Ngày 22/11, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị Vũ Thị Thúy – vợ của bị cáo Lê Ngọc Hoàng (SN 1985, trú tại thôn Cộng Hòa, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin TAND cấp cao tại Hà Nội ký kháng nghị giám đốc thẩm, hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời đề nghị điều tra bổ sung vụ án liên quan đến chồng tôi, gia đình tôi rất vui mừng”.
Theo chị Thúy, được sự theo dõi giám sát của các đơn vị chức năng, các cơ quan thực thi pháp luật cùng các cơ quan báo chí truyền thông có tiếng nói chỉ ra những uẩn khúc chưa được làm rõ trong vụ việc nên mới có được kết quả như ngày hôm nay. Gia đình chị có lời cảm ơn sâu sắc.
“Hôm qua, tôi có lên trên TAND tỉnh Thái Nguyên để xin bản án phúc thẩm. Tôi cũng muốn vào trại giam thăm chồng nhưng vì đến vào buổi chiều, trại giam không làm việc nên không được vào.
Đã lâu rồi tôi không được nghe chồng chia sẻ, tâm sự về những tháng ngày trong trại giam, cũng như tâm tư, nguyện vọng của anh ấy. Hôm xử phúc thẩm, trong thời gian giải lao, gia đình chỉ được gặp anh Hoàng có 2 phút, quãng thời gian đó anh ấy dành cho 2 con nhỏ, chẳng kịp nói lời nào. Tòa xử xong anh ấy chỉ nhoẻn miệng cười và nói lời cảm ơn mọi người đã ủng hộ”, chị Thúy không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc.
Quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng cũng như chị Thúy đó là có 3 điểm mấu chốt của vụ án cần phải được làm rõ, đó là: Thứ nhất, tốc độ của xe Innova chạy lùi trên cao tốc thời điểm xảy ra va chạm. Thứ hai, điểm va chạm giữa xe container và xe Innova. Thứ ba, làm rõ việc thiết bị giám sát hành trình trên xe container bị mất dữ liệu 52 giây trước khi va chạm đến thời điểm va chạm.
Mặt khác, chị Thúy cũng băn khoăn về việc hủy 2 bản án, tiến trình điều tra bổ sung thì Công an thị xã Phổ Yên, Công an tỉnh Thái Nguyên là những đơn vị đã thụ lý điều tra vụ án có điều tra khách quan hay không, liệu có cần một đơn vị điều tra độc lập để quá trình điều tra được khách quan, chính xác ?
Ngoài ra, gia đình chị Thúy cũng bày tỏ nguyện vọng: Anh Hoàng đã bị tạm giam gần 2 năm, án chưa được làm rõ, việc tiếp tục giam anh Hoàng liệu có cần thiết? Gia đình mong anh được tại ngoại, được tạo điều kiện trở về với gia đình, khi quá trình điều tra bổ sung hoàn tất, vụ án tiếp tục được đưa ra xét xử thì anh Hoàng tiếp tục trở lại tòa.
Trước đó, vào ngày 19/11/2016, Lê Ngọc Hoàng đang lái xe container chở hàng trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Khi đi đến nút giao Yên Bình (thuộc thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), xe container của anh Hoàng đã va chạm với một xe Toyota Innova có 10 người trên xe.
Hậu quả của vụ tai nạn là vô cùng nghiêm trọng: 6 người trên xe Innova đã thương vong, trong đó có 4 người chết, 2 người bị thương, 2 phương tiện bị hư hỏng nặng nề.
Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định tài xế xe Innova là Ngô Văn Sơn khi đi đến nút giao này đã chạy quá đường, tài xế sau đó đã điều khiển phương tiện chạy lùi và tông vào xe container do anh Hoàng điều khiển.
Phiên xử sơ thẩm tại TAND thị xã Phổ Yên, tòa tuyên Ngô Văn Sơn 10 năm tù và Lê Ngọc Hoàng 8 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Về dân sự, tòa buộc Sơn bồi thường hơn 700 triệu đồng, buộc Hoàng bồi thường gần 500 triệu đồng cho gia đình các nạn nhân.
Sau phiên tòa sơ thẩm, 2 bị cáo và đại diện gia đình các nạn nhân cùng kháng án.
Tại phiên xử phúc thẩm tại TAND tỉnh Thái Nguyên, tòa tuyên Ngô Văn Sơn 9 năm tù, Lê Ngọc Hoàng 6 năm tù, mức bồi thường dân sự cho các nạn nhân được giữ nguyên.
Bản án được cho là thiếu sót, bỏ qua nhiều tình tiết chưa được làm rõ của cấp xử sơ thẩm và phúc thẩm đã gặp sự phản kháng của gia đình bị cáo Hoàng cùng sự bức xúc mạnh mẽ trong giới tài xế cũng như dư luận cả nước.