Nguyên nhân hôi miệng
Các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng, hơi thở hôi xuất phát từ việc vệ sinh răng miệng kém, thức ăn thừa bám lại trên bề mặt lưỡi, giữa kẽ răng hay túi lợi, sau đó các vi khuẩn có trong miệng sẽ phân hủy những phần thức ăn thừa này tạo ra các chất hóa học có mùi.
Các nhiễm khuẩn trong miệng ví dụ sâu răng, ăn các loại thực phẩm như hành, tỏi hoặc hút thuốc... cũng góp phần gây ra hơi thở có mùi.
Ngoài ra, các bệnh lý khác như nhiễm khuẩn mũi, họng, viêm amidan hốc, viêm xoang mạn tính, viêm phế quản mạn tính, viêm phổi hoặc rối loạn hệ tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày cũng là nguyên nhân gây hơi thở hôi.
Chuyên gia y tế cũng cho rằng, mặc dù có tên là thuốc xịt thơm miệng nhưng thực chất các chế phẩm này chỉ có tác dụng che giấu mùi hôi của hơi thở theo cách “chữa cháy” chứ không trị được nguyên nhân gây hôi miệng (trừ những dạng thuốc xịt có chứa dược phẩm trị liệu chuyên biệt được bác sĩ kê toa).
Thông thường, thuốc xịt thơm miệng được dùng nhiều nhất sau những bữa ăn có chứa gia vị gây mùi hôi như hành, tỏi...
Thuốc xịt thơm miệng thông thường là một hỗn hợp của tinh dầu húng bạc hà (mint) và cồn, rất nhiều chế phẩm còn được cho thêm đường nhằm tạo vị dễ chịu khi tiếp xúc với lưỡi.
Tuy nhiên, đường càng dễ làm thức ăn trở thành nơi “bao che” cho vi khuẩn trong miệng. Chất cồn có trong các thuốc xịt thơm miệng cũng sẽ làm khô miệng, nếu xài liên tục càng làm cho bệnh trạng nghiêm trọng hơn.
Trị hôi miệng đúng cách
BS. Trần Thị Anh Thư (khoa Răng Hàm Mặt, bệnh viện E Trung ương) đưa ra lời khuyên trên tờ Sức khỏe và Đời sống cho rằng, không thể phủ nhận những tác dụng tích cực của nước xịt thơm miệng, đặc biệt trong giao tiếp nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng quá mức vào loại nước này.
Chúng chỉ nên được dùng trong những trường hợp cần giảm mùi nhanh mà không liên quan đến các tình trạng nhiễm khuẩn miệng hoặc các bệnh lý của đường tiêu hóa, ví dụ như sau khi ăn các đồ ăn có mùi, hút thuốc lá, liên quan tới giao tiếp nhiều hoặc các trường hợp hơi thở hôi không rõ nguyên nhân.
“Để cải thiện được mùi hơi thở, tốt nhất vẫn là vệ sinh răng miệng đúng cách: Chải răng 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, sử dụng chỉ tơ nha khoa làm sạch kẽ răng, nước súc miệng để ngăn ngừa mảng bám răng, cạo lưỡi hàng ngày kết hợp với khám răng định kỳ 4-6 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề răng miệng, cũng như điều trị các vấn đề về tiêu hóa...
Đối với trường hợp bắt buộc phải sử dụng nước xịt thơm miệng như hôi miệng không rõ nguyên nhân và liên quan nhiều tới giao tiếp, người dùng cũng cần tìm hiểu rõ về nguồn gốc và thành phần trong các sản phẩm nước xịt miệng. Tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm không cồn và tăng cường uống nước để làm giảm bớt tình trạng khô miệng”, vị bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Còn theo dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường trả lời trên báo Người Lao Động, trong trường hợp bất khả kháng, sau khi ăn những bữa ăn nhiều hành tỏi, bạn có thể ăn một trái ổi hay nhai vài lá ổi rửa sạch; cũng có thể nhai thêm vài lá húng bạc hà, húng lủi hay vài mẩu đinh hương sẽ tốt hơn sử dụng những chế phẩm thuốc xịt thơm miệng.
Bạn cũng có thể tự tay bào chế nước súc miệng từ lá ổi để khử mùi khó chịu của hơi thở theo cách thức đơn giản như sau:
Đun sôi 3 chén nước sau đó giảm lửa, để nước sôi liu riu rồi bỏ vào 10 lá ổi non và tiếp tục để nước sôi liu riu trong khoảng 10 phút, sau đó nhắc nồi ra khỏi bếp, đợi nước nguội hẳn rồi lọc bỏ lá, lấy nước.
Dùng nước này súc miệng vừa loại bỏ được hơi thở “dễ xa nhau”, vừa bảo vệ hàm răng chắc khỏe. Trong trường hợp bị đau cuống họng, bạn cũng có thể dùng nước lá ổi được pha chế theo cách trên để súc miệng.
Trương Chi (tổng hợp)