Trong đời thơ mình, Nguyễn Trọng Tạo tự nhận mình là kẻ ham chơi và anh lãng du miên man trên khắp các vùng đất. Nhưng anh cũng là 1 người làm nghề nghiêm túc. Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia hơn là chiếm đoạt, gần với chiến thắng mình hơn là răn người... Hay nói như G.Lorca: Thơ gần với máu hơn là mực”. Mấy suy ngẫm này của anh có lẽ đã chạm tới được cái phần cốt lõi tinh thần của thi ca, cái mà thi sĩ bao đời đã phải “lao tâm khổ tứ” tìm cho mình con đường đi qua vô tận mênh mông bể chữ để vượt lên những khổ đau, trăn trở, khao khát của một kiếp người.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, SN 1947, quê ở Diễn Châu, Nghệ An, tham gia quân đội năm 1969, học trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1, đã in 9 tập thơ với 6 giải thưởng văn học; có thơ dịch sang các tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan. Những thập niên qua, anh nổi danh với tư cách nhà thơ đồng thời nhạc sĩ. Nhạc phẩm “Làng quan họ quê tôi” của anh từng được dàn nhạc Giao hưởng Lepzic trình tấu trong tuần văn hóa Việt Đức. Tác phẩm mới nhất của anh là tập thơ song ngữ (Việt - Anh) “Ký ức mắt đen” và trường ca “Biển mặn”.
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng viện Văn học đã rất có lý khi nhận xét về phẩm chất thi sĩ của Nguyễn Trọng Tạo: “Một ngày kia, cát bụi vùng Hoan Diễn đã sinh tạo một “kẻ ham chơi”. Y cứ lãng đãng trong đời như một khách giang hồ mang trái tim nhạy cảm, một trái tim đầy nhạc với những đốm lửa buồn. Để rồi sau những cuộc say tràn cung mây, khi dòng cảm hứng chợt bùng lên từ những vùng u ẩn nằm sâu trong cõi nhớ, những giai âm ùa về như những luồng điện làm vỡ òa bí mật: Có thương có nhớ có khóc có cười/Có cái chớp mắt đã ngàn năm trôi.
Đây là những câu thơ khép lại một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Tạo: Đồng dao cho người lớn. Cách nói đồng dao cho thấy được ý hướng sáng tạo của Nguyễn Trọng Tạo. Thơ anh là những khúc hát ngân lên từ cõi nhớ của một kẻ nhà quê lưu lạc. Lưu lạc mà vẫn nhớ mình là nhà quê, là phương Đông chính hiệu. Vì thế, nếu có đọc thơ Tây cũng là một cách mở rộng, tham bác để cho cái chất nhà quê vừa gắn với cổ điển, vừa đáp ứng được nhu cầu hiện đại.
Nơi ấy, hồn nằm trong xác và xác ngụ trong hồn. Không còn cách nào khác, tư cách của nhà thơ chỉ có thể đo ướm bằng sự tỏa sáng của chữ. Tại đó, anh ta trình với mọi người cái vân tay vân chữ của mình trên tờ căn cước bằng giấy trắng mực đen. Hay, dở đã thuộc về kẻ khác. Mọi phân trần hay biện hộ của nhà thơ đều trở thành vô nghĩa...
Sự ngạo nghễ và phóng túng trong thi ca đôi khi lại là dấu hiệu của một phẩm chất cá biệt của tài năng, bởi thi tài không mấy khi chịu khép bóng mình trong những khuôn thức cũ kỹ. Trước hết, Nguyễn Trọng Tạo không phải là một người ham phá cách trong thơ nhưng anh luôn có ý thức làm mới thơ ngay ở cả trong những khúc thức cổ điển của các thể thơ năm chữ, bảy chữ và lục bát. Và, bài thơ “Chia” sau đây của anh là một dẫn chứng:
Chia cho em một đời tôi
Một cay đắng một niềm vui một buồn
Tôi còn cái xác không hồn
Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai
Chia cho em một đời say
Một cây si với một cây bồ đề
Tôi còn đâu nữa đam mê
Trời chang chang nắng tôi về héo khô
Chia cho em một đời thơ
Một lênh đênh một dại khờ một tôi
Chỉ còn cỏ mọc bên trời một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm...
Ẩn giấu sau những câu thơ tài hoa nói trên là cả một sự ngạo nghễ đầy thi vị đấy chứ! Nhà thơ đã cố cãi rằng, ngay cả khi anh ta chỉ là một cái xác không hồn (vì đã quá yêu em?) thì anh ta cũng rất còn “hay ho” giống như một cái chai đã hết rượu (vẫn còn vỏ chai) đang chờ đợi được rót đầy bởi một thứ rượu lãng mạn say đắm khác của tình yêu muôn thủa.
Nhưng, không chỉ có tình yêu, bài thơ trên còn chia sẻ một nỗi niềm cay đắng, xa xót của người thơ khi đã vắt kiệt mình cho thi ca và tình yêu, khi cuộc đời khép lại trong hình ảnh một bông hoa nhỏ nhoi vừa rơi đâu đó trong những nẻo mưa đêm mờ mịt. “Chia” là một bài thơ lục bát tinh tế và hàm súc bởi cái chất “thi tại ngôn ngoại”.
Nói về tửu lượng thì Nguyễn Trọng Tạo là một thi sĩ vô địch về khoản này. Anh có thể ngồi uống suốt ngày, thậm chí uống cả đêm. Và, khi rượu say, anh nói chuyện càng trở nên có duyên hơn cả khi tỉnh táo. Lúc ấy, với phẩm chất tài hoa của một thi sĩ “coi đời không là cái đinh gì”, anh thường đọc thơ với giọng cao ngạo lạ thường mà người nghe vẫn thấy thú vị.
Trong số những nhà thơ đi qua chiến tranh, cho đến những ngày cuối đời, Nguyễn Trọng Tạo vẫn viết đều đặn và vẫn đang tự làm mới thơ mình theo cái cách của anh, vẫn trữ tình, tài hoa đến ngạo nghễ, vẫn mướt mải vắt kiệt mình cho yêu thương và không ít khi, anh bỗng trầm hẳn xuống với những tâm sự khá day dứt như trong bài thơ “Nhà văn”:
Thật may, anh là người chưa nhũn não
Ngày lại ngày tự múc óc nuôi mình
ộc ra con chữ
ộc ra tâm can kiến tạo sinh thành
Người đời gọi anh là nhà văn
Anh vẫn gọi anh là bác thợ cày
Cày trên giấy trắng
Những luống chữ đen đen
Anh là chiếc hộp đen tích đầy sự sống lại ghép những mảnh đời thành nhân vật bước ra chân thiện mỹ thấp hèn hay độc ác chẳng là ta mà sao vẫn là ta?
Một thế giới riêng nhà văn mang tới
cho ta yêu cho ta giận cho ta thương
cho ta thấy nhân gian buồn vô tận
những nỗi buồn chấu cắn chẳng buồn hơn
Anh báo động mỗi ngày tình tan rữa
sói thay người thống soái cả trần gian
trong tuyệt vọng anh tin từng con chữ
sẽ cứu rỗi địa cầu dù con chữ mong manh
Bởi anh là nhà văn
anh là người chưa nhũn não…
Điều không ai ngờ, trong bài thơ “Nhà văn” nói trên, dường như Nguyễn Trọng Tạo đã dự báo trước sự ra đi của mình khi chỉ ít năm sau đó, căn bệnh ung thư quái ác đã di căn lên não nhà thơ trong những ngày cuối cùng anh phải chiến đấu quyết liệt với tử thần, với số phận trên giường bệnh.
Trong một ngày buồn, khi cùng các bạn văn tiễn đưa nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về nơi yên nghỉ cuối cùng, tôi đã viết bài thơ dưới đây như một nén tâm hương tưởng nhớ anh:
Giọt cuối cùng anh khóc
Lúc tiễn bạn ra về
Nay bạn bè đến khóc
Tiễn anh ngày ra đi
Anh như còn lắng nghe
Tiếng mưa rơi lần cuối
Lần cuối khúc sông quê
Trong hồn anh mát rượi
Anh như còn bên ta
Suốt mùa thơ trăn trở
Những con chữ xót xa
Với nhân dân nghèo khó
Tiễn anh trong mưa lạnh
Còn tháng nữa Tết rồi
Rượu với thơ buồn bã
Tiễn người về xa xôi
Giờ anh về yên ngủ
Bên dòng sông quê nhà
Nhạc anh còn chan chứa
Ru đôi bờ phù sa
Như đứa con của mẹ
Trở về dưới mái nhà
Quê hương là hơi thở
Ngàn đời chở che ta.
Nguyễn Việt Chiến