Thế nhưng, sau khi bị phát hiện, người vợ bị xử lý và cùng khai một kịch bản giống nhau là tự hành động, chồng không biết, không liên quan đến chồng. PV báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với tiến sỹ luật học Lương Văn Tuấn.
Thực chất chồng không biết hay khai thế để chồng thoát tội? Nếu truy đến cùng, người chồng liệu có vô can?
Hành vi giết người, đốt xác; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... đã phạm những tội được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự 1999. Việc, sau khi bị bắt vợ khai tự làm không liên quan đến chồng nếu không có chứng cứ buộc tội người chồng thì cũng không thể quy trách nhiệm cho người chồng được vì trong pháp luật hình sự có một nguyên tắc quan trọng đó là cá thể hoá trách nhiệm hình sự. Vậy nên ai làm thì người đó chịu là đúng luật. Tuy nhiên, trên thực tế những sai phạm trên đây chồng có biết không? Có thể có. Nếu có chứng cứ khẳng định người chồng biết mà dung túng, bao che thì có thể xử lý về tội che dấu tội phạm, nếu cổ vũ hay giúp sức có thể xử tội đồng phạm.
Xử lý người chồng sau khi vợ bị bắt thường là cho nghỉ việc theo chế độ hoặc "dành cửa" để tự làm đơn xin nghỉ, liệu có thoả đáng? Nếu chứng minh người chồng vô tội, vô can, việc họ vẫn làm việc là điều không thể bàn cãi, sao lại "dành cửa" cho họ nghỉ? Có uẩn khúc gì trong chuyện này?
Đây thực chất là một "nguyên tắc xử lý nội bộ" có tính chất "lệ" ở nước ta lâu nay. Điều này cho thấy vi phạm pháp luật có tính hệ thống, nên chẳng may có trường hợp bị khui ra ánh sáng thì người nọ nhìn người kia, bao che lẫn nhau. Vì nếu chứng minh vô can thì trách nhiệm của ai người đó phải chịu, chồng làm chồng chịu, vợ làm vợ chịu, không có chuyện vợ làm rồi buộc chồng từ chức. Việc này dẫn đến tình trạng sai phạm cứ tiếp diễn mãi. Người đi sau nhìn vào cách xử lý của người đi trước để tiếp tục ứng xử "bằng tình người" với nhau để đến mình nhỡ may có bị khui ra thì cũng được áp dụng như vậy. Hành vi này cần phải bị lên án.
Như tiến sỹ nói, người nào vi phạm thì người đó chịu trách nhiệm là đúng nhưng, tư cách là đảng viên, vợ vi phạm pháp luật, bị nhìn nhận sao đây?
Có một thực tế trở thành vấn đề cần được chú ý ở đây là đối với cán bộ, công chức - đảng viên khi có vợ, con vi phạm pháp luật do lợi dụng chức quyền của chồng, cha thì việc vận động từ chức là có. Như trên tôi nói, nó như cái "lệ", để giữ gìn danh dự uy tín của đảng viên vì có nhiều trường hợp không chứng minh được người chồng, cha có liên quan trực tiếp đến vụ án. Tuy nhiên, đảng viên để xảy ra sai phạm trong gia đình mình là điều khó chấp nhận nên vận động từ chức, thôi việc, chuyển công tác là có và đang phổ biến.
Từ trước đến nay có trường hợp nào được xác định vô can và không bị xử lý hay chưa?
Tôi chưa đọc vụ nào kiểu như này, nhưng việc vợ con lợi dụng chức vụ quyền hạn của người thân để làm việc sai trái, trục lợi là có. Tuy nhiên, để xử lý từng đối tượng cụ thể cũng phải có chứng cứ xác thực mới quy tội được.
Cảm ơn tiến sỹ.
Q.C - P.T (thực hiện)