Trong thời cổ đại, loài người thường phân định hơn thua nhau bằng sức mạnh. Khi kẻ mạnh thắng kẻ yếu, mọi điều quyết định thuộc về kẻ mạnh. Đó là một nguyên tắc cơ bản và phổ biến, khiến những cuộc chiến trong quá khứ cũng chỉ hướng tới việc phân định ai mạnh, ai yếu mà thôi.
Thế nhưng, theo thời gian, xã hội phát triển văn minh hơn, và người ta bắt đầu có ý thức tôn trọng pháp luật. Dưới sự bảo hộ của pháp luật, kẻ yếu không còn phải nơm nớp lo sợ kẻ mạnh đặt ra chân lý cho họ nữa, và công bằng xã hội xuất hiện như một điều tất yếu.
Vậy mà, trong chuyến du đấu tới Việt Nam để thực hiện những cuộc tỉ thí võ thuật theo kiểu tự phát, cao thủ Vịnh Xuân Flores cùng các đối thủ đã đi ngược lại sự văn minh tất yếu ấy.
Bất chấp những mỹ từ như “giao lưu võ học”, thi đấu “dưới danh nghĩa cá nhân”, kiểu giao đấu bất chấp pháp luật, không theo nguyên tắc được các cơ quan quản lý đề ra và giám sát, chỉ thể hiện một điều rằng: Họ (những võ sư xắn tay áo lên để thể hiện võ công) đang kéo lùi sự văn minh, tiến bộ mà ở đó pháp luật được thượng tôn!
Bên cạnh đó, ở 2 trận giao đấu đã qua, sự tự phát khiến cho ai cũng nhận thấy bất cập, từ cách thi đấu cho tới thành phần tham gia.
Hãy nhìn lại giải đấu võ thuật dạng thực chiến (MMA) lớn nhất, phổ biến nhất thế giới hiện nay, là UFC (Ultimate Fighting Championship) của Mỹ.
Tháng 11/1993, giải UFC đầu tiên đã diễn ra, cho phép người tham dự dùng võ tùy ý, không phân hạng cân, và thậm chí không hạn chế thời gian. Và kết quả mỗi trận đấu có lẽ không dành cho những người yếu tim, khi người thì bị đánh bay răng cửa, kẻ thì gẫy tay nhập viện…
Sau đó, UFC phải siết lại luật theo hướng hợp lý hơn, trong đó có thay đổi quan trọng là phân hạng cân đấu (UFC hiện tại có tới 9 hạng cân khác nhau), để các đối thủ thực sự cân bằng với nhau. Việc đấu cùng hạng cân được xem là tiêu chí cơ bản trong đối kháng thực chiến hiện nay.
Nhưng ở 2 trận đấu đã qua của cao thủ Vịnh Xuân Flores tại Việt Nam, các võ sư thách đấu đều… thấp bé nhẹ cân tới mức không thể tin được. Và họ thua như một điều hết sức hiển nhiên!
Sự vô luật trong kiểu tỉ thí tự phát đó khiến ai cũng cảm thấy bất công, và kết quả thắng thua chẳng nói lên được điều gì, ngoài việc đáng lo ngại, là nó tạo ra sự kích động bạo lực, kích thích tính hơn thua trong làng võ, khiến cho các môn phái dễ đối đầu, bài xích với nhau.
Đây mới thực sự là điều nguy hiểm!
Và điều nguy hiểm này đang hiển hiện. Ngay sau 2 trận thắng dễ dàng của võ sư người Chile, một loạt võ sư khác của Việt Nam đã lên tiếng thách đấu theo kiểu hội đồng…
Vậy đại diện cơ quan quản lý nói gì sau hàng loạt điều phi lý đã diễn ra? Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng cho rằng, các cơ quan quản lý lúng túng vì đây là lần đầu tiên họ phải đối diện với tình huống như vậy.
Có thể thông cảm được điều này, nhưng chắc chắn các cơ quan liên quan cần phải vào cuộc nhanh chóng hơn nữa, để đảm bảo những gì sắp diễn ra sẽ không nằm ngoài phạm vi pháp luật.
Câu chuyện vào cuộc này không có nghĩa là cấm cản, mà cần phải có chế tài phù hợp, để đảm bảo công bằng, khách quan, chứ không còn kiểu “tự phát”, muốn đấu thì chỉ việc xắn tay áo lên mà đấu như đã diễn ra nữa.
Nếu không có chế tài như vậy, chúng ta sẽ làm gì khi bỗng dưng có cả chục, cả trăm đoàn võ sư từ nước ngoài rầm rập sang Việt Nam đòi đánh đấm, khiến xã hội loạn tỉ thí võ công?
Xin nhắc lại rằng, một xã hội văn minh là xã hội luôn thượng tôn pháp luật. Đây chính là cơ sở để xã hội phát triển, chứ không phải là… thượng tôn sức mạnh, thể hiện qua những trận giao đấu để chứng minh ai mạnh hơn ai.
Trung Hiếu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả