non để lo nợ, chẳng biết ông ta sẽ trả đến khi nào khi số nợ đến vài chục tỷ?.
Quê tôi Nam Định anh hùng nhưng giờ đây dân đang điêu đứng trước cơn bão vỡ nợ, dân đang khổ, cơ quan chức năng cũng đang tích cực vào cuộc để điều tra làm rõ. Nhưng thấy rằng, dân ta dễ tin, dễ mủi lòng lắm. Nhiều người biết bị lừa, nhưng phần sĩ diện chẳng dám nói ra vì ngại với bạn bè, với gia đình.
Cái cao thủ của kẻ vay nợ đó là họ nói chỉ vay mình mình, xin đừng tiết lộ người vay với người khác bởi họ cho rằng họ cần giữ uy tín. Dân tôi chẳng biết cơ hồ ra sao chỉ gật đầu tin tưởng, đến khi sự thật phơi bày cũng chỉ biết than trời đau đớn...
Phạm Dương