Luật sư Nguyễn Thanh Tú (Công ty Luật TNHH Việt Kim) tư vấn:
Trường hợp người vợ giữ tiền trong gia đình không phải là điều xa lạ. Với tính tỉ mỉ, thường xuyên phải chi tiêu các khoản lặt vặt cho gia đình thì việc người phụ nữ “nâng khăn sửa ví” cho chồng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ở cương vị người vợ hay người chồng đều cần có các nhu cầu chi tiêu cá nhân, và mỗi thành viên trong gia đình ít nhiều cũng phải được quản lý số tiền mình kiếm được để chi tiêu cho những mục đích chính đáng.
Ở trường hợp của bạn, căn cứ theo hai điều khoản sau đây để giải quyết:
Thứ nhất, Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền 300.000-500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng. Đây được xem là hành vi bạo lực về kinh tế.
Thứ hai, Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Tài sản chung của vợ chồng được hiểu là tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, lương của bạn là tài sản chung do phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Vì vậy, vợ bạn hoàn toàn có quyền định đoạt về tài sản của bạn, nhưng phải dựa trên cơ sở có sự trao đổi thực hiện quyền ngang nhau, không được tự ý định đoạt hoàn toàn khối tài sản này. Khi bạn có nhu cầu, bạn hoàn toàn được sử dụng mà không cần phải ngửa tay xin tiền như thông tin bạn đưa ra.
Việc tự ý nhận hết tiền lương nói trên là hành vi đi ngược lại các nội dung quy định về tài sản chung thời kỳ hôn nhân. Trường hợp bạn nêu hiện chưa có chế tài quy định cụ thể nên việc xử lý còn khó khăn và nhiều vướng mắc. Phương án tốt nhất, vợ chồng nên ngồi lại để cùng nhau thỏa thuận việc sử dụng tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Đừng vì mâu thuẫn tài chính dẫn đến sứt mẻ tình cảm vợ chồng…
Phong Linh (ghi)