Nghe nỗi buồn về trước thu sang. Sáng nay, nắng Hà Nội còn gay gắt. Cái nóng nắng pha chút khô hanh khiến người người ngột ngạt nhắc nhau rằng thu Hà Nội chưa sang. Chút buồn man mác chưa tới sao lòng lại rã rời đến thế. Mới hay, ai đó vô tình đọc được tin có đề xuất di dời Ga Hà Nội ra khỏi nội đô.
Lý do để di dời nó phù hợp với xu hướng phát triển của đô thị hiện đại hay chỉ là phù hợp cho sự quản lý dễ dàng của cơ quan đề xuất? Những người bước vào ngưỡng cửa hoài niệm như tôi không thể phán xét vội vàng. Đơn giản, ai đề xuất cũng có lý do xác đáng cả.
Thoáng nghe xót xa trong lòng, tôi bỗng vô thức lục tìm lịch sử của Ga Hà Nội. Thấy “hồn muôn năm cũ” đa mang, sầu vương kỷ niệm với nhà ga này gợi nhớ tiếng còi tàu hú xé tan sương sớm.
Dòng giới thiệu lịch sử nhà ga trong “bách khoa mở” khiến nỗi nhớ lại thêm khắc khoải, như ai đó đang nói hộ lòng mình: Cho đến nay, Ga Hà Nội có quy mô lớn nhất xứ Đông Dương với chiều dài gần 200m, có kiến trúc giống như công sở hơn là kiến trúc công cộng.
Trước năm 1900, mảnh đất này vốn là chợ bán cỏ cho ngựa thuộc thôn Tiên Mỹ, huyện Thọ Xương. Theo đánh giá của giới kiến trúc đô thị, Ga Hà Nội và cầu Long Biên được xếp hạng công trình quan trọng, tạo điểm nhấn cho quy hoạch Hà Nội đầu thế kỷ XX và kéo dài đến năm 1954. Từ đây, những tiếng còi tàu đầu tiên vang lên làm rạo rực lòng người.
Mong nhớ, hẹn hò và chia ly cũng từ đây để rồi Nguyễn Bính viết "Những bóng người trên sân ga". Ga là thế, xen kẽ niềm vui và nước mắt. Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn ở cái ngõ Chân Hưng xưa, đã bao đêm nghe tiếng còi hú lên, chứng kiến bao cuộc chia xa trong nỗi buồn, khi người thân đi lính đánh thuê hay lên đường làm cu li nơi đất khách quê người. Ông đã viết "Biệt ly" để chia sẻ cùng những giọt nước mắt đau thương: "Biệt ly, nhớ nhung từ đây. Chiếc lá heo may. Người về có hay?... Ôi còi tàu như xé đôi lòng...".
Đã bao lần, mẹ lặng lẽ đến Ga Hàng Cỏ yên lặng hồi lâu nghe miền ký ức tiễn cha đi xa. Và rồi, có lần cuối mẹ ở lại cả đêm chờ đợi mà cha không thể về. Bóng cha vĩnh viễn ở lại nơi đất Cảng sau cuộc truy tìm của mật thám Pháp. Chỉ biết rằng, sau bao năm, mỗi lần nhớ cha, mẹ lại ra nhà ga dõi theo con tàu. Nhớ ngày tiễn cha đi làm và đón cha trở về nhà.
Nhà ga ấy đã là hoài niệm gắn với tuổi thơ bao người. Gắn với đoàn quân đi, thư gửi lại trắng sân ga. Bao lớp trai Thủ đô cũng ra đi theo con tàu lăn bánh gợi nỗi nhớ cho cô gái đứng bên sân ga vẫy khăn từ biệt.
Một công trình đã được xếp hạng là công trình quan trọng nay có đề xuất di dời, dù mới chỉ là đề xuất nhưng lòng người cũng thấy giăng mắc nỗi sầu.
Lại nghe, ngành Giao thông muốn giữ lại nhà ga vì nó đã được quy hoạch giao thông Hà Nội. Nếu thay đổi sẽ phải quy hoạch lại giao thông. Có lẽ lý do muốn giữ lại ấy hợp với sự không muốn thay đổi khi tiện ích đã được gắn từ xưa.
Một đề xuất từ an ninh trật tự, an toàn của người dân; một đề xuất vì tiện ích của người dân. Ai cũng thấy thấu tình đạt lý. Nhưng không bên nào nghĩ đến người dân ngoài những tiện ích họ còn có tâm hồn, những kỷ niệm yêu thương, hờn giận gắn với một địa điểm thân thiết hơn máu thịt.
Hãy hỏi ý kiến người dân, hãy quan tâm đến phản biện của các nhà lịch sử, các nhà văn hóa trước khi quyết định đụng chạm đến những công trình hơn trăm năm tuổi của Thủ đô. Các cơ quan đừng vì sự “tiện quản lý” mà vội vàng quyết định đụng chạm đến những nơi đã thành “tâm hồn người Hà Nội”.
Minh Khánh