Học võ vì sợ giang hồ bắt nạt
Sinh năm 1984, quê gốc Hà Nội nhưng Nguyễn Nam Sơn sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Ai cũng biết, đất Cảng đầy sôi động nhưng cũng dữ dằn với những người không biết mình là ai. Sống ở thời đại mà thanh niên Hải Phòng luôn được coi là "đầu gấu" hơn mọi địa phương khác, Sơn được cha mẹ kèm cặp, dõi theo từ ngày còn học THCS. Sợ con bị bắt nạt, sợ con không biết nhẫn nại, sợ con va chạm với giang hồ và nhiều nỗi lo sợ mơ hồ khác, cha mẹ đã chấp nhận cho Sơn đi học võ từ nhỏ. Và, đó cũng là ý nguyện mà Sơn muốn. Sơn bắt đầu tập luyện môn wushu từ năm 1998, dưới sự hướng dẫn, huấn luyện và kèm cặp của thầy Nguyễn Nhật Cường. Sơn kể: "Bộ môn wushu phát triển được ở Hải Phòng như hôm nay, công lớn là của thầy Cường. Thầy là người đầu tiên đưa wushu từ Hà Nội về tới Hải Phòng từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Tôi là một trong những lứa học trò đầu tiên của thầy Cường".
Sau một năm miệt mài tập luyện, năm 1999, Sơn được đi thi đấu giải wushu toàn quốc đầu tiên tại TP. HCM. Năm 2000, Sơn chính thức được đứng trong hàng ngũ vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp. Năm 2005, thầy Cường đã lớn tuổi, Sơn vừa là VĐV kiêm huấn luyện viên bộ môn này cho wushu thành phố. Đến năm 2010, Sơn chính thức kết thúc sự nghiệp VĐV và chuyển sang huấn luyện với tư cách là Trưởng bộ môn wushu Hải Phòng.
Nguyễn Nam Sơn đang hướng dẫn võ sinh trẻ trong một bài wushu, chuẩn bị cho đợt thi đấu toàn quốc sắp tới
Sơn bộc bạch: "Thầy Cường là người giúp tôi trong sự nghiệp nhiều nhất nhưng để có động lực học võ và đem kiến thức của mình dạy lại cho thế hệ trẻ, tôi phục chị Thuý Hiền nhất. 14 tuổi chị ấy đã vô địch quốc gia, thế giới. Chị ấy là nữ mà còn khổ luyện làm nên thành tích được, mình là nam giới lại kém thế sao? Rất nhiều câu hỏi tự vấn mình, tôi cố gắng tập luyện để có được ngày hôm nay". Thanh niên đất Cảng có nhiều ngã rẽ cho cuộc đời, sao anh không chọn là một giang hồ cộm cán, một công chức mẫn cán, một người công nhân giỏi nghề... mà lại chọn nghiệp VĐV, huấn luyện viên võ, đầy mồ hôi, lắm nước mắt và có thể nói là nghèo này? Trầm ngân khá lâu, Sơn mở lòng: "Mê võ nên tôi tìm đọc những cuốn sách viết về võ. Tôi thích cách sống thư thả, chậm rãi của những tiền nhân trong các cuốn sách đó. Họ sống thư thả nhưng rất chắc chắn trong cuộc đời. Họ có một tình yêu vô bờ với con người, cuộc đời chứ không phải đem võ ra hại người. Tôi học tập điều đó và cũng luôn truyền dạy những điều đó cho học viên, VĐV của mình. Với tôi, bên ngoài của võ, thành phố Cảng sôi động vô cùng. Người ta cho rằng, thành phố này sản sinh ra nhiều giang hồ cộm cán, nổi tiếng; người ta còn có cả một cái gọi là công trình nghiên cứu về con người, thổ nhưỡng... gì gì đó để lý giải vì sao đất Cảng lại có nhiều giang hồ nổi danh, máu lạnh thế. Tôi biết nhưng việc của tôi là cảm nhận cuộc sống, để sống có ích".
Khó khăn với mình chứ không khó với người
Trong thời gian là VĐV Wushu, Nguyễn Nam Sơn đã sở hữu gần 30 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng. Huy chương Vàng thành phố và Huy chương Bạc toàn quốc chiếm khá nhiều. Lần nhận được Huy chương Vàng toàn quốc, Sơn đã khóc. Khóc vì thấy mình đã vượt qua chính bản thân để đến với vinh quang chứ không hề do may mắn hay gì đó. Khóc vì những giọt mồ hôi và nước mắt của mình và thầy đã được đền đáp một cách xứng đáng. Với công việc là huấn luyện viên đội tuyển Wushu của thành phố, Sơn thường xuyên phải luyện tập cùng vận động viên tham dự 3 giải thi đấu toàn quốc. Từ khi Sơn làm huấn luyện viên, vận động viên của thành phố đi thi giải toàn quốc nào cũng đạt chỉ tiêu Huy chương do thành phố giao. |
Nhiều học viên, VĐV từ người già đến trẻ em, khi tôi tiếp xúc, họ đều chung một cảm nhận: Trong luyện tập, thầy Sơn rất khó tính. Thầy sửa một thế võ cho VĐV đến cả tiếng đồng hồ, sửa đến bao giờ được thì thôi. Thầy Sơn thường nói, có được kỹ thuật tốt thì việc trình diễn không thành vấn đề. Một số học viên, học được vài "miếng", đã thích thể hiện, ra ngoài đánh nhau, bị thầy phạt. Thầy giảng cho học viên nhỏ tuổi rằng: "Học võ là để luyện tập, có sức khoẻ tốt, để biết nhẫn nại, biết kiên trì chứ không phải... đánh nhau. Người giỏi võ biết nhu chứ không bao giờ cương khi chưa biết đối thủ của mình là ai...".
Trực diện với anh về những phản ánh của học viên, VĐV cả lớn lẫn nhỏ tuổi, Sơn thật thà: "Nhiều trẻ em đến học, gia đình không có tiền nhưng các cháu thích học thực sự, tôi đều nhận dạy miễn phí. Dù có rất nhiều khó khăn, nhiều tác động làm cho cái việc học võ không còn nguyên vẹn ý nghĩa như trước đây, nhưng tôi vẫn cố gắng dạy các học trò và chuẩn bị cho VĐV cả tinh thần, thể lực, đáp ứng các giải thi đấu và đạt được kết quả cao nhất. Nhiều người nhận xét, tôi tâm huyết với nghề và môn wushu nhưng những lúc khóc thầm bởi khó khăn thì chỉ có một mình. Tôi cố gắng làm thật tốt để không phụ công thầy Nguyễn Nhật Cường đã dạy bảo và rèn rũa cho tôi cũng như cho wushu Hải Phòng".
Được biết, ngoài công việc là huấn luyện Wushu, Sơn còn hoạt động thêm về bộ môn thái cực dưỡng sinh với đối tượng trung, cao tuổi và thái cực trần gia, thái cực khí công, thái cực tự vệ và đối kháng với các đối tượng khác nhau. Hiện huấn luyện viên wushu đang là Chủ tịch câu lạc bộ Thái cực Hoa Phượng đỏ TP. Hải Phòng. Với tâm huyết của Sơn, câu lạc bộ này thường xuyên hoạt động dưới các hình thức khác nhau như biểu diễn, giao lưu, liên hoan văn nghệ, thi đấu giải thành phố và chọn các hội viên xuất sắc để đi thi đấu giải toàn quốc được tổ chức hàng năm. Hàng năm, bộ môn Thái cực Hải Phòng tham gia thi đấu các giải toàn quốc với nội dung thi đấu của đối tượng trung, cao tuổi và cũng đã dành được nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng. Nói về công việc ngoài wushu, Sơn bộc bạch: "Mục đích ban đầu của tôi là hướng dẫn cho các cụ, các bác những bài tập thái cực để cải thiện tình hình sức khỏe. Sau đó là tạo sân chơi cho các cụ, các bác sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và cho xã hội".
Huyền Anh