Tình người nơi “biển mây” Tà Xùa
Qua câu chuyện kể của Nguyễn Thu Hà – cô bé 20 tuổi ưa thích những mạo hiểm, sự khám phá, trải nghiệm cùng những cung đường Tây Bắc, tôi tìm đến với Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La).
Hành trang trước khi tôi lên đường là câu chuyện mà Hà kể về Tà Xùa với “biển mây” bồng bềnh như chốn “bồng lai tiên cảnh”, là những cung đường với rất nhiều khúc cua, ổ voi, những dốc lên xuống bám lấy núi cao, những bờ vực thẳm.
Chúng tôi đặt chân đến trung tâm bản Tà Xùa lúc chiều tà. Cái bản nhỏ, đơn sơ với hơn 20 nóc nhà hiện ra giữa con đường đèo ngoằn nghèo nấp bên sườn núi. Ở đó có rất ít dân bản sinh sống. Bởi lẽ, họ “nhường” lại vị trí thuận lợi này cho các dịch vụ kinh doanh cũng như dân “phượt” dừng chân.
Phan Văn Tài – chủ nhà nghỉ homestay Tà Xùa Mây, kể với chúng tôi rằng, chỉ gần 2 năm nay, khi Tà Xùa được dân “phượt” phát hiện và chọn làm điểm đến ngày càng nhiều, những người dân bản địa như anh mới bắt đầu “mở rộng địa giới” để chuyển đổi dịch vụ kinh doanh.
Chứng kiến không biết bao nhiêu đoàn đến rồi đi khỏi Tà Xùa, anh Tài đối diện với không ít tâm trạng của dân “phượt” khi người chạm đến được “thiên đường mây”, người ra về đầy nuối tiếc, người phải đi vài ba lần mới biết tới “biển mây” Tà Xùa. Còn với những người dân như anh, dường như vẻ đẹp của núi rừng, của mây trời đã trở thành cái gì đó rất đỗi bình thường khi mỗi sáng mở mắt ra, anh đều chạm tới điều kì diệu ấy của thiên nhiên.
Chia tay Homestay, chúng tôi quyết định dừng chân tại nhà anh Thào A Sáy. Dân bản ở đây bảo, anh lúc nào cũng nhiệt tình và tốt tính lắm.
Đối diện với người đàn ông đã ngoài 40 tuổi người dân tộc H’Mông ấy, chúng tôi cảm nhận được sự khắc khổ hiện rõ trên khuôn mặt phúc hậu, hiền lành của anh.
Anh kể mình đang làm giáo viên trường bản, vợ mất sớm nên anh sống cảnh “gà trống nuôi con”. Anh khoe con trai Thào A Tùng năm nay làm giáo viên ở trường nghệ thuật của tỉnh.
“Tôi ấn tượng với khả năng hoạt ngôn và khuôn mặt đen sạm nhưng nụ cười sáng bừng của anh khi trò chuyện. Ở đây chúng tôi cảm thấy gần gũi, yên bình và lòng nhẹ nhõm đến lạ kỳ”, cô bạn hậu cần của nhóm Hồng Nhung (Hà Nội) nhớ lại.
Ngồi kế mâm cơm chúng tôi, nhóm người dân bản cả đàn ông, đàn bà đang uống rượu rôm rả, tưng bừng. Hai người phụ nữ cầm chai rót rượu, mời những người trong mâm rồi uống. Trong hơi men thơm nồng, cay cay, họ cười nói vui vẻ bằng thứ tiếng H’Mông xì xồ mà chúng tôi không hiểu được.
Hỏi chuyện mới biết, đây là bữa tiệc “khao xe” của anh Sáy khi vừa “sắm” chiếc RSX mới cứng. Lúc chiều, cả đám thanh niên đứng bàn luận xôm xả quanh chiếc xe chưa đăng ký biển số rồi đi thử 2 vòng để cảm nhận.
“Nhìn những gương mặt chất phác thật thà, hiền lành trò chuyện vui vẻ quanh mâm rượu, trong lòng tôi lấp lánh niềm vui nhỏ nhỏ. Tôi chợt nghĩ, cuộc sống của đồng bào H’Mông đã khấm khá hơn nhiều rồi! Cái xe mới và bữa tiệc ấm tình người ở Tà Xùa khiến tôi thấy an yên kỳ lạ”, phượt thủ Quang Huy phấn khởi kể.
Ngồi quanh đống lửa, nhâm nhi cốc cà phê, ca cao nóng ở quán cà phê Gió- Tà Xùa, chủ quán kể cho chúng tôi đủ thứ chuyện về cuộc sống người H’Mông ở bản Tà Xùa. Từ việc có người đưa xe ô tô lên đây thu mua củ dong của bà con dân bản dùng làm miến với giá 3.000 đồng/kg, đến hoàn cảnh của chủ quán tên Sáy của chúng tôi hễ say rượu là “chửi”, thậm chí có lần đuổi khách ra ngoài đường vì làm “phật lòng”, rồi câu chuyện của những đoàn “phượt” hàng chục người phi xe phân khối lớn lên đây bật nhạc cả đêm…
Lặng ngồi bên nhau dưới ánh lửa bùng bập bùng trong đêm, chúng tôi lắng lòng lại để nghe và hiểu thêm về cuộc sống của những người dân bản Tà Xùa qua lời kể của chàng thanh niên trẻ tuổi ấy.
“Thiên đường mây” Tà Xùa
Ấn tượng nhất với chúng tôi là quãng đường từ bản Tà Xùa vào Háng Đồng để chạm tới “sống lưng khủng long” – nơi ngắm mây lý tưởng nhất. Chỉ vỏn vẹn 6km nhưng trải qua quá nhiều cung bậc cảm xúc: hồi hộp, lo sợ đến phấn khích. Con đường đất đá lởm chởm với nhiều đoạn khó, sạt lở, đường sụt một nửa do mưa bão,chịu đựng xe trọng tải nặng… đã tạo thành ổ gà, ổ voi khiến chúng tôi phải căng mắt, chắc tay lái ở những đoạn cua hẹp. Nhiều đoạn, xe chúng tôi ì ạch, về số 1, leo lên dốc quanh co hay về số 2 ghì chặt tay lái, đạp chân phanh để xuống dốc an toàn.
Mặt đường mờ dần sương sớm, mặt trời lấp ló giống như quả cầu lửa bồng bềnh trôi trên biển mây. Chúng tôi cứ thế chạy xe với ánh bình minh lấp loáng nửa bên mặt. Khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ vô cùng. Đỉnh Tà Xùa dần hiện lên buổi sáng sớm một cách sừng sững, nên thơ và tuyệt đẹp, đã làm nên hành trình “đuổi ánh bình minh, săn mây” vào lúc 5h sáng.
Vừa leo xuống, vừa cảm nhận từng đám mây trôi lững lờ, biển mây cuồn cuộn, dầy đặc trắng xốp dưới chân. Ở đó, nhiều nhóm phượt lựa chọn việc dựng lều ngay trên tuyến đường “sống lưng khủng long” để trải nghiệm cảm giác “sớm thức dậy ở một nơi xa” – nơi tràn trề mây, ánh bình minh, sương sớm và có cảm giác an yên, trong lành.
Đặt chân lên đỉnh “sống lưng khủng long”, chúng tôi có cảm giác thả người trên biển mây. “Thật thỏa mãn và vô cùng may mắn khi lần đầu tiên trong đời khi được đứng trên biển mây – nơi mà tôi chỉ thấy ở những bức ảnh trên mạng. Lưu giữ khoảnh khắc và vẻ đẹp lúc ấy bằng những bức ảnh nhưng khó có thể lột tả hết cảm xúc sung sướng, hoan hỉ của tôi lúc ấy. Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”, Lê Huân (27 tuổi, Hà Nội) không giấu nổi xúc động khi kể lại.
Dọc tuyến đường “sống lưng khủng long”, chúng tôi được phen “kinh hãi”, nể phục những tay lái ưa mạo hiểm với chiếc xe mô tô với tên gọi cào cào – dòng xe địa hình. Hai bên là vực, đường đi chỉ vừa bánh xe, không cho phép người cầm lái chống chân dừng lại hay đắn đo quyết định đoạn đường phía trước. Gần như, họ xác định mạo hiểm với cuộc sống vào đôi tay và trí óc khi qua đoạn đường đó, trước ánh mắt ngưỡng mộ, run run lo sợ của khách du lịch.
Và Tà Xùa giống như một miền đất của tình người, của sự lắng lại trong tâm hồn, để nhìn lại bản thân.
Nguyễn Huệ - Thiên Di