Mỹ, Nga và Trung Quốc được coi là những quốc gia mạnh nhất thế giới, khi nói về sức mạnh quân sự, trong đó gần như tất cả đều đồng tình rằng Mỹ ở vị trí số một.
Nga vẫn được đánh giá là có nhiều “mũi tên bạc” có thể so kè ngang hàng với Mỹ, đặc biệt là kho vũ khí hạt nhân khổng lồ với khoảng 1.450 đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, nếu gác lại vũ khí hạt nhân sang một bên, Mỹ có một ưu thế vượt trội về năng lực hải quân và không quân - nhà phân tích quân sự Nga Aleksandr Golts nói với tờ DW.
Trung Quốc, theo Golts, cũng sẽ có lợi thế về một vài mặt nào đó nếu đưa lên bàn cân với Nga.
"Không lực của Nga mạnh hơn Trung Quốc hiện nay", ông nói với DW. "Nhưng năng lực trên biển của Trung Quốc lại rất khó lường. Bắc Kinh đang thực hiện một chương trình đầy tham vọng về sản xuất và đóng tàu. Họ thậm chí còn thành công hơn trong mục tiêu xây dựng đội tàu biển xanh (vươn rộng ra toàn cầu) so với Nga".
Tuy nhiên, Golts lưu ý, mặc dù các thiết giáp hạm Nga đã cũ, nhưng chúng lại được trang bị tên lửa hành trình hiện đại.
Ngoài ra, chuyên gia quân sự này cho rằng việc xếp hạng sức mạnh quân sự của từng quốc gia là điều "ít nhiều vô ích" vì hiệu quả của các lực lượng vũ trang phụ thuộc vào các mục tiêu do các nhà lãnh đạo quốc gia đó đặt ra.
Định hướng
Theo chuyên gia phân tích quân sự Pavel Felgenhauer, kết quả một cuộc xung đột trên thực tế phụ thuộc vào nhiều biến số khác nhau, bao gồm cả vị trí địa lý và những yếu tố liên quan.
"Điều đó cũng giống như dự đoán kết quả trận đấu bóng đá. Về cơ bản, Brazil sẽ đánh bại Mỹ trong bóng đá, nhưng tôi từng chứng kiến người Mỹ đánh bại Brazil tại Nam Phi, tại Confederations Cup", ông nói với DW. "Bạn không bao giờ biết kết quả thế nào cho đến khi cuộc chơi diễn ra”.
Felgenhauer lưu ý, Nga còn đang hạn chế trong nhiều lĩnh vực công nghệ quân sự hiện đại, bao gồm thiết kế và sản xuất máy bay không người lái, linh kiện điện tử, cũng như radar và vệ tinh trinh sát.
Ví dụ, Nga hiện đang sản xuất máy bay trinh thám không người lái theo hợp đồng chuyển giao công nghệ của Israel và còn hạn chế một số tính năng như năng lực tác chiến.
Nga cũng đang nỗ lực để hiện đại hóa các hệ thống trung tâm chỉ huy và điều khiển của mình để phục vụ cho việc xử lý thông tin từ chiến trường và kết nối với các đơn vị.
"Đó là những gì mà quân đội Nga đang muốn hướng đến. Chúng tôi có vũ khí, bao gồm cả vũ khí tầm xa, nhưng khả năng trinh thám của chúng tôi yếu hơn khả năng tấn công", Felgenhauer nói. "Mặc dù có vũ khí dẫn đường chính xác, nhưng chúng tôi không phải lúc nào cũng biết đích đến của nó là gì".
Không có thêm các thành phần vũ khí từ phương Tây
Theo các nhà phân tích, vấn đề này càng trầm trọng thêm kể từ sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014.
Trong những năm trước khi quan hệ với phương Tây giảm xuống mức căng thẳng, Moscow thường chi ít nhất 500 triệu USD để mua sắm các thiết bị được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.
"Đó là các thành phần điện tử cho vũ khí và vệ tinh của Nga, một số loại thủy tinh và thép đặc biệt", Felgenhauer nói. Tuy nhiên giờ đây quan hệ mua sắm thiết bị giữa Nga và phương Tây gần như chấm dứt.
Vũ khí cũ nhưng vẫn tốt từ thời Liên Xô
Đối mặt với lệnh cấm vận của phương Tây, Nga đang nỗ lực để phát triển máy bay không người lái của riêng mình và thu hẹp khoảng cách công nghệ với các quốc gia khác.
Theo các chuyên gia, sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến cho Moscow không chỉ giảm về diện tích lãnh thổ và quân lực mà còn làm biến mất các nhà cung cấp quân sự.
"Liên Xô có một nền kinh tế không thực sự tốt nhưng ít nhất là rất hợp lý ở một khía cạnh nào đó", Aleksandr Golts nói. "Mặc dù không chú tâm vào kinh tế thị trường, nhưng mục tiêu chính của bất kỳ doanh nghiệp nào trên lãnh thổ Liên Xô - dù quân sự hay dân sự là luôn sẵn sàng sản xuất hàng hoá và trang thiết bị phục vụ trong trường hợp chiến tranh. Tuy nhiên hệ thống kinh tế này giờ đây đã biến mất".
Dẫu vậy, di sản của Liên Xô vẫn còn hiện diện trong quân đội Nga hiện đại và mang nhiều ý nghĩa nhất định. Có rất nhiều hệ thống tiên tiến của Nga là sự phát triển từ các hệ thống dù cũ nhưng vẫn còn rất tốt của Liên Xô.
Một trong những loại vũ khí như vậy là chiến đấu cơ Su-25 có lịch sử phát triển kéo dài hàng thập kỷ, được thiết kế để yểm trợ cho lực lượng mặt đất. Nga gần đây đã thông báo rằng phiên bản mới nhất của loại máy bay này đã đi vào sản xuất.
"Nó rất nổi tiếng đối với tất cả những người tham gia chiến tranh ở Afghanistan trong những năm 1980, chẳng hạn như bản thân tôi", Golts nói với DW. "Các nhà thiết kế Nga nhấn mạnh bề ngoài vẫn là Su-25 cũ, nhưng tất cả các hệ thống điện tử bên trong là hoàn toàn hiện đại và nó đã chứng minh hoạt động tốt như thế nào trong cuộc chiến Syria".
20.000 xe tăng?
Ngoài kho vũ khí hạt nhân, có một lực lượng mà Nga có thể tự tin ở vị trí số một. Gần đây, Điện Kremlin thông báo Nga có nhiều xe tăng hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, theo chuyên gia Felgenhauer.
"Dù chưa từng có những tuyên bố chính thức, nhưng tôi đã nhìn thấy con số lên đến 20.000, có nghĩa là Nga có nhiều xe tăng hơn tất cả các nước NATO quy tụ lại", chuyên gia phân tích quân sự này cho biết.
Hầu hết các cường quốc châu Âu đã giảm bớt năng lực tăng thiết giáp sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thay vào đó tập trung vào năng lực ứng phó với khủng bố và các nhóm du kích.
Theo Felgenhauer, điều này đã khiến NATO tự đưa mình vào thế thiệt thòi trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh ở châu Âu.
"Đức chỉ còn lại 300 xe tăng", ông nói. "Nước Anh, tôi nghĩ là 250 và Pháp cũng có một con số gần như thế".
Theo Felgenhauer, trong trường hợp chiến tranh toàn châu Âu, Nga cũng có lợi thế hậu cần hơn so với phương Tây. Nếu NATO cần vài tháng để huy động toàn bộ sức mạnh, Nga luôn có khả năng huy động được quân tiếp viện một cách nhanh chóng.