Theo Sohu, lão nông họ Hồ sống ở Mỗ thôn, Thương Khâu, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Vào năm 1995, khi đang cuốc đất, lão Hồ vô tình đụng trúng một "cây cải thảo". Sau đó, ông tiếp tục đào thì lại tìm thấy thêm một "cây củ cải".
Tuy nhiên chúng không phải là những loại rau củ chúng ta thường ăn mà thực chất chỉ là những bức tượng được tạc theo hình cây cải thảo và củ cải, không rõ vì sao chúng lại được chôn dưới đất.
Cảm thấy ngạc nhiên và tò mò, lão Hồ quyết định đem chúng về nhà. Ông còn lau sạch sẽ và đặt chúng lên bàn trà để làm vật trang trí trong phòng khách.
Hai năm sau, khi bảo tàng Hà Nam tiến hành thu thập các di tích văn hóa từ người dân để mở rộng cho bộ sưu tập của bảo tàng, lão Hồ đã đem "cây cải thảo" và "củ cải" của mình đến nhờ các chuyên gia xem xét.
Nhìn thấy những món đồ mà lão Hồ mang đến, các chuyên gia vô cùng sửng sốt. Họ đều nhận định rằng đây là di tích văn hóa rất quý hiếm. Họ đã thương lượng vào trao cho lão Hồ 800 NDT (hơn 2,7 triệu đồng) để đem chúng về bảo tàng. Đồng thời, lão Hồ cũng được vinh danh công lao tìm thấy bảo vật thất truyền.
Theo đánh giá của các chuyên gia, "cây cải thảo" và "cây củ cải" này được tạc từ ngà voi. Chúng có niên đại từ thời Càn Long, vào thời bấy giờ, kỹ thuật chạm khắc và nhuộm ngà voi rất phổ biến. Chúng đều được tạc rất chân thực.
"Cây cải thảo" có màu trắng ngà ở phần cuống, viền lá màu xanh với phần bên trong lòng lá có màu vàng, rễ có màu nâu. Phía trên thân nó có một con châu chấu màu xanh. Con châu chấu được tạc tỉ mỉ tới mức phần lông tơ trên chân của nó cũng có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Dưới chân con châu chấu còn có thêm 1 chú bọ rùa màu đỏ xinh xắn. Ngoài ra, trên thân còn lá cải thảo được điểm xuyết bằng một vài bông hoa dại màu hồng. Những chi tiết nhỏ đều được truyền tải rất chân thực cho thấy nghệ nhân tạo ra nó có sự tinh tế và quan sát rất kĩ càng, cẩn trọng.
Bức tượng củ cải cũng được tạo tác tinh xảo không kém. Tượng cây củ cải này dài khoảng 27 cm, từ màu sắc, những sợi râu trên thân, thậm chí cả đất chưa rửa sạch, những đốm đen trên lá đều được thể hiện một cách vô cùng sinh động. Trên phần đầu của cây củ cải cũng có khắc một con châu chấu tương tự như tượng cây cải thảo.
Điểm đặc biệt của 2 bức tượng này là côn trùng và rau củ luôn xuất hiện cùng nhau. Dường như, những người thợ thủ công thời xưa luôn chọn cách kết hợp này để phản ánh sự khác nhau giữa động và tĩnh, khiến cho vẻ sinh động của chúng được làm nổi bật lên.
Về lý do người xưa chạm khắc tượng hình rau củ và côn trùng, các nhà khảo cổ cho rằng "củ cải" và "cải thảo" khi phát âm đều gần giống với từ "của cải" nên chúng thường được chọn để làm vật trang trí phong thủy. Ý nghĩa của các bức tượng cây cải thảo và củ cải đều mang lại sự may mắn, thịnh vượng. Vì thế, người xưa thường dùng chúng để trang trí trong gia đình.
Đáng chú ý, thông thường, màu sắc của những tác phẩm chạm khắc từ ngà voi sẽ bay màu sau 2 đến 3 năm, tuy nhiên, "cây cải thảo" và "củ cải" này dù đã hơn 300 năm trôi qua nhưng vẫn sống động như thật. Màu sắc của chúng vẫn như mới, độ bóng, độ sáng không hề bị phai nhạt. Các chuyên gia cũng cho biết, với trình độ điêu luyện của những người thợ thủ công thời xưa, họ hiện chưa thể định giá 2 di tích văn hóa này. Có thể nói, chúng là vô giá, vì tới thời điểm hiện tại, kỹ thuật nhuộm màu ngà voi của người xưa đã bị thất truyền, các nghệ nhân thời hiện đại vẫn chưa ra tìm phương pháp để có thể tạo ra các tác phẩm tương tự.
Trung Quốc vốn nổi tiếng với nghệ thuật chạm khắc tuyệt mỹ, tinh xảo. Trước đó, công chúng cũng từng không khỏi xuýt xoa trước khối đá thạch anh hình "miếng thịt kho tàu", do một nghệ nhân ẩn danh thời nhà Thanh tạo nên được trưng bày tại bảo tàng Cố Cung Đài Bắc ở Đài Loan (Trung Quốc).
Khối đá có tuổi đời hơn 200 năm này được tạc sinh động tới mức không thể ngờ tới, với phần bì, mỡ và nạc được phân biệt rõ ràng bởi những lớp màu sắc khác nhau. Lấy nguồn cảm hứng từ món thịt kho Đông Pha của Trung Quốc, người thợ sử dụng khối đá tự nhiên, chạm khắc với độ chính xác cao. Thậm chí, người xem có thể thấy từng lỗ chân lông trên miếng thịt nhìn như thật với cả các nếp nhăn và vết lõm trên da. Sau đó, đá được nhuộm màu tinh xảo, tạo vẻ ngoài "thơm ngon, béo ngậy".
Bên cạnh "miếng thịt" tinh xảo, bảo tàng Cố Cung Đài Bắc còn có một tuyệt tác hình đồ ăn khác chính là "cây cải thảo Jadeite". Đây là tác phẩm được chạm khắc từ một tảng ngọc bích duy nhất và tận dụng triệt để màu sắc tự nhiên nửa trắng, nửa xanh vốn có. Nhiều điểm không hoàn hảo trên đá như các vết nứt và vết ố màu cũng được người nghệ nhân đưa vào tác phẩm điêu khắc và biến chúng thành những đường gân trên thân và lá của "cây cải thảo" đặc biệt này.
Được biết, việc chạm khắc những cây cải thảo từ đá cẩm thạch vốn phổ biến vào giữa và cuối triều đại nhà Thanh (1644 đến 1912). Mẫu vật này ban đầu được trưng bày tại điện Ung Hòa của Tử Cấm Thành. Các chuyên gia nhận định, đây là món hồi môn dành cho một nhân vật trong Hoàng tộc.
Minh Hoa (t/h)