"Bắt" nợ, sinh lời
Trong thị trường buôn bán nhà cho thuê, lời lãi tỉ lệ thuận với quy mô, số lượng của những căn hộ, ông chủ nào càng quản lý nhiều thì lời càng nhiều. Có ông chủ mỗi tháng kiếm tiền tỷ từ quy mô hàng ngàn căn hộ.
Trong khi đó độ rủi ro cũng ít hơn việc buôn bán các phân khúc khác của thị trường bất động sản. Chính vì vậy, những ông chủ này sẽ tìm đủ mọi cách để mở rộng quy mô. Quy mô càng lớn thì số vốn bỏ ra càng nhiều. Để có tiền đầu tư, nhiều ông chủ đã tính đến việc quay vòng vốn sao cho có hiệu quả nhất.
Ông Trần Minh, một ông chủ trong giới buôn nhà cho thuê tại Hà Nội cho hay: "Lúc đầu tôi dồn hết vốn trong nhà cũng chỉ đủ thuê 4 tòa nhà, mỗi tòa có khoảng 20 căn. Tuy nhiên, đây là những căn hộ chung cư nên giá cả hơi đắt đỏ. Thấy cách thức kinh doanh theo kiểu "gối vốn" hiệu quả, tôi thuê những căn hộ cách nhau khoảng 6 tháng, 3 tháng, 1 tháng. Sau này nhiều vốn, tôi thuê những tòa nhà cách nhau khoảng 1 tuần. Thuê kiểu này sẽ tận dụng triệt để số lượng vốn sinh lời.
Trong mỗi lần thuê, tôi chỉ trả 1 nửa số tiền đặt cọc, vì lý do chờ dẫn đủ khách sẽ hoàn tất thanh toán. Do đó, tôi có thể kéo dài việc thanh toán trả tiền cho ông chủ nhà trong khoảng 1 tuần. Với số tiền còn nợ đó, tôi đem đi thuê những căn hộ tiếp theo. Đến khi thu được tiền của khách đặt cọc thì mới hoàn trả cho ông chủ nhà đã ký trước. Người ta gọi kiểu quay vòng này là lấy nợ, sinh lời".
Cũng theo ông Minh: "Vì món lời do nhà cho thuê quá hấp dẫn nên những ông chủ liều lĩnh đứng ra vay ngân hàng, không những mang tài sản do mình đứng tên đi cầm cố, nhiều người còn lấy cả sổ đỏ nhà cửa của bố mẹ, ông bà đi cầm cố lấy vốn đầu tư. Khi không còn gì để cầm nữa thì họ lại "vay nóng", vay nặng lãi với lãi suất cao. Nếu tìm được nhà thuê và làm ăn có lãi thì sẽ nhanh chóng trả được nợ".
Những chiêu bài rao ảo để ký hợp đồng thật (Ảnh nhỏ minh họa).
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, một số ông chủ ít vốn còn liều lĩnh chơi "hụi" để có nhiều vốn đầu tư. Có những ông chủ cần số lượng vốn lớn nên đã rủ anh em, bạn bè "hùn" vốn và hứa sẽ trả với lãi suất cao ngất ngưởng.
Theo sự phân tích của giới kinh doanh thị trường này thì dù lãi suất lên đến 20%, 30%, thậm chí 40%, họ cũng dám vay. Nếu như may mắn, chỉ cần vài "cú" xoay vòng vốn là có tiền trả nợ và có tiền để đầu tư tiếp. Tuy nhiên, việc làm ăn kiểu này cần sự liều lĩnh và quyết đoán. Theo như phân tích của họ, lãi suất nợ sẽ không thể cao bằng lãi suất do số tiền nợ sinh ra. Vì vậy, có nhiều ông chủ nhất định chưa chịu trả tiền vay cho con nợ mà dùng tiền đó "ốp" tiếp vào những hợp đồng khác.
Mỗi tháng, họ chỉ cần trả tiền lãi, nếu không bị con nợ đòi, "cánh" này cũng mặc kệ "lãi mẹ đẻ lãi con" mà dồn hết vốn liếng vào những hợp đồng khác. Thực tế, một số người có đầu óc kinh doanh, biết chớp thời cơ thì "phất" lên nhanh chóng. Tuy nhiên, có những ông chủ không đủ nhạy bén trước thời cuộc, không đủ sức mạnh để cạnh tranh với những ông chủ lớn của thị trường này nên đã thất bại nặng nề.
Cuộc chiến khốc liệt giữa các "ông trùm"
Thị trường càng hấp dẫn thì càng nhiều người tham gia kinh doanh. Giữa các ông chủ kinh doanh lĩnh vực nhà cho thuê cũng diễn ra những cuộc đấu tranh, giành giật lãnh địa làm ăn rất quyết liệt. Ngoài những ông chủ đứng ra thuê hợp đồng nhà cho thuê thì họ còn một đội ngũ chuyên "lướt sóng", kiếm lợi nhuận nhờ chênh lệch khi bán nhà cho thuê trao tay.
"Cánh" này chuyên săn những hợp đồng cho thuê rồi ký thuê, sau đó họ lại rao bán hợp đồng đó cho những đối tượng khác với giá cao hơn để kiếm lời. Có ông chủ sẽ đầu tư thêm tiền của, công sức để chỉnh sửa, trang trí, bày biện lại căn phòng để bán với giá cao hơn. Đối với những đối tượng chuyên "lướt sóng" này thì nếu rao bán được giá là họ bán rồi đầu tư, "lướt sóng" sang những căn hộ tiếp theo.
Vỡ nợ vì buôn nhà cho thuê
Vì lợi nhuận, nhiều ông chủ sử dụng kế sách "lật kèo" trắng trợn. Ông Phạm Quốc Toại (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có thâm niên lâu năm trong nghề "lướt sóng" nhà cho thuê nên rất am hiểu những mánh khóe buôn gian, bán lận của những tên "ma cô" trong thị trường này. Ông nói, "nếu những người làm ăn mà không "tỉnh", rất dễ "sập bẫy".
Có những tên gian trá, dùng một căn nhà bán cho 2 đến 3 người cùng một lúc để kiếm lời. Vẫn hợp đồng đã soạn sẵn hoặc do hai bên soạn theo sự thỏa thuận giữa hai bên, khi ký hợp đồng thì hắn lại dùng loại bút đặc biệt để ký. Sau khi "tiền trao cháo múc", tên này sẽ chuồn mất tăm. Chỉ chốc lát sau, chữ ký sẽ tự nhiên biến mất. Thế là bị lật kèo 180o, số tiền đặt cọc mất trắng.
Anh Nguyễn Văn Linh, 30 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội là người "có máu" làm ăn lớn. Sau nhiều năm kinh doanh, buôn bán thực phẩm ở chợ thực phẩm, anh đã tích được số lượng vốn kha khá. Thấy người khác kiếm lợi nhuận dễ dàng từ nghề buôn nhà cho thuê nên anh cũng quyết định sẽ làm giàu bằng nghề này. Với số tiền có được, anh ký được một dãy nhà cho thuê trên địa bàn Hà Đông. Mỗi tháng anh thu lãi 20 triệu đồng. Vậy là anh quyết định cầm cố, vay mượn anh em, họ hàng, thậm chí mang sổ đỏ đi "cắm" để lấy tiền mở rộng quy mô, số lượng.
Anh nhận được một lời quảng cáo hấp dẫn về hợp đồng cho thuê những tòa nhà hàng mấy chục tầng, khi đi khảo sát, anh ưng ý. Anh trao tiền và quyết định ký hợp đồng với ông chủ này. Thế nhưng khi về đến nhà, anh mở hợp đồng ra xem thì bỗng té ngửa vì không thấy chữ ký của ông chủ kia đâu. Anh Linh liên lạc lại thì đã bị người ta trở mặt. Hắn ta kiên quyết không nhận là mình đã ký hợp đồng, trong khi đó anh Linh cũng không có bằng chứng nào làm sáng tỏ sự việc. Anh bị cú lừa cay đắng trong vụ làm ăn tiền tỷ đó. Sau vụ này, anh đã thành chủ nợ lớn nhưng vẫn phải bán nhà để trả nợ.
Ngoài việc lừa trắng trợn thì những kẻ trong cuộc còn tìm đủ cách để loại đối thủ ra khỏi cuộc chơi: "Đó là việc "thổi" giá căn hộ lên chót vót. Đối với những ông chủ nhiều vốn thì việc giữ yên giá trị trong khoảng vài tháng thì họ cũng không hề hấn gì.
Tuy nhiên, những kẻ ít vốn, lại là vốn đi vay, đi mượn với lãi suất cao thì chỉ trong vòng một tháng là chìm trong nợ nần, ắt sẽ tự loại khỏi cuộc chơi. Khi đó những ông chủ lớn sẽ lại hạ giá nhà cho thuê xuống. Để thao túng thị trường, những ông chủ giàu "kếch xù" này thường hội nhóm, kết hợp lại để chia nhau, "xẻ" lợi nhuận hấp dẫn", một ông chủ buôn trong lĩnh vực này tiết lộ.
Đối với những ông chủ làm ăn kiểu lừa lọc, ngoài vòng pháp luật này thì họ có thế mạnh là tiền và "quyền lực đen". Để phòng và chống lại những chiêu trò lật lọng, lật kèo, phá hợp đồng như họ đã từng làm với nhiều người nên họ phải chuẩn bị phương án đề phòng là sẽ xử theo "luật rừng" trước. Một số ông chủ có quan hệ mật thiết với "xã hội đen" chuyên đòi nợ, đâm thuê, chém mướn.
"Việc lừa lọc ở thị trường này thì không hy vọng sự giúp đỡ của chính quyền nếu như không có bằng chứng cụ thể. Vì vậy, cứ "luật rừng" mà xử. Quyền lực, sức mạnh sẽ đứng về kẻ lắm tiền, còn người ít tiền kiểu gì cũng bị thua", một ông chủ phát ngôn xanh rờn.
Vỡ nợ vì buôn nhà cho thuê Hệ quả tất yếu của những cuộc cạnh tranh này là những kẻ yếu, không đủ tinh quái để chống chọi lại "quyền lực đen" từ xã hội đen tất yếu sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Thông thường những kẻ yếu thường phải vay với lãi suất cao nhưng khi làm ăn thua lỗ thì nợ sẽ càng tăng lên, lãi mẹ đẻ lãi con, không có khả năng trả nợ. Nhiều người đã tán gia, bại sản. |
Hoàng Thế Tào