Không kiểm soát được thì... cấm
Trong bản đề xuất đề ngày 9/4, hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị Tổng cục Đường bộ quy hoạch toàn bộ các tuyến quốc lộ để quy định các điểm đón, trả khách dọc đường tại những địa điểm bảo đảm an toàn (có sự tham gia ý kiến của các sở giao thông vận tải địa phương).
"Việc cắm biển đón, trả khách không những tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có nhu cầu đi lại theo cung đường, gom khách dọc tuyến tại những điểm đón trả khách an toàn, mà còn giúp chủ xe bán thêm vé, tăng thêm doanh số và chống thất thu thuế", lãnh đạo hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh.
Năm 2010, bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư số 14 quy định xe khách chạy tuyến cố định chỉ được đón, trả khách tại bến xe 2 đầu tuyến, không được đón, trả khách dọc đường. Mục đích là hạn chế xe vừa chạy vừa đón khách, gây mất an toàn giao thông và phát sinh bến cóc, bến dù.
Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện phát sinh nhiều bất cập. Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, việc xoá bỏ hầu hết các điểm đón, trả khách dọc đường quốc lộ đã gây khó khăn cho việc đi lại của hành khách. Hành khách lên giữa đường phải đón và vẫy xe rải rác dọc tuyến, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, dừng đón, trả khách nhiều điểm làm ảnh hưởng đến thời gian hành trình của xe. Từ đó, lái xe buộc phải tăng tốc ở những chặng sau để về bến đúng giờ, đó là nguy cơ xảy ra tai nạn do phóng nhanh vượt ẩu.
Mặt khác, doanh nghiệp không được dừng đỗ trả khách tại các tụ điểm dân cư dọc đường, cho nên khách hàng có nhu cầu xuống xe dọc đường, muốn đi xe phải mua vé trả tiền cho toàn tuyến, gây thiệt thòi cho hành khách. Thực tế, lệnh cấm đón trả khác dọc đường không được các doanh nghiệp và nhân dân đồng tình mà chỉ tạo điều kiện cho các tiêu cực được phát sinh như tiền làm luật, xe dù, bến cóc,…
Cho cắm biển đón, trả khách trở lại, bộ GTVT thừa nhận sự "thất bại" của Thông tư 14
Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) là một ví dụ, sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, bến xe Mỹ Đình xuất hiện tình trạng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông vào một số thời điểm trong ngày. Hiện tượng các xe dù, bến cóc hoạt động ngày càng gia tăng mạnh tại khu vực này gây bức xúc cho dư luận xã hội. Tình trạng nhức nhối khiến sở GTVT Hà Nội phải vào cuộc đưa ra đề xuất chuyển một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh ra khỏi bến xe này và tăng cường sự giám sát của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, còn về lâu dài thì nó vẫn là một bài toán khó cho các ban ngành TP. Hà Nội.
Cấm không được lại... buông
Còn nhớ cách đây ba năm, khi quy định cấm đón, trả khách dọc đường được ban hành với lí do đảm bảo tính mạng cho dân đã gây nhiều tranh cãi. Nay, việc đề xuất cho cắm biển trả, đón khách trên một số đoạn đường lại với lí do thuận tiện cho dân. Thực tế việc liên tục thay đổi những quy định này là do quy hoạch thiếu thực tế, thiếu chiều sâu gây ra bất cập. Thế nhưng, không ai dám nhìn thẳng vào sự thực, chỉ đến khi Hiệp hội Vận tải Hà Nội có đề xuất, tất cả mới vỡ òa khẩn trương khắc phục.
Động thái "sửa sai" được ghi nhận, sau một ngày nhận được bản kiến nghị trên, bộ GTVT vội vàng tổ chức hội nghị lấy ý kiến sửa đổi bổ sung Thông tư 14. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nếu không có các điểm dừng dọc tuyến đường mà bắt khách về hai đầu bến, sẽ phát sinh thêm rất nhiều chuyến đi không cần thiết, gây tốn kém thời gian tiền bạc của dân.
Ông Quyền cho biết thêm, quy định về dừng đón, trả khách trên các tuyến vận tải khách cố định cần phải rõ ràng, chính xác, đảm bảo lợi ích và nhu cầu thực tế của người dân. Nếu cấm phương tiện vận tải đón, trả khách dọc đường nhưng người dẫn vẫn vẫy xe và xin nhà xe cho xuống dọc đường thì chắc chắn rằng, xe vẫn dừng đón, trả khách dọc đường. Chính vì vậy, cần xác định cho xe đón trả khách tại số điểm phù hợp với mỗi tuyến và có sự kiểm soát an toàn giao thông.
Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Lê Đình Thọ, cần sớm phải có quy hoạch các điểm dừng đón trả khách xe tuyến, trên các tiêu chí như đảm bảo an toàn giao thông, kết nối tốt với mạng lưới giao thông địa phương, phù hợp thói quen đi lại của người dân địa phương.
"Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có kế hoạch chủ trì phối hợp với các sở GTVT các tỉnh, thành phố để quy định các điểm dừng đón, trả khách trên các tuyến quốc lộ. Sở GTVT các tỉnh sẽ tham mưu đề xuất để UBND cấp tỉnh quy định các điểm dừng đón, trả khách trên các tuyến đường do địa phương quản lý", ông Thọ nói.
Trước bất cập hiện hành, Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu sửa đổi Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách cần phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tự chủ kinh doanh, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp vào tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. "Cơ quan quản lý không quản lý theo kiểu cái gì quản không được thì cấm mà cơ quan quản lý phải làm hết trách nhiệm của mình để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại. Những quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách, quy định nào không phù hợp thì phải sửa đổi", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Việc dừng đỗ đón, trả khách dọc đường, hay tại các trạm đón, trả khách là nhu cầu thực tế giao thông của cả nước. Vì ở nước ta, các khu dân cư vẫn bám theo các trục đường. Hơn nữa, Nhà nước cũng đã lập ra hàng trăm điểm dừng đỗ đón, trả khách dọc đường nên người dân chỉ cần ra các điểm đó là có thể đón xe đi lại. Nay nếu Bộ chỉ cho phép xe bắt khách ở hai đầu điểm đầu và cuối bến là không khả thi. Đặc biệt, ở vùng núi có những người ở cách xa bến hàng chục, hàng trăm cây số, theo quy định mới thì họ phải đi xe máy đến bến là lãng phí, phiền phức. |
Vương Trần