Kể cũng lạ, ngay cả giống gia súc, gia cầm (dê, bò, gà…) chúng còn sợ nghèo, sợ khổ đến mức cố tình “đi lạc” hết từ hộ nghèo sang những hộ có chức có quyền để được ăn sung, mặc sướng. Ấy thế mà lại có nhiều người ở xã Hòa Thành (TP.Cà Mau) thích khổ sở, bần hàn đến mức phải “ký gửi” bản thân mình ở những hộ nghèo.
Chuyện chẳng là trong hộ khẩu của gia đình bà Đào Thị Hoa (một hộ cận nghèo tại ấp Tân Hóa, xã Hòa Thành) bỗng dưng có thêm một nhân khẩu. Và nhân khẩu đó không ai khác là bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, vợ ông Hồ Vũ Phong - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Thành.
Đương nhiên, là vợ của một cán bộ trong xã, cuộc sống của bà Phượng chắc hẳn không có gì quá khó khăn. Không biết lý do gì đã khiến bà Phượng quyết định sống gửi vào một hộ nghèo như vậy. Do bà đã quá chán với cảnh “nhung lụa vàng son” hay bà còn có những mục đích gì khác?
Mặc dù gia đình bà Hoa có thêm một người (trong sổ hộ khẩu, bà Phượng “đóng vai” con gái của bà Hoa) nhưng bà Hoa lại không hề hay biết đứa con bất đắc dĩ đó xuất hiện trong hộ khẩu của mình.
Không những thế, tuy hai vợ chồng vị Phó Bí thư xã vẫn chung sống với nhau nhưng vị Phó Bí thư khẳng định rằng ông không hề biết người vợ của mình đã “chuyển khẩu” và ông cũng chẳng biết mình có thêm một người mẹ vợ nghèo khó nữa.
Ngẫm mới thấy câu chuyện có rất nhiều điểm lạ. Đến người vợ “đầu ấp tay gối” hàng ngày ở bên cạnh mình chuyển khẩu đi đâu mà còn không biết được thì liệu vị Phó Bí thư xã đó có quán xuyến được những việc lớn hơn?
Ông Phó Bí thư đó không đi công tác xa nhà, cũng không gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe… thì chắc chỉ có một lý do phù hợp để giải thích cho sự “không biết” của ông với vợ: Phải chăng ông quá sợ vợ, không dám “hé răng” để quản lý vợ mình?
Không chỉ riêng bà Phượng, ở xã đó còn vài trường hợp “nghèo bất ngờ” như Trưởng ban nhân dân ấp Tân Hóa Nguyễn Văn On và vợ một cán bộ đang công tác tại xã. Tất cả những trường hợp nói trên đều được cấp sổ hộ nghèo/cận nghèo và được hưởng trợ cấp an sinh xã hội như những người nghèo thực sự.
Tôi tự hỏi, Ban chỉ đạo điều tra, rà soát, các cán bộ đứng điểm, các lãnh đạo UBND xã đã làm gì, ở đâu khi rà soát hộ nghèo ở địa phương? Đành rằng chuyện gì cũng có thể có nhầm lẫn nhưng tại sao lại nhầm một cách quá “khéo léo”, nhầm toàn cán bộ và người nhà cán bộ như vậy? Nếu đó là ngẫu nhiên thì cũng là một sự ngẫu nhiên đáng phải suy nghĩ.
Hết bò, gà, dê đi lạc, nay lại đến cả chuyện người lạc. Lòng tham đã khiến con người ta nghĩ ra đủ trò, đủ cách để "ăn chặn" của người nghèo được Nhà nước hỗ trợ.
Nhưng ngẫm lại thì bà Phương cũng thật phù hợp để nhận sổ hộ nghèo. Nhưng là “nghèo tự trọng”.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả