Trong vòng chưa đầy hai ngày, phong trào Hamas đã bắn hơn 1.500 quả rocket nhằm vào Israel từ Dải Gaza.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã đánh chặn hàng trăm quả trong số đó nhờ hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) danh tiếng.
Tuy nhiên, số lượng đầu đạn quy mô lớn đã phơi bày những hạn chế của Vòm Sắt khi chống lại các cuộc tấn công với tần suất liên tục. Đây rõ ràng là chiến thuật được Hamas sử dụng có chủ ý trong đợt bạo lực mới nhất, theo The Drive.
Với nghiệm thu mới nhất từ đợt phóng rocket, đối thủ của Israel sẽ mở rộng kho vũ khí để có thể xuyên thủng “lá chắn vô hình” Iron Dome thành công.
Hạn chế của Vòm Sắt
Các đợt giao tranh hỏa lực vẫn đang diễn ra, khiến các khẩu đội Vòm Sắt của IDF luôn trong tình trạng bận rộn.
Hoạt động của một tổ hợp Vòm Sắt hoàn chỉnh có tính tự động hóa cao ở nhiều thành phần. Mỗi tổ hợp có từ 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị tối đa 20 tên lửa đánh chặn Tamir, tích hợp radar nhận dạng mục tiêu cùng hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến.
Tên lửa đánh chặn Tamir có khả năng cơ động cao, trang bị radar dò tìm chủ động và đường truyền dữ liệu hai chiều giúp cải thiện độ chính xác. Ngòi nổ cận đích khi đến đủ gần mục tiêu sẽ kích hoạt đầu đạn phân mảnh, đánh chặn rocket mà không cần tiếp cận.
Vòm Sắt và tên lửa đánh chặn Tamir chủ yếu được thiết kế cho vai trò chống rocket, pháo và pháo cối. Tuy nhiên, hệ thống này cũng đã chứng minh khả năng tấn công tên lửa hành trình và máy bay không người lái cỡ nhỏ, cũng như máy bay tầm bay thấp.
Tính đến năm 2020, Bộ Quốc phòng Israel cho biết Vòm Sắt đã đánh chặn thành công 85% mục tiêu kể từ khi hệ thống này được triển khai hoạt động lần đầu tiên vào năm 2011.
Nhưng bất kể tỷ lệ thành công gần đây của Vòm Sắt cũng như tổng số lần đánh chặn trong quá khứ cao bao nhiêu, IDF thừa nhận không thể hạ gục tất cả các tên lửa bay tới Israel từ Gaza.
Đã có báo cáo cho thấy hệ thống phòng thủ Israel bị áp đảo bởi khối lượng đầu đạn lớn đến từ các cuộc tấn công gần đây của Hamas.
Cũng có báo cáo cho rằng rocket đang được bắn từ Gaza với quỹ đạo rất thấp, thay vì theo đường đạn đạo góc cao thường thấy. Đây có thể là một cách thức mà đối thủ đang sử dụng để phá vỡ tường chắn của Israel.
Bên cạnh những chiến thuật kết hợp của Hamas, Vòm Sắt cũng phải đối mặt với những hạn chế cơ bản về năng lực và hậu cần khi đối mặt với những đợt nã hỏa lực hàng trăm quả rocket dồn dập trong thời gian ngắn.
Không rõ Israel có tổng cộng bao nhiêu khẩu đội Vòm Sắt đang hoạt động, nhưng nước này từng tuyên bố sẽ trang bị ít nhất 15 hệ thống hoàn chỉnh.
Một khẩu đội Vòm Sắt với 3-4 bệ phóng được nạp sẵn 20 tên lửa đánh chặn sẽ có thể khai hỏa 60 đến 80 tên lửa Tamir cùng một lúc. Với 15 khẩu đội, mỗi khẩu đội có bốn bệ phóng nạp đầy thì tổng số tên lửa đánh chặn hiện có sẽ là 1.200 tên lửa.
Mặc dù các khẩu đội thường sẽ được bố trí hướng bảo vệ đan xen lẫn nhau, nhưng không có khẩu đội nào có khả năng đánh chặn toàn bộ mục tiêu trong khu vực phòng thủ của mình.
Bản thân các bệ phóng được thiết kế để nạp đạn tương đối nhanh, với các tên lửa đánh chặn được nạp sẵn vào các ống phóng, nhưng quá trình này dù nhanh cũng sẽ không diễn ra chớp nhoáng, đặc biệt khi Vòm Sắt trở thành mục tiêu của rocket.
Vì vậy, không khó để thấy các cuộc tấn công liên tục với cường độ lớn ở một khu vực cụ thể có thể áp đảo thế trận phòng bị của Vòm Sắt.
Ngoài ra còn có vấn đề về sự chênh lệch chi phí trong trường hợp các cuộc tấn công áp đảo như vậy vẫn tiếp diễn. Theo các báo cáo trước đó, Tamir có giá khoảng từ 40.000 đến 100.000 USD.
Dù có giá cả hợp lý hơn các tên lửa phòng không hiện đại, nhưng nếu Israel đã bắn hơn 200 tên lửa trong vài ngày qua, thì nước này cũng đã tiêu tốn 8 triệu USD. Theo tính toán tương tự, 1.000 lần đánh chặn thành công đồng nghĩa với việc Israel bắn đi số tên lửa tổng cộng 40 triệu USD.
Trong cuộc xung đột gần nhất giữa Israel với các lực lượng ở Dải Gaza vào năm 2014, Israel đã nhận được khoản viện trợ khẩn cấp khoảng 225 triệu USD từ Mỹ, chủ yếu để tăng cường kho dự trữ Tamir. Cuộc xung đột đó kéo dài khoảng 7 tuần, trong đó phía lực lượng từ Palestine đã bắn ít nhất 4.564 quả rocket và đạn cối.
Mặc dù không rõ chi phí chính xác của loạt đạn Hamas bắn vào Israel, nhưng chúng đều là vũ khí không dẫn đường và chắc chắn sẽ rẻ hơn tên lửa đánh chặn Tamir. Một số nguồn trước đây cho biết rocket Qassam đời cũ của Hamas có giá chỉ từ 500-600 USD.
Tất nhiên, có những chi phí khác cần tính đến, bởi mỗi tên lửa từ Vòm Sắt đánh chặn thành công sẽ ngăn chặn nguy cơ thiệt hại về nhân mạng và tài sản trong lãnh thổ Israel. Cho đến nay, đây vẫn là hệ thống tiết kiệm và hiệu quả cao.
Vượt dự tính của Israel
Giới chuyên gia cho rằng, không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào là hoàn hảo. Bởi vậy, hệ thống đánh chặn tên lửa phải đi đôi với các kế hoạch tấn công chiến thuật.
“Bạn không thể tiến hành một cuộc chiến tranh chỉ bằng các biện pháp phòng thủ”, Danny Orbach, chuyên gia quân sự từ Đại học Hebrew ở Jerusalem, nói với The Media Line.
“Vòm Sắt không bao giờ có hiệu quả 100%. Rõ ràng ngay từ đầu nó sẽ chỉ chặn được một lượng phần trăm nhất định rocket”, ông nói. "Lượng ấy có thể cao nhưng không bao giờ là 100%”.
Theo Jerusalem Post, trong xung đột năm 2014, Hamas đã bắn gần 4.000 quả rocket, nhưng số lượng đó được dàn trải trong 50 ngày. Tần suất bắn ra nhiều nhất thường là vài chục quả rocket, rải rác theo từng thời điểm trong ngày. Nhưng trong cuộc tấn công mới nhất, Hamas dường như đã bắn hơn 100 quả rocket trong vòng có vài phút.
Nếu những ước tính của tình báo Israel chính xác thì Hamas có thể đã sử dụng hết một lượng lớn kho vũ khí của mình. Nhưng nếu Hamas có nhiều tên lửa tầm xa hơn thì đó sẽ là mối lo ngại đối với kế hoạch bảo vệ của Israel.
Các nhà hoạch định chính sách và chiến lược quân sự của Israel sẽ cần phải chú trọng đến điều này để tính toán thời gian cầm cự cũng như cân nhắc leo thang nhanh nhằm giảm hỏa lực của Hamas.