Mấy ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh đánh ghen giữa phố Hà Nội. Trong clip, người vợ bắt gặp chồng và bồ nhí đang tay trong tay trên đường.
Nhìn thấy cảnh này, người vợ ôm con nhỏ, cùng bố mẹ đẻ lao vào đánh ghen. Đứa con nhỏ trên tay người vợ đã gào khóc vì hoảng sợ, không những thế, đứa bé bị giằng giật giữa từ bố rồi đến mẹ khiến nhiều người xót xa.
Ngay sau sự việc này, cơ quan công an đã mời các bên liên quan đến trụ sở làm việc. Dù hai bên đã tự xin hòa giải, nhưng hình ảnh đứa bé khóc thét trên tay người thân vẫn ám ảnh những người xem xong clip. Nhiều người còn cho rằng “cuộc chiến” ghen tuông của bố mẹ sẽ ảnh hưởng tâm lý trẻ sau này.
Bạn trẻ Huỳnh Nguyễn bình luận: “Thật tội nghiệp cho đứa bé, mới nhỏ tuổi đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ đánh nhau giữa đường. Không hiểu, người lớn nghĩ gì mà lại để con trẻ rơi vào hoàn cảnh này”.
Còn Phương Trang viết: “Đàn bà đánh ghen muôn đời là đàn bà dại, dại hơn khi đưa con mình đi cùng. Nếu hôn nhân không còn đủ sức, chẳng thể níu kéo thì hãy để nó tự rơi xuống vực sâu, sao lại bắt con mình chịu cùng. Nhìn ông chồng vừa bế con vừa bao che cho nhân tình mà không thể chấp nhận được”.
Chia sẻ với PV, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh (giảng viên học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Tôi còn nhớ, khi tôi giảng môn Tâm lý học gia đình đến bài "Ngoại tình" một em sinh viên đã đứng lên đặt câu hỏi: Thưa cô em đã nghiên cứu 15 trường hợp ngoại tình và kết quả cho thấy, 9 trường hợp là đánh ghen tơi bời, còn 6 trường hợp bà vợ đến nói chuyện với người tình một cách có văn hóa thì cả 6 trường hợp "nguyễn y vân" người thứ ba vẫn nhắn tin, hẹn hò với người kia. 9 vụ kia thì người thứ ba không bao giờ bén mảng đến nữa. Cô cho em hỏi đánh ghen có phải là biện pháp hiệu quả không cô?
Tôi đã trả lời: Cảm ơn em đã có những nghiên cứu và đưa ra câu hỏi hay, nhưng vì số liệu 15 trường hợp chưa đủ tính khái quát và không ai dám kết luận phương pháp đánh ghen như thế nào là hiệu quả. Đối với những người hiểu biết, họ sẽ nhẹ nhàng khuyên chồng, dùng “người thứ ba” là con, người thân để đưa chồng quay về với gia đình”.
Còn chuyên gia tâm lý Ánh Tuyết (Hà Nội) thì cho rằng, phụ nữ đi đánh ghen là một điều sai lầm, đưa con nhỏ đi đánh ghen cùng thì càng nghiêm trọng hơn. Những hình ảnh “không đẹp” của người lớn sẽ phần nào lưu lại trong ký ức của con nhỏ và chúng sẽ hình thành tâm lý lo lắng, sợ hãi. Hơn nữa, cũng có thể điều này sẽ dẫn đến việc “dạy” con nghĩ xấu, căm thù người bố.
“Tôi nghĩ, người cần làm việc nhất là ông chồng, vì có đánh ghen hay nói chuyện có văn hóa với “người thứ ba” đi chăng nữa mà người đàn ông đã dành hết tình cảm thì chẳng thể níu kéo. Nếu phát hiện lần đầu, chỉ là một thoáng "say nắng" có thể bỏ qua, lần thứ hai thì coi như người đàn ông đó chắc chắn không còn thuộc về mình nữa.
Buông tha cho nhau, nhẹ nhõm cả đôi bên. Chắc chắn sẽ rất đau khổ, nhưng còn hơn ôm mối nghi ngờ tra tấn tâm lý bản thân mình suốt đời. Ảnh hưởng đến tâm lý con nhỏ, bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực, đừng giơ nắm đấm để giải quyết mọi thứ. Đừng để những vết nhơ ấy sẽ theo con bạn suốt đời”, chuyên gia tâm lý Ánh Tuyết phân tích.
Mai Thu