Võ sư khí công lập 3 kỷ lục Việt Nam

Võ sư khí công lập 3 kỷ lục Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 23:58

Trong một lần trốn học, cậu bé Nguyễn Khải Trường cùng đám bạn đến xã Miếu Môn (Chương Mỹ, Hà Nội) chơi. Chứng kiến những màn biểu diễn kỳ lạ của các môn sinh Lâm Sơn Động, Trường mê lắm. Và 7 năm sau, cậu bé Trường lại lập được 3 kỷ lục Việt Nam nhờ vào môn võ này.

Một buổi sáng lập 2 kỷ lục Việt Nam

Nguyễn Khải Trường, sinh năm 1985, xã Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Nội). Sau khi tập luyện tại Lâm Sơn Động được hơn 2 năm, Trường được đội tuyển Pencatsilas của tỉnh Hà Tây cũ gọi đi thi đấu. Sau đó, anh chuyển sang đầu quân cho đội tuyển võ thuật cổ truyền Hà Nội. Trong quãng thời gian thi đấu trên tuyển Hà Nội, võ sư Nguyễn Khải Trường đoạt được khá nhiều thành tích, trong đó có 6 huy chương vàng giải trẻ phía Bắc, giải võ thuật cổ truyền 26 tỉnh phía Bắc và giải võ thuật cổ truyền toàn quốc...

Nghe/Xem - Võ sư khí công lập 3 kỷ lục Việt Nam

Một buổi trình diễn hít bát kéo xe ô-tô của môn sinh Lâm Sơn Động

Khi chúng tôi hỏi về những kỷ lục mà anh đã đạt được, võ sư Khải Trường kể: "Thực sự, tôi và các huynh đệ Lâm Sơn Động học võ chỉ với mục đích duy nhất là nâng cao sức khỏe chứ không nghĩ rằng mình sẽ lập kỷ lục Việt Nam. Một buổi sáng năm 2007, tôi cũng chỉ theo các huynh đệ bản môn xuống Hà Nội để biểu diễn. Lúc chuẩn bị đến trường quay, tôi thực sự "choáng" khi nghe sư phụ nói rằng tôi sẽ là người biểu diễn môn "Giáp pháp công" (Dùng bát úp vào bụng treo người trên không hoặc hít bát vào bụng kéo ô tô) để lập kỷ lục Việt Nam. Biết là mình có thể làm được nhưng lúc đó trong đầu tôi cũng có một chút lo lắng".

Theo võ sư Trường, để luyện được môn công phu này đòi hỏi người học võ phải tập thành công chữ nhẫn trước. Mới đầu, khi mới vào môn phái, môn sinh Lâm Sơn Động phải học tấn, quyền cước cho thật nhuyễn. Trong quá trình học, họ sẽ được truyền dạy tất cả các môn khí công của bản môn. Tuy nhiên, sau thời gian luyện quyền cước, sư phụ cảm nhận được môn sinh có năng khiếu với khí công nào sẽ giữ lại để đào tạo chuyên sâu. Đến bây giờ, võ sư Trường có thể thực hiện được gần 90% các tiết mục của môn phái. Tuy nhiên, để đạt được trình độ thượng thừa trong khí công không phải ai cũng có thể làm được.

Anh kể tiếp: "Tôi còn nhớ, lúc ấy tôi lập kỷ lục tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô. Bốn khán đài của Cung văn hóa chật kín khán giả. Đây là lần đầu tôi xuất hiện trước đông người đến như vậy. "Môn giáp pháp công" có cơ chế vận khí không giống như các các tiết mục khác. Người tập luyện môn này phải đưa ngoại khí vào cơ thể rồi dồn xuống đan điền, dùng lực ép khí làm cháy hết ô -xy trong vùng bụng. Sau đó, đặt chiếc bát vào, cơ thể sẽ tự hút chiếc bát chắc như một chiếc nam châm khổng lồ”. Võ sư Trường đã lập lỷ lục Việt Nam úp bát vào bụng treo người trên không trong khoảng thời gian hơn 1 phút.

Sau đó, "dị nhân" này còn khiến cho hàng vạn khán giả kinh ngạc hơn với màn biểu diễn hít bát vào bụng kéo ô tô. Đây là một tiết mục khó, đòi hỏi người tập luyện phải có nội lực cũng như ngoại lực thật tốt mới có thể thực hiện thành công được. Chiếc xe 24 chỗ đã chuẩn bị từ trước, để khách quan hơn, ban tổ chức mời hơn 30 khán giả ngồi lên xe để cho dị nhân thực hiện tiết mục này. Được biết, lúc đưa chiếc xe lên bàn cân, trọng lượng của nó lên đến hơn 5 tấn. Võ sư Khải Trường úp bát vào bụng, một đầu dây buộc vào xe, đầu còn lại đính vào đáy bát, anh khom người, dùng nội lực bắt chiếc xe phải chuyển động. Chiếc xe chạy được quãng đường 17m thì dừng lại trước sự thán phục của khán giả.

Hai năm sau, năm 2009, võ sư Nguyễn Khải Trường còn khiến cho nhiều người yêu thích môn khí công phải kinh hoàng hơn nữa khi thực hiện kỷ lục Việt Nam với môn "Thiết đầu lôi công" (dùng tóc kéo ô tô). Được biết, để chuẩn bị cho tiết mục này, trong khoảng gần 2 năm Trường không được cắt tóc. Ngày mới tập, đầu anh lúc nào cũng trong tình trạng ê ẩm vì suốt ngày phải tự "đày đọa" bản thân bằng cách buộc tóc vào tảng đá kéo vòng quanh sân. Tuy nhiên, kết quả của sự "đày đọa" đó được đánh đổi bằng danh hiệu kỷ lục Việt Nam dùng tóc kéo chiếc xe 3 tấn đi hơn 50m.

Võ thuật không phải để phân tài cao thấp

Khi danh tiếng của dị nhân Nguyễn Khải Trường đã được giới võ lâm nhắc đến thì lúc đó cũng có nhiều cao thủ môn phái khác đến xin tỷ thí, phân tài cao thấp. Tuy nhiên, đối với võ sư Trường, võ thuật chỉ đơn giản là tăng cường sức khỏe chứ không phải là cái thước đo để xác định trình độ cao thấp trong giới võ lâm.

Nghe/Xem - Võ sư khí công lập 3 kỷ lục Việt Nam (Hình 2).

Võ sư Nguyễn Khải Trường

Một trong những kỷ niệm khó quên của võ sư Khải Trường đó là năm 2004, anh cùng sư phụ đi dạy võ tại Trường sĩ quan đặc công (xã Văn Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội). Một hôm, trong lúc tập luyện, sư phụ giới thiệu Khải Trường là một võ sư, cao thủ của Lâm Sơn Động, hầu như tất cả mọi người đều không tin. Để kiểm chứng, một sĩ quan tên Tuấn Anh đứng lên thách đấu. Từ chối mãi không được, sư phụ đành cho võ sư Trường thi đấu với vị sĩ quan ấy. Nhìn cách đi quyền, Trường có thể đoán được anh ta đã học rất nhiều môn phái. Trong thời gian tỉ thí, chỉ với 1 cú đá của võ sư trẻ đã khiến cho vị sĩ quan này xin thua.

Trước đó bằng một cú quét trụ đã khiến người sĩ quan tên Tuấn Anh lảo đảo, ngã lao mình về phía trước. Võ sư Khải Trường bảo, nếu như đây là một cuộc thi đấu chính thức, anh sẽ lập tức dùng đòn tay đấm móc ngược để đo ván đối phương. Tuy nhiên đây đơn giản chỉ là một buổi tỉ thí để học hỏi lẫn nhau nên anh lao người ra để kéo anh ta lại.

Anh Trường cũng kể lại những câu chuyện về võ thuật: Hơn chục năm trước, ở huyện Mỹ Đức (Hà Tây cũ) có hai làng Đồng Tâm, và Thượng Lâm có mâu thuẫn, "chiến tranh" suốt 5 tháng. Tuy nhiên, khi tôi và sư phụ về đây dạy võ, họ cũng lo ngại là chưa học võ đã đánh nhau thậm chí còn xảy ra án mạng, nếu được dạy võ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Những ngày đầu, sư phụ tôi cho thanh niên, trẻ con của làng Đồng Tâm sang Thượng Lâm học, một thời gian sau thì thay đổi ngược lại. Mấy tháng trôi qua, bỗng nhiên hai làng không còn đánh nhau nữa. Hỏi ra mới biết, những thành phần có "máu mặt" là "ngòi nổ" trong những cuộc đánh nhau của hai làng khi học võ đã biết trình độ của nhau, biết ai thắng, ai thua nên họ chẳng cần đánh nhau nữa.

Anh Trường tâm huyết: "Lúc ấy, tôi nghiệm ra rằng, võ thuật không chỉ là những đòn quyền thế cước mà nó còn là lương tâm, đạo đức để con người có thể hiểu nhau hơn".

Võ sư Khải Trường bảo, đối với một người học võ và đi dạy võ, chiến thắng trong các cuộc tỉ thí không phải là điều quan trọng nhất. Hơn nữa, đâu phải chỉ có chiến thắng mới giải quyết được tất cả mọi việc. Điều quan trọng là sau cuộc đấu, đối phương hiểu được trình độ võ thuật của họ và thay đổi được cách hành xử với người khác. Nếu như vậy, dù có thiệt thòi một chút anh cũng xin chấp nhận.

Võ sư Trường kể tiếp chuyện thách đấu với người sĩ quan đặc công: "Giờ giải lao, ngồi nói chuyện với nhau, vị sĩ quan kia bảo tôi rằng, anh ấy đã từng tỉ thí với nhiều người và nhiều môn phái. Những người mà anh ta đã từng tỉ thí thường ra đòn rất mạnh, rất nhẫn tâm để triệt hạ, làm mất danh dự của đối thủ nhưng tôi thì lại khác. Khi đang thắng thế, dồn đối phương vào thế khó, nhưng tôi lại nương tay và thậm chí còn đỡ đối phương dậy thì quả thật anh ta chưa thấy bao giờ".

Hiện nay, võ sư Trường đang học chuyên sâu năm cuối khoa Điền kinh của ĐH Thể dục thể thao 1 (Từ Sơn, Bắc Ninh). Chia tay chúng tôi, mặc dù đã gần 10h đêm nhưng anh Trường bảo vẫn sẽ về trường để ngày mai kịp đi học. Chiếc xe máy của anh lao vút đi trong đêm tối, lẫn vào trong dòng người đang hối hả về nhà để trốn những cơn gió se se lạnh đầu mùa...

Văn Chương

Kỳ sau: Sửng sốt với võ sư đóng đinh vào người để kéo ô-tô


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.