Tạm hoãn chứ không ngừng hẳn
Con số người chết và bị thương tại Ai Cập sau các cuộc đụng độ giữa tổ chức Anh em Hồi giáo và lực lượng an ninh đã lên đến hàng nghìn. Để ủng hộ cho phong trào Anh em Hồi giáo, nhà tù Abou Zaabal ở Qalyubiya, cách Thủ đô Cairo 6km về phía Bắc cũng xảy ra một cuộc bạo loạn, khiến 36 thành viên Anh em Hồi giáo bị thiệt mạng. Lực lượng an ninh Ai Cập cho hay, một vụ đọ súng đã diễn ra giữa lực lượng an ninh và các phần tử vũ trang tấn công đoàn xe cảnh sát đang chở các tù nhân đến nhà tù. Vụ đụng độ xảy ra ngay trước khi đoàn xe tiến vào nhà tù này.
Khi xảy ra đọ súng, các tù nhân đã tìm cách trốn thoát khiến lực lượng an ninh phải bắn đạn hơi cay. Tuy nhiên, một số tù nhân đã bị chết ngạt trong khi nhiều tay súng cũng bị bắn chết. Đề cập đến việc 36 người chết, bộ Nội vụ Ai Cập không xác nhận con số chính xác tù nhân thiệt mạng, đại diện Bộ này chỉ tuyên bố rằng, một số tù nhân đã mất mạng sau khi tìm cách vượt ngục.
Nhằm ngăn chặn các cuộc tuần hành quy mô lớn có thể diễn ra, Chính phủ lâm thời Ai Cập đã tăng cường an ninh tại các điểm trọng yếu của Thủ đô Cairo. Xe tăng và xe bọc thép được triển khai dày đặc trước trụ sở Tòa án Hiến pháp Tối cao và bảo tàng. Các cuộc đụng độ này đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ đẩy đất nước Kim tự tháp vào một cuộc nội chiến khi những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi - Tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập tuyên bố, họ sẽ tiếp tục biểu tình bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm được ban bố trong vòng một tháng.
Biểu tình tại Ai Cập sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.
Dấu hỏi cho tương lai thanh niên Ai Cập
Đối với phần lớn người dân Ai Cập, khi lệnh giới nghiêm và lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố, họ hy vọng căng thẳng tại Ai Cập sẽ được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, đa số người dân quốc gia này cũng nghĩ, đây chỉ là những yên tĩnh tạm thời, tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ vẫn có những động thái đáng kể cho đến khi ông Morsi được đưa trở lại để nắm chính quyền.
Hai năm trước, đất nước Ai Cập tràn ngập sự vui mừng, người dân Ai Cập như bước vào một giai đoạn khởi đầu mới với giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, hai năm sau, bầu trời hy vọng đó đã bị sụp đổ, bao trùm bởi sự bế tắc chính trị, những xung đột, chia rẽ phe phái. Và thêm vào đó là những khó khăn của nền kinh tế trì trệ. Sau hai năm, bức tranh đẹp về tương lai Ai Cập của người dân chỉ còn là hình ảnh những cuộc biểu tình bạo lực và đẫm máu.
Các cuộc nổi dậy thường xuyên diễn ra tại Ai Cập không mang lại điều gì tốt đẹp, trái lại, nó còn kéo theo sự thất vọng và bất bình của cả một thế hệ thanh niên mới mà theo thống kê, khoảng 60% dân số của toàn bộ khu vực Trung Đông ở độ tuổi dưới 30. Sự đối đầu không nhượng bộ giữa Chính phủ được quân đội hậu thuẫn và tổ chức Anh em Hồi giáo được cho là báo hiệu về một vòng xoáy bạo lực không điểm dừng và tương lai thanh niên Ai Cập cũng khó có được một tia sáng.
Các nhà bình luận đều cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là tất cả các bên tại Ai Cập cần phải hợp tác với cùng một mục tiêu vì một xã hội hòa bình và tốt đẹp. Tuy nhiên, vào thời điểm này, điều đó chưa xảy ra còn những mâu thuẫn vẫn đang bùng phát thành những vụ bạo lực trên các đường phố. Và, đó chính là bi kịch sau cuộc "Cách mạng năm 2011".
Cách mạng Ai Cập năm 2011 - Lật đổ ông Mubarak
Cách mạng Ai Cập năm 2011 là một loạt các cuộc biểu tình và phản đối ngoài đường phố và các hành vi bất tuân dân sự đã diễn ra. Ngày 11/2/2011, Tổng thống Hosni Mubarak buộc phải từ chức và chuyển quyền cho Hội đồng Quân lực Cao cấp vì các cuộc biểu tình nhất định. Cuộc cách mạng này được đánh giá là lớn hơn bất kỳ một cuộc biểu tình nào tại Ai Cập trước đây.
An Mai (Theo ABC News/AP/CNN)