Người viết bài có may mắn tìm hiểu và được nghe một phần câu chuyện liên quan từ những người thân trong gia đình 1 vợ (chị Hải), 2 chồng (anh Cường và anh Kiên). Vì nhiều lý do tế nhị nên địa chỉ và tên tuổi của họ được giấu kín hoặc thay đổi trong câu chuyện kể dưới đây.
Vuột mất tình yêu
Tình bạn từ thuở ấu thơ giữa anh Cường và chị Hải là thứ pha lê trong suốt của sự gắn kết hồn nhiên giữa đôi trẻ. Hai anh chị ở chung khu tập thể và học chung trường nên hai người luôn đi cạnh nhau ở mọi nơi, mọi lúc. Bản tính hiền lành, chu đáo, anh Cường luôn biết yêu thương, nhường nhịn cô bạn “hàng xóm” kém mình chưa đầy 3 tuổi ấy. Tất cả sự hồn nhiên, trong sáng đó cứ bình lặng trôi trong suốt thời học trò.
Ngày anh Cường cưới người phụ nữ theo sự mai mối của gia đình, chị Hải cảm thấy như đánh mất chỗ dựa, phần bình yên nhất trong tâm hồn mình.
Sau khi anh Cường lấy vợ chị Hải vẫn hay ngồi một mình và nhớ về kỷ niệm của hai đứa. Tình bạn đó có thể là tình yêu đầu đời chăng? (Ảnh minh họa)
Rồi ai cũng trách Hải “kén” quá nên đến gần 30 tuổi mà vẫn chưa lập gia đình. Chị chỉ cười xòa, đổ tại cái duyên, cái số nó chưa đến mà thôi. Và điều thú vị là chính Cường đã là “ông tơ” mát tay xe duyên cho cô bạn “thanh mai trúc nữ” lấy Kiên người em trai cùng cha khác mẹ của mình.
Kiên khá bất hạnh khi mẹ anh – tức người vợ thứ của bố anh Cường – không may qua đời sớm vì bệnh ho lao. Hai anh em tuy khác mẹ nhưng tính tình lại có nhiều điểm giống nhau, cùng có lối sống nội tâm, thiên về tình cảm. duy chỉ có điều, anh Cường nhanh nhẹn, hoạt bát và nói năng lưu loát hơn hẳn em mình.
Khi anh đã yên bề gia thất mà Kiên lại chỉ coi nặng sự nghiệp, không thiết tha chuyện lập gia đình nên với trách nhiệm là anh trai, Cường đã xắn tay mai mối luôn cho em mình với cô bạn thân kém tuổi 1 thời.
Sau đám cưới mà ai cũng phải nhắc đến vai trò đặc biệt của anh Cường ấy, Hải về làm dâu sinh sống luôn dưới cùng một mái nhà với người bạn thân giờ đã là anh rể của mình.
Cuộc sống của hai gia đình chung một mái nhà diễn ra khá yên ả cho đến dăm năm sau thì anh Cường làm ăn khấm khá, tậu thêm được nhà để tách ra ở riêng, tiện cho việc sinh hoạt khi vợ anh sinh nở.
Vợ chồng Kiên sống cũng khá ổn thỏa trừ nỗi bất hạnh không thể có con vì hậu quả từ lần đầu mang thai của Hải bị chửa ngoài tử cung dẫn đến biến chứng nặng nề phải cắt đi gần như toàn bộ buồng trứng. Mặc cho chị Hải dằn vặt, tìm đủ mọi biện pháp chữa trị, ngược lại Kiên luôn động viên và khẳng định, dù thế nào đi nữa, anh cũng không bỏ chị.
Sau nhiều lần thụ tinh ống nghiệm không thành công, Hải mới đành chấp nhận số phận của mình. Nhiều người khuyên chị nên nhận con nuôi cho vui nhà, vui cửa và có người nâng đỡ lúc về nhà, song chị đã phản đối. Chị chỉ khát khao có một đứa con do chính mình đẻ ra còn nếu không chị chấp nhận cảnh sống cô độc, thậm chí luôn dục chồng đi tìm niềm vui mới.
Thế rồi chuyện ngoại tình xảy đến với gia đình họ. Nhưng không phải là Kiên mà lại chính là người chị dâu của anh – vợ anh Cường. Anh Cường suy sụp, tiều tụy khủng khiếp khi phát hiện ra vợ mình phản bội.
Bất hạnh đeo đuổi anh Cường khi cơ ngơi gây dựng nên sau hàng chục năm trời chẳng mấy chốc gần như tan thành mây khói bởi vợ anh đã âm thầm mang những giấy tờ nhà đất của căn nhà đang ở và nhà xưởng đi cầm cố, lấy tiền tiêu xài. Mọi chuyện vỡ lỡ khi người vợ phụ bạc dứt tình ra đi. Ba bố con anh Cường lại dắt díu nhau về căn nhà của người em trai cũng là nhà hương hỏa do bố mẹ để lại, nơi luôn rộng cửa chào đón họ trở về.
Chung con nên chung luôn cả… chồng
Trong suốt thời gian ấy, hai cô con gái còn nhỏ dại nếu không nhờ có chị Hải chăm sóc và bảo ban thì anh Cường không biết xoay sở ra sao.
Anh Cường chấp nhận cảnh “gà trống nuôi con” dù cả nhà đã không ít lần lựa lời muốn anh tìm cho mình một hạnh phúc mới.
Khi chợt nhận ra trên đầu anh trai mình đã có đến hai thứ tóc anh Kiên càng sốt ruột dục dã anh Cường nên nghĩ lại. Mỗi lần như thế, anh Cường chỉ cười tếu táo: “Sức anh bây giờ có uống nổi cả bát sữa đâu mà tậu cả con bò cho phí hả chú?”. Thế nhưng, anh Kiên biết anh mình vẫn còn khao khát một mái ấm cho riêng mình, một người phụ nữ để chia sẻ, chăm sóc, chỉ vì không muốn làm xáo trộn cuộc sống của hai cô con gái nên đành chấp nhận ở vậy.
Còn chị Hải thì đã tìm được niềm hạnh phúc làm mẹ khi được chăm sóc, dạy bảo cho hai cô cháu gái giờ đã nghiễm nhiên trở thành con gái của chị. Chúng cũng đã coi Hải như người mẹ thứ hai của mình nên mỗi khi thấy chú bàn chuyện lấy vợ cho bố, chúng lại dẫy nãy nói: “chừng nào chú tìm được người như mẹ Hải thì chúng con mới đồng ý”. Thế khác gì làm khó cho Kiên, bởi tìm đâu ra một người thật sự yêu thương chúng như vợ anh bây giờ?
Mà nhiều lúc, Kiên cũng phục vợ mình vô cùng vì cô vẫn dành tình yêu, sự quan tâm đến anh như xưa trong khi lại san sẻ thêm tình cảm cho ba bố con anh Cường. Từ việc chợ búa, nấu nướng, giật dũ,… Hải đều không ngại ngần giành phần làm hết luôn cho cả anh chồng. Mỗi bữa cơm chung trong gia đình họ bao giờ cũng ấm áp, yên vui bởi sự san sẻ khéo léo, tài tình ấy.
Nhờ sự san sẻ khéo léo, tài tình của chị Hải mà cả gia đình họ được sống ngọt bùi bên nhau. Ảnh minh họa.
Lần đó, anh Cường phải nhập viện hàng tháng trời để điều trị căn bệnh tắc nghẽn phổi, hậu quả từ việc đốt thuốc lá, sau đó chuyển sang rít thuốc lào vô tội vạ. Hải cũng lại là người duy nhất có thể đứng ra chăm sóc cho anh. Nhìn cảnh vợ tất tả, ân cần chăm sóc, Kiên ứa nước mắt cảm động.
Rồi một lần, bất ngờ mang vào cho anh Cường thêm mấy bộ quần áo, anh vô tình bắt gặp cảnh trên nền vải drap trắng của giường bệnh, hai bàn tay đang nắm chặt lấy nhau. Anh cường nằm trên giường lên cơn ho sù sụ, còn vợ anh đang ngồi bên cạnh đau đáu lo lắng.
Anh Kiên lặng lẽ bỏ ra quán cafe ngoài bệnh viện ngồi. Cái nắm tay ấy cứ ám ảnh anh mãi. Đó không chỉ là sự động viên của người khỏe dành cho người ốm mà đã vượt xa hơn thế nữa rồi.
Kiên chợt nhớ, trước đây anh trai và vợ mình từng là bạn thân của nhau, đã có cả một quãng thời gian ấu thơ nhiều gắn bó. Khi đã thành vợ, thành chồng của nhau, chính cô cũng đã không ngại ngần tâm sự, trước đây cũng đã có cảm tình với anh trai của anh nhưng tất cả dừng lại để duy trì một tình bạn đẹp.
Ngày anh Cường được xuất viện trở về nhà cũng là lúc trong đầu Kiên đã dứt ra được khỏi những suy nghĩ ám ảnh khuôn nguôi ấy. Anh là người chủ động nói chuyện với vợ khi cậy nhờ cô “phân vai” ra chia sẻ một phần hạnh phúc với Cường.
Hải bật khóc vì sự cao thượng của chồng mình nhưng cô từ chối vì không muốn bị đẩy vào một tình thế trái với luân thường đạo lý như vậy.
“Nhưng em phải nghĩ đến hai đứa trẻ. Chúng sẽ không chấp nhận ai ngoài em. Và anh cũng biết em vẫn còn tình cảm với bố chúng. Anh cũng biết, anh Cường không muốn tìm một người phụ nữ nào khác bởi thấy trong gia đình mình có em là đủ rồi” – anh Kiên nói những lời thấu đến tận tâm can vợ.
Và không lâu sau đó giữa ba người họ đã có một sự thỏa thuận ngầm. Họ tự động chia sẻ, nhường nhịn hạnh phúc cho nhau dưới một mái nhà. Nhiều người biết chuyện cố bàn tán xem chị hàng đêm phải “chia lịch” ra sao để giữ hòa khí giữa hai người đàn ông.
Thế nhưng chỉ có những người trong cuộc mới hiểu đó không phải là chuyện quan trọng nhất để duy trì hạnh phúc trong một mối quan hệ khá đặc biệt. Hai anh em Cường và Kiên không có gì để ghen tị khi họ cùng phải chịu ơn Hải – người phụ nữ chung của gia đình họ.
Vũ An