Theo dõi từng biến động của hình thức phạm tội không mới này, các trinh sát Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện ra một đường dây tàng trữ, tiêu thụ, lưu hành tiền giả lớn. Thân của chiếc vòi bạch tuộc này hiện nằm ở nước ngoài.
Tiền giả đổi mồ hôi thật
Không phải người dân nào cũng biết được tiền thật, tiền giả. Nắm được tâm lý đó, các đối tượng trong đường dây tàng trữ, vận chuyển, lưu thông tiền giả ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã móc nối với nhau để lưu hành, tiêu thụ tiền giả. Địa bàn mà chúng nhắm đến là các huyện vùng sâu vùng xa, trung du, nông thôn. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của chúng đã sớm bị các trinh sát An ninh kinh tế Công an Nghệ An phát hiện.
Anh Nguyễn Văn Tình (một nạn nhân) trú tại xã Nghĩa Dũng bức xúc: "Hôm trước, nhà tôi bán đàn lợn cho một thương lái. Cầm trên tay gần chục triệu đồng, cả nhà đều khấp khởi, như trút được nhiều mối lo: Nào là tiền học phí của 2 con, tiền sửa lại cái mái nhà đang dột, chiếc xe máy cũng phải đại tu lại để làm ăn. Ai ngờ, khi tôi cầm tờ 500 nghìn đồng trả tiền sửa xe, người ta không lấy vì bảo đó là tiền giả. Nghe vậy, vợ chồng tôi bủn rủn hết chân tay. Vợ tôi khóc đứng khóc ngồi, cả nhà ủ dột không ai buồn ăn cơm, làm việc...".
Anh Tình chỉ là một trong số hàng chục nạn nhân trên địa bàn Nghệ An. Từ những phản ánh của người dân, chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận nhiều thông tin về việc phát hiện tiền giả lưu thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối tượng Phạm Ngọc Lâm cùng tang vật tại CQĐT.
Phá án từ một mắt xích
Sau khi thu thập thông tin và phân tích các chứng cứ, các chiến sỹ An ninh điều tra thấy nổi cộm lên một đường dây tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tương đối lớn. Những loại tiền được lưu thông chủ yếu có mệnh giá 200 nghìn đồng và 500nghìn đồng, do nước ngoài sản xuất. Đến thời điểm bị phát hiện, ngăn chặn, bọn chúng đã kịp tẩu tán 124,1 triệu đồng tiền giả. Chuyên án mang bí số TG112 đã được xác lập, những trinh sát có kinh nghiệm và nhiệt huyết đã được tung về địa bàn để tham gia tác chiến.
Thời gian đó, Tân Kỳ đang vào mùa mưa. Những cơn mưa lâm thâm làm cho địa hình đồi núi càng trở nên khó đi, dễ trơn trượt. Cái buốt miền núi thấm sâu vào gia thịt của các anh. Nhưng vượt qua những khó khăn đó, các trinh sát vẫn kiên trì ăn rừng nằm rú để bám sát cơ sở, thu thập thông tin về hoạt động của các đối tượng trong đường dây.
Một trinh sát kể lại vì cứ phải dầm dề ngoài mưa rét, có một số trinh sát đã bị ốm, sốt. Tuy nhiên, tất cả đều quyết tâm phải phá bằng được đường dây này, để những người dân lam lũ không còn phải khóc đứng khóc ngồi khi bán những tài sản có giá trị nhưng lại chỉ thu về tiền giả.
Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, các thành viên của đường dây này bắt đầu lộ chân tướng. Các đối tượng vốn có tiền án tiền sự về tội tàng trữ, vận chuyển và lưu hành tiền giả trên địa bàn lọt vào tầm ngắm của các trinh sát.
Một ngày trung tuần tháng 1/2013, Ban chuyên án nhận được thông tin Trần Thị Tuyết (SN 1972, trú tại xã Kỳ Tân) sẽ nhờ Phạm Ngọc Lâm (SN 1958, trú tại xã Nghĩa Dũng) đưa một số lượng tiền giả lớn đến trao đổi cho một số đối tượng trên địa bàn cùng xã với Lâm.
Một kế hoạch bài bản, cụ thể đã được triển khai. Tổ công tác 12 người đã lên đường đến xã Nghĩa Dũng. Từ đây, nhất cử nhất động của Tuyết và Lâm đều không qua được mắt các anh.
Khoảng 11h15' ngày 23/1/2013, Phạm Ngọc Lâm bắt đầu lò dò ra khỏi nhà, hướng thẳng đến một chòi canh lúa thuộc khu vực xã Nghĩa Dũng để trao đổi mua bán tiền giả. Trong khi Lâm đang lúi húi cất giấu hai bọc tiền giả loại 500 nghìn đồng, gồm 190 tờ (tương đương 95 triệu đồng), thì các trinh sát bất ngờ xuất hiện, bắt quả tang cả người cùng tang vật. Khi tra tay vào còng, Lâm vẫn chưa hết bàng hoàng, ngạc nhiên.
Tại CSĐT, Lâm khai nhận, toàn bộ số tiền giả trên là do Trần Thị Tuyết nhờ mang đi trao đổi mua bán với một số đối tượng. Ngay sau đó, lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Thị Tuyết đã được thực thi. Từ những móc xích đầu tiên, cơ quan An ninh đã điều tra mở rộng, bắt thêm đối tượng Trần Thị Thư (SN 1970, trú tại xã Nghĩa Dũng). Khám xét tại nhà riêng của đối tượng này, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ thêm 34 tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng, tương đương 18.600.000 đồng. Ngay sau lời khai của Thư, đối tượng Nguyễn Thị Thanh (SN 1961, trú tại xã Kỳ Sơn) cũng bị bắt giữ và khám xét nhà.
Ngày 8/3/2013, cơ quan An ninh điều tra đã hoàn tất hồ sơ vụ án, đề nghị truy tố các đối tượng về các tội danh trên.
Theo cơ quan An ninh điều tra, toàn bộ số tiền giả được thả ra thị trường đều do nước ngoài sản xuất. Chúng được mang về Việt Nam thông qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Từ đây, bằng nhiều hình thức tinh vi của các đối tượng phạm tội, hành trình của những tờ tiền giả này dừng chân ở Nghệ An. Kết quả giám định cho thấy đây là những tờ tiền được sản xuất rất tinh vi, công nghệ cao, nếu bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Một người nông dân lam lũ ở Nghĩa Dũng - nạn nhân của những tờ tiền giả tâm sự: "Chúng tôi ở đây phần lớn đều làm nông nghiệp, tiền kiếm được mỗi ngày có khi tính bằng nghìn. Quần quật ngoài đồng cả một vụ mùa mới bán được ít thóc, ít gạo. Cầm trên tay tờ 200 nghìn đồng có biết bao dự định phải làm. Thế mà, những con người này nỡ lòng lấy những tờ tiền giả ấy để đổi mua công sức lao động thật của chúng tôi. Cũng may các chiến sĩ công an bắt được bọn chúng, nếu không thì người dân vất vả như chúng tôi còn khổ nhiều". |
Loan Nguyễn