Theo nội dung bức tâm thư, bà Tân cho biết đã suy nghĩ rất nhiều trước khi viết ra bức thư. Đó là quãng thời gian dài suốt 25 ngày kể từ khi vụ án xảy ra. Bà Tân cho hay đó là quãng thời gian khó khăn và đau khổ nhất trong cuộc đời mà bà từng trải qua.
Theo bà Tân, bà và các con đã quyết định tạm rời khỏi nơi sinh sống (căn nhà số 30 đường Lê Lợi, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng) một thời gian.
Cho rằng nhiều người đã xúc phạm danh dự, bôi bẩn, ném sơn vào nhà mình, nên bà Tân đề nghị Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu làm rõ vụ việc. Bà Tân cho rằng những việc làm trên là hành vi làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, nên đề nghị công an xem xét, xử lý.
Dù đã rút đơn tố cáo ngay trong ngày, tuy nhiên, đơn thư của bà Tân đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Việc bà Tân đề nghị cơ quan chức năng điều tra những người "làm nhục" gia đình mình, chuyên gia pháp lý cho rằng, những hành động của đám đông như vậy không có cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự vì tội làm nhục.
Theo dõi vụ ông Nguyễn Hữu Linh ngay từ những ngày đầu, luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH LSX, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) hiểu rõ việc tác động mạnh mẽ và vai trò của dư luận trong việc ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó viện trưởng VKSND TP. Đà Nẵng bị cơ quan điều tra khởi tố về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" theo Điều 146 Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo đó, luật sư Lực nhận định: “Thực tế mà nói, những hành vi của các cá nhân trong việc bôi sơn làm bẩn nhà ông Linh ở Đà Nẵng có thể bị xử lý hành chính nhưng không có dấu hiệu của tội làm nhục để bị xử lý hình sự”.
“Người dân Việt vốn hiền lành, đó là bản chất. Tuy nhiên, trong vụ việc này người phạm tội chính là người am hiểu về luật pháp nhưng lại cố tình vi phạm pháp luật. Đó là nguyên nhân chính khiến dư luận phẫn nộ và có phản ứng mạnh mẽ như vậy”, vị luật sư nhấn mạnh.
Bày tỏ thêm quan điểm, luật sư Lực cũng cho rằng, việc vợ ông Nguyễn Hữu Linh làm đơn đến cơ quan chức năng càng khiến dư luận thêm quan tâm và đấu tranh quyết liệt hơn. Tuy nhiên, sau vụ việc này, người dân cũng cần điều tiết hành vi của mình sao cho phù hợp với pháp luật.
Một vị luật sư trong đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng bày tỏ quan điểm: “Tâm lý đám đông hết sức bình thường trong việc đòi hỏi công lý. Pháp luật không thể điều chỉnh hết các quan hệ xã hội và hành vi mà dư luận bộc lộ ra trong sự việc của ông Nguyễn Hữu Linh. Hành vi của một số cá nhân trong việc làm bẩn nhà ông Linh có thể coi là vi phạm pháp luật nhưng nó có mặt tích cực hơn nếu người dân im lặng trong sự việc này”.
Trước đó ngày 2/4, mạng xã hội lan truyền đoạn clip trong thang máy, ghi lại cảnh ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy một chung cư ở Sài Gòn. Nội dung clip thể hiện cảnh một bé gái (khoảng 7 tuổi) bước vào thang máy để di chuyển. Lúc này, ông Linh cùng bước vào bên trong.
Sau đó, bảo vệ của tòa chung cư bước vào thang máy và nói chuyện với người đàn ông rồi dùng thẻ để quẹt chọn tầng. Khi nhân viên bảo vệ vừa bước ra và cánh cửa thang máy khép lại thì ông Linh cầm điện thoại tiến lại gần bé gái trong thang máy và có hành vi sàm sỡ, ôm hôn bé.
Bé gái cố gắng né tránh nhưng ông Linh tiếp tục ghì níu bé gái từ đằng sau và tiếp tục có hành vi sàm sỡ. Khi thang máy dừng mở cửa, bé gái hốt hoảng chạy thoát khỏi thang máy và suýt té ngã.
Ngày 21/4, VKSND quận 4 đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT Công an quận 4, TP HCM đối với Nguyễn Hữu Linh (SN 1958, ngụ TP Đà Nẵng, nguyên Phó viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng) về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" theo Điều 146 Bộ Luật hình sự và áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định về hành vi của những người dân trong sự việc của ông Nguyễn Hữu Linh là hiệu ứng đám đông và được coi là phản ứng tự phát.
Phân tích cụ thể, chuyên gia tâm lý cho hay: Sự việc của ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng tác động mạnh đến dư luận, một phần đó là tính hiếu kỳ của đám đông dư luận.
Họ muốn xem người đang vi phạm là người như thế nào, thân thế ra sao mà lại có hành vi gây phẫn nộ như vậy. Khi biết ông Linh là người từng giữ chức vụ có liên quan đến pháp luật càng khiến họ kích động hơn. Cùng với đó là hướng xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền có sự chậm trễ và thiếu sót nên dư luận mới lên án mạnh mẽ như vậy.
Phản ứng của dư luận đám đông sẽ mạnh mẽ ở thời điểm đầu nhưng đến một mức đỉnh điểm của sự việc rồi sẽ tự giảm xuống và rồi sẽ tiếp tục mạnh mẽ nếu bị tác động lại. Trong sự việc của ông Linh là ví dụ điển hình cho phản ứng đó.
Phản ứng đám đông có sức tác động mạnh mẽ còn hơn cả pháp luật cụ thể trong trường hợp của Nguyễn Mạnh Hùng - kẻ có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy ở quận Thanh Xuân chỉ bị phạt 200 nghìn đồng. Bản án mà dư luận dành cho người này còn đau đớn hơn, đó là sự xa lánh của xã hội. Đây chính là án chung thân cho những kẻ phạm tội mà pháp luật không thể xử lý triệt để.