13 người chết trong vụ cháy quán karaoke ở đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy (Hà Nội) ngày hôm qua (1/11) khiến dư luận rúng động. Một vụ cháy đã cướp đi sinh mạng của biết bao người và đẩy hơn chục gia đình vào cảnh đôi ngả chia ly.
Hình ảnh những người vợ vô vọng khóc chồng, người mẹ ngơ ngác tìm con trong đêm khiến nhiều người ám ảnh. Những tiếng khóc thét như xé toang màm đêm u ám, để rồi họ nhận lại nỗi đau mất chồng/con, chia lìa người thân… chỉ vì “bà hỏa” nổi giận. Nỗi đau những người ở lại dường như đã bị “hóa tro” cùng người ra đi.
Chỉ vì lỗi sơ ý của người thợ hàn đã dẫn đến vụ cháy kinh hoàng khiến hàng chục người thiệt mạng. Thế mới hay, “bà hỏa” có thể nổi giận bất cứ lúc nào nếu chúng ta cứ sơ ý, vô tình?
Một vụ cháy trăm nghìn mối lo, bài học về cháy nổ khiến nhiều người trong ngành cũng phải giật mình, vì đâu nên nỗi? Cứu nạn trong đêm, ngay cả những cán bộ phòng cháy chữa cháy cũng phải thốt lên hai từ “ám ảnh”. Họ sợ phải nghĩ đến cái cảnh mọi thứ đều thành tro, xác người cháy trụi.
Ai có thể ngờ, phía sau những bức tường cách âm sang trọng kia, hàng chục con người vừa vui trong tiếng cười, nồng trong men rượu bỗng chốc đã trở thành thiên cổ. Chẳng ai có thể nói trước về cái tai họa nhanh… như lửa bén.
Sau vụ cháy kinh hoàng trên, chắc hẳn nhiều người phải tự nhủ: “Tôi sợ đi hát karaoke lắm rồi, hát ở nhà cho lành!”.
Nếu ai cũng nghĩ và làm được như vậy, có lẽ tất cả các nhà hàng, quán karaoke phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Chắc hẳn, nhiều bà vợ dù có “bóp mồm, bóp miệng” cũng cố đầu tư lấy một phòng karaoke gia đình để những đấng phu quân chẳng mải vui mà… quên đường về.
Nhận chức, lên lương, kinh doanh gặp thời…, cánh mày râu tìm vui với bạn bè, nâng cốc nơi nhà hàng và hát bài ca “happy” tại quán karaoke. Khi ấy, những người mẹ, người vợ lủi thủi ở nhà tự nâng cốc chúc mừng và hát bài ca “cô đơn, cô đơn nỗi đau”. Để rồi, thêm một lần đau khi nhận tin dữ…
Đã biết bao nhiêu vụ cháy kinh hoàng nơi quán bar, karaoke xảy ra nhưng dường như “sợi dây kinh nghiệm” cứ rút hoài không hết. Có những người chồng sáng ra sấp ngửa đi làm, chưa kịp tạm biệt vợ. Nhưng chỉ vì “có lý do” để chúc tụng, họ đến quán hát thâu đêm. Và rồi, qua đêm nay thôi, người vợ trở thành góa phụ khóc chồng. Nỗi đau ấy bao giờ nguôi…
Ấy vậy nhưng thói đời cũng thật lắm sự éo le. Có những người vợ hết mực chiều chồng, “thửa” hẳn phòng hát karaoke hiện đại với hệ thống cách âm đắt tiền, thậm chí muốn “tay vịn” đã có vợ kề bên nhưng đức lang quân vẫn thờ ơ, quay gót. Phải chăng họ thích hát bên ngoài cho tự do, phóng khoáng hay vì có những “món lạ” chia vui?
Ở nhà, hát phòng hiện đại mà chẳng có người rót bia, “tay vịn”, chẳng có “món lạ” Hồng, Hoa, Yến, Tuyết… thì xem ra cũng kém vui?
Vụ cháy quán karaoke vừa xảy ra, dư luận xót thương cho nhiều số phận bất hạnh nhưng không ít người cũng lên án cái thói ham vui, ưa nhậu nhẹt của những đức lang quân. Dường như, họ thích “chia vui” nơi bên ngoài hơn về tổ ấm.
Chẳng thế mà mới đây, một status do một người mẹ hai con chia sẻ trên trang cá nhân với quan điểm khá mạnh mẽ và thẳng thắn đã được share “điên đảo” bởi nó như nói hộ tấm lòng chị em khi có một ông chồng thích... quán bar, karaoke, “tay vịn”. Đi kèm status thẳng thắn này là những bức hình được chụp trong những quán nhậu, karaoke, bia ôm - nơi các ông chồng hám "của lạ" thường lui tới.
Status viết: “Vừa rồi, tôi nghe kể về một số ông chồng mỗi lần đi bạn bè nhậu nhẹt thường rủ nhau vào những quán ăn, quán karaoke, bia ôm choo nó “có không khí”. Rồi khi vợ lồng lộn lên thì bảo là: “chỉ rót bia thôi chứ chẳng có gì”, “chỉ là làm ăn thôi chứ chẳng muốn”, một số ông còn cãi chày cãi cối: “tôi vẫn làm tròn trách nhiệm với vợ, với con là được”, “tôi làm vậy cũng vì vợ”…
Với 101 lý do ấy, các bà vợ chỉ biết: “Dạ kính thưa các ông chồng!”. Nhưng rồi, khi tai họa ập đến có ai xót thương những người vợ, người con.
Có thể, đằng sau những quán karaoke kia luôn là những “ngọn lửa” chờ bùng cháy nhưng trong lòng người vợ chỉ mong chồng quay trở về và dịu dàng nói: “Vợ ơi, cho anh mượn “tay vịn”, mình cùng hát em nhé!”
Diệp Chi