Nga đã để mắt đến nỗ lực đảo chính của Guaido?
Vào sáng sớm ngày 30/4, tại Caracas, lãnh đạo phe đối lập và là tổng thống lâm thời tự xưng của Venezuela, Juan Guaido, tuyên bố rằng quân đội nước này đã từ bỏ Tổng thống hợp pháp Nicolas Maduro và tiến hành kêu gọi lật đổ chính quyền.
Tuy nhiên, thực tế là chỉ có một nhóm nhỏ các nhân viên quân sự của Venezuela với vũ trang tương đối, đi theo tiếng nói của Guaido - những người mà sau đó cũng đã nhanh chóng từ bỏ nhân vật này.
Cuộc đối đầu gay gắt giữa Quốc hội do phe đối lập kiểm soát và chính quyền Maduro đã tiếp diễn kể từ tháng 1/2019. Guaido được Mỹ, cùng với hầu hết các nước Mỹ Latinh, Liên minh châu Âu và một phần người dân Venezuela ủng hộ.
Trong khi đó, Tổng thống Maduro được hỗ trợ bởi Nga, Trung Quốc, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nicaragua, Bolivia, Mexico và đa phần người dân đất nước. Nỗ lực loại bỏ Tổng thống Maduro vào ngày 30/4 đã thất bại vì các nhân viên quân sự vẫn trung thành với chính quyền hợp pháp.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga thuyết phục Tổng thống Maduro ở lại giữ vững quyền lực thay vì chạy trốn sang Cuba. Các quan chức Nga đã giận dữ phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến điều này.
Giữa trưa ngày 30/4, khi các sự kiện kịch tính ở Caracas mới bắt đầu diễn ra Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triệu tập một cuộc họp của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Điện Kremlin tuyên bố rằng Hội đồng Bảo an đã thảo luận về các tình huống ở Triều Tiên và Venezuela, mặc dù không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Washington và phe đối lập Venezuela đã hy vọng thuyết phục được Moscow và Bắc Kinh ngừng việc chống lại sự thay đổi chính quyền ở Caracas.
Họ đề nghị rằng cách tốt nhất để Nga và Trung Quốc bảo đảm các khoản đầu tư đáng kể của mình ở Venezuela là giúp tổ chức một sự chuyển đổi quyền lực một cách êm đẹp.
Sau cuộc nổi dậy thất bại, Chính phủ Mỹ tuyên bố ông Pompeo sẽ sớm nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Vào ngày 1/5, cuộc trò chuyện đã diễn ra, nhưng mọi hy vọng của Washington về việc thuyết phục Moscow ngừng ủng hộ Tổng thống Maduro đã không thành.
Theo một thông cáo ngắn do bộ Ngoại giao Nga ban hành, Ngoại trưởng Lavrov đã chỉ trích người đồng cấp Pompeo, cáo buộc Mỹ ủng hộ một cuộc đảo chính của phe đối lập Venezuela và về sự can thiệp hoàn toàn bất hợp pháp đối với vấn đề nội bộ của quốc gia Mỹ Latinh.
Nga sẵn sàng như thế nào ở Venezuela?
Theo trang phân tích Jamestown Foundation, mặc dù không đưa ra tuyên bố chính thức nào về việc hỗ trợ quân sự ở Venezuela, Nga vẫn đang có sự chuẩn bị cần thiết đối với mọi trường hợp xảy ra.
Vào cuối tháng 3/2019, Moscow đã triển khai một lực lượng khoảng 100 nhân viên quân sự đến Venezuela. Lực lượng này được lãnh đạo bởi tham mưu trưởng Lực lượng mặt đất của Nga, Đại tá Vasily Tonkoshkurov, cựu chiến binh từng tham chiến ở Afghanistan và Chechnya.
Cho đến tháng 5/2018, ông Tonkoshkurov là phó tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga. Trong tuyên bố của mình, Đại sứ quán Nga tại Venezuela cho biết, các nhân viên quân sự của nước này không liên quan đến các vụ đụng độ ở Caracas.
Moscow khẳng định nhóm quân đội Nga ở Venezuela không phải là một lực lượng chiến đấu, mà là một nhóm cố vấn và chuyên gia kỹ thuật giúp đỡ tân trang lại quân đội Venezuela.
Đội ngũ Nga cũng đang hỗ trợ triển khai thiết bị quân sự mà trước đây Nga đã bán cho Venezuela (trị giá hơn 11 tỷ USD), vốn đã bị phủi bụi trong cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội ở quốc gia này.
Đến nay, Nga đã cung cấp cho Venezuela các máy bay chiến đấu Su-30MK2V hiện đại, xe tăng T-72, súng ống hạng nặng, cùng nhiều hệ thống tên lửa và phòng không khác nhau, bao gồm cả hệ thống đánh chặn tầm xa S-300VM (Antey-2500), tên lửa tầm ngắn BuK-M2 và tên lửa chống máy bay S-125 Pechora-2M, cũng như tên lửa tầm xa Smerch. Moscow cũng cung cấp cho Venezuela các tên lửa phòng không vác vai Igla-S hiện đại.
Các nhà phân tích quân sự Nga tin rằng với lượng vũ khí như vậy, các cố vấn và chuyên gia Nga có thể xây dựng một hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa nhiều lớp được tổ chức tốt ở Venezuela, có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với bất kỳ lực lượng nào do Mỹ dẫn đầu muốn can thiệp quân sự để thay đổi chính quyền.
Đại tá Tonkoshkurov và nhóm của ông rõ ràng được gửi đến Venezuela để tổ chức, xây dựng và lãnh đạo một lực lượng phòng thủ đa dạng, toàn diện sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ và đẩy lùi người Mỹ. Điều này có thể giải thích tại sao một vị tướng có kinh nghiệm chiến đấu cấp cao như vậy được cử đi lãnh đạo nhiệm vụ ở Venezuela, tờ RT trong một bài viết hôm 1/5 nhận định.
Moscow dường như đã sẵn sàng tiếp nhận Mỹ và bất kỳ đồng minh nào muốn đối mặt ở Venezuela, coi đây là một phần trong cuộc đối đầu về địa chính trị trên toàn cầu với Washington.
Nga muốn cho thấy bản thân sẵn sàng đương đầu với thách thức và có thể lôi kéo quân đội Mỹ vào cuộc đối đầu quân sự trực tiếp, tờ Moskovsky Komsomolets của Nga đánh giá.