Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/3022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, trong đó bổ sung một số quy định về nhập khẩu phim.
Cụ thể, Nghị định bổ sung khoản 3 Điều 8 thẩm quyền cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm như sau: Cơ quan cấp phép nhập khẩu phim thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.
Về thủ tục cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 9 như sau: Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm cung cấp văn hóa phẩm nhập khẩu và tờ khai hải quan (bản sao không cần chứng thực) để cơ quan cấp giấy phép giám định.
Đối với văn hóa phẩm nhập khẩu là phim: Tổ chức có trách nhiệm cung cấp bản phim đã nhập khẩu và tờ khai hải quan trong vòng 30 ngày kể từ khi có giấy phép nhập khẩu để giám định.
Cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu có biên bản giám định và bàn giao phim căn cứ trên hồ sơ và tóm tắt nội dung phim.
Nghị định cũng bổ sung quy định: Cá nhân nhập khẩu phim chỉ để sử dụng cho mục đích cá nhân cam kết không vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh và sử dụng phim đúng với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm như sau: Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy phép.
Đối với văn hóa phẩm là phim, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy phép.
Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 10: Thời gian giám định văn hóa phẩm nhập khẩu tối đa không quá 12 ngày làm việc. Đối với văn hóa phẩm là phim, thời gian giám định phim không quá 12 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức cung cấp bản phim.
Nghị định số 22/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/5/2022.
Chia sẻ với Người Đưa Tin về quy định mới này, đạo diễn Quang Minh cho hay: "Với những ồn ào về một số phim điện ảnh thời gian qua vi phạm những "vùng cấm", thì tôi cho rằng quy định mới này là rất tốt. Nó sẽ như một cái "vòng kim cô" để xiết chặt nội dung phim nhập khẩu hơn. Làm phim, chiếu phim ở nước ta thì phải tuân thủ theo những quy định của Luật điện ảnh, và sắp tới là Luật điện ảnh sửa đổi. Phim phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Ngay bản thân những người làm phim như tôi, khi bắt đầu tiếp cận kịch bản, tôi cũng phải lựa xem cái nào phù hợp, cái nào không để quyết định bỏ hay giữ những chi tiết trong phim. Vì phim là công sức của cả tập thể, nếu không làm vậy khi hoàn thành mà bị "tuýt còi" thì rất đáng tiếc. Còn phim nhập khẩu thì phải càng kỹ hơn, Hội đồng duyệt phim cần phải kiểm duyệt cụ thể để tránh mắc những sai sót như phim: Uncharted - Thợ săn cổ vật, Everest: Người tuyết bé nhỏ... bị cấm thời gian qua".
Nhà biên kịch Diệu Hương thì thẳng thắn: "Quy định đó là đúng và kịp thời bởi có quy định này, các nhà sản xuất phim, nhập khẩu phim sẽ biết mà quyết định nên nhập khẩu phim nào, phim nào không? Phim nhập từ nước ngoài thì ta không thể kiểm định được kịch bản vì phim được sản xuất, hoàn thiện bởi các nhà làm phim nước ngoài, nhưng có quy định trên cũng là một cách "hậu kiểm" để tránh xảy ra sai sót.
Cùng với quy định này, tôi mong rằng, Luật điện ảnh sửa đổi sắp tới sẽ có những hướng dẫn chi tiết để các nhà làm phim, nhập khẩu phim đi đúng hướng, đúng chủ trương, văn hoá của Việt Nam".