Vào năm 1910, La-tinh trở thành chữ viết chính của Việt Nam thay thế cho loại chữ Hán và chữ Nôm. Chữ La-tinh của người Việt hơi khác, vì người Việt cũng giống người Trung Quốc, có ngữ âm như hát và các kiểu dấu của nó sẽ cho biết từ này có âm cao, thấp, lên cao rồi xuống thấp hay các âm điệu khác.
Trở lại với quyển vở này.
Đây là vở dành cho học sinh lớp một và ở mỗi trang của nó đều có một chữ cái, sau đó là các ô kẻ để trẻ em tập viết. Những chữ ở đây như thế nào nhỉ? Đối với tôi thì nó quá nhỏ, cong, nhiều đường uốn lượn và quay vòng, nghĩa là rất khéo léo, thư pháp. Quyển vở này như đến từ một thời đại khác và đúng là như vậy. Việt Nam cũng như phần lớn các nước châu Á hiện nay đang phát triển rất nhanh và đi vào thế kỉ 21. Trong khi ở Séc, chúng ta bàn bạc xem mục đích quốc gia là giàu sang hay đạo đức thì ở Việt Nam, họ chăm chỉ lao động và kết quả có thể nhìn thấy ở khắp nơi.
Tác giả Ondřej Neff và nhiếp ảnh gia Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: Novinky.
Thế nên tôi mới ấn tượng với sự khéo léo đến nghệ thuật hóa cầu kì này. Trong khi trẻ em của chúng ta, như tôi được biết, thì đang học kiểu chữ đơn giản hóa, cần như chữ in, để những đứa trẻ tội nghiệp không phải cực nhọc. Đây chính là mục đích của mọi sự cải tổ trường học, làm sao để trẻ em không phải cực nhọc và “cực nhọc một cách thừa thãi“. Còn quyển vở tập việt này thì lại khác. Những chữ viết ở đây, như đã nói, đều thật khép lép mà ngay cả Giambattista Bodoni cũng khó mà viết được. Chúng được viết vào những ô vuông và mỗi ô vuông lại được chia thành nhiều ô vuông khác. Ví dụ chữ A có 4 ô bề ngang và 5 ô bề dọc. Đứa trẻ học viết sẽ bắt đầu bằng cách nối các đường thẳng từ ô vuông này sang ô vuông khác. Chắc chắn khi nhìn vào chúng ta sẽ thấy một sự cực nhọc lớn và thừa thãi.
Thế nhưng đây lại là điều cốt yếu của vấn đề. Đó là mục đích đầu tiên và thẳng thắn nhất. Không biết viết thì khó làm được gì. Chúng ta có thể viết nhiều kiểu, rắc rối và cẩn thận cũng như nhanh chóng và cẩu thả. Trẻ con Việt Nam được học bằng cách đầu tiên. Ngoài viết chữ, chúng còn học được cử cẩn thận, chính xác, nhất quán và bền vững. Chắc chắn lúc đầu chúng cũng sẽ như một chú cún mới được đi chơi và viết những đường uốn lượn sai chỗ khiến cô giáo dùng bút đỏ để gạch đi và bắt chúng phải viết lại, thật là khó chịu. Thế nhưng điều đó dạy chúng cách vượt qua chướng ngại, kể cả chướng ngại lớn nhất, đó chính là bản thân mình.
Nghiêm Trang (Vietinfo)