Tội ác được... báo trước
Cũng theo ông Quân, trong nhiều cuộc bàn thảo, các chuyên gia tâm lý, nhà nghiên cứu xã hội học đã đưa ra các lý giải cho loại tội phạm kiểu này. Một người bình thường, chưa hề có tiền án tiền sự, vốn được coi là hiền lành, nhẫn nhịn, chẳng va chạm với ai bao giờ bỗng phạm tội ác tày đình, cướp đi sinh mạng của người khác.
Các loại phim ảnh, ấn phẩm, trò chơi bạo lực được coi như tác nhân gây hại tiếp cận quá dễ dàng tác động đến họ. Trong khi đó, giáo dục lối sống, giáo dục pháp luật và ý thức công dân bị buông lỏng. Sự tha hóa về đạo đức ở đâu đó đã và đang diễn ra công khai, gây tác động xấu về nhận thức. Tuy nhiên, với những nguyên nhân này, ai cũng có thể thấy, ai cũng có thể chỉ ra được, chỉ có điều không ai hành động để thay đổi và cũng chẳng ai chịu trách nhiệm, trừ những người trực tiếp liên đới vụ việc!?
Những nguyên nhân ấy, giờ đã trở nên cố hữu, được nhắc đến nhiều. Một tiến sỹ tâm lý từng bàn rằng, nguyên nhân xã hội đối với những trường hợp phạm tội kiểu này đương nhiên là có. Bởi, con người là thành tố của xã hội, con người chịu chi phối trong đó và tác động ngược lại. Như một cơ thể, ung nhọt từ chính cơ thể ấy sinh ra, nói cách khác là do chính cơ thể ấy nuôi dưỡng và rồi nó lại ảnh hưởng, gây đau đớn lại cho cơ thể ấy.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mạnh Quân.
Nhìn nhận vấn đề thì đúng là như vậy. Nhưng cũng như kết quả của nó, những lý giải kiểu này thường khiến người ta cảm thấy dễ chịu với vụ việc nhưng lại không thực sự có thể đi đến tận cùng của sự việc. Bởi lẽ, cái nguyên nhân xã hội ấy có thể hiểu là những gì xung quanh tác động đến một con người cụ thể nhưng nếu đứng trên bình diện khác để quan sát thì cái nguyên nhân ấy thực ra lại chẳng phải của ai cả và như thế cũng có nghĩa rằng cũng chẳng - là - ai - cả!
Nhiều người sẽ thắc mắc, vậy thì cái gì đã khiến cho một thanh niên trong một lúc nhẫn tâm có thể giết cả bạn gái rồi vứt xác, chặt xác phi tang? Hay một bác sỹ có đầy đủ nhận thức, được học hành đủ đầy, được mọi người trong cơ quan yêu mến lại đang tâm thủ tiêu xác bệnh nhân vì tai nạn nghề nghiệp?
Theo nhà tâm lý Nguyễn Mạnh Quân, quy về hoạt động sinh học của bộ não. Những hành vi được coi là bột phát ấy thực ra là cả một quá trình diễn biến trong bán cầu đại não dưới sự tác động của một loại hormon có tên là cortisol. Theo ông Quân, bằng cách lý giải này, người ta có thể hiểu được tại sao những trường hợp giết người hoàn toàn bột phát, mù quáng như con giết cha, anh giết em, chồng giết vợ một cách man rợ rồi sau đó, chính đương sự khi tỉnh lại, lại ngồi khóc hu hu hoặc hối hận vô cùng chỉ muốn tìm đến cái chết để giải thoát.
Khái niệm "vòng xoáy hình trôn ốc"
Cũng theo nhà tâm lý Nguyễn Mạnh Quân, cortisol được sản sinh ra mỗi khi con người ta cảm thấy bị stress. Stress được giải tỏa thì cortisol cũng sẽ được cơ thể bài tiết. Stress không được giải tỏa thì cortisol tích tụ ngày càng nhiều. Một hình họa xoáy trôn ốc hướng tâm mô tả cụ thể cơ chế tác động của cortisol. Với tác động cơ bản đã nói ở trên, cortisol ngăn cản một cách nhiệt tình bán cầu đại não tiếp nhận thông tin mới.
Khởi điểm là vòng ngoài của vòng xoáy trôn ốc, và đỉnh điểm của stress là điểm cuối cùng trong vòng xoáy ấy. Đến thời điểm ấy, cortisol tràn ngập vỏ não, đương sự gần như mất kiểm soát, không thể tiếp nhận bất cứ thông tin nào khác từ bên ngoài, kể cả tiêu cực lẫn tích cực. Tất nhiên, như đã nói, vòng xoáy trôn ốc của mỗi người là khác nhau. Bởi thế, không phải ai lên đến đỉnh điểm của stress cũng phải đi giết người!
Nhưng điều này lý giải khá rõ ràng rằng, một khi cơn nóng giận lên, người ta không còn muốn nghe ai nói, tiếp nhận thông tin nữa, cho dù, đó có là lời khuyên nhủ hay đe dọa. Bởi vậy, theo lời bàn của chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân, thì cách hiệu quả nhất để xử lý stress - cơn nóng giận - đó là những người có liên quan tốt nhất là không nên nói gì cho đến khi cơn giận nguôi đi, cortisol đã tan bớt đi thì não bộ lúc ấy mới có thể tiếp nhận thông tin được.
Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp chồng giết vợ, vợ giết chồng đều do mâu thuẫn nung nấu, mâu thuẫn từ nhỏ thành to. Trừ các trường hợp tội phạm chuyên nghiệp không bàn đến tâm lý trong chuyên đề này hoặc người bị tâm thần gây án, thì hầu hết các vụ thảm án đều mang yếu tố dồn nén này và đây cũng là một yếu tố đáng để xem xét nếu muốn nhìn sự việc trên góc độ diễn tiến tâm lý tội phạm.
Bàn về phương pháp giải quyết, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Mạnh Quân, đưa ra biểu đồ diễn tiến tâm lý ức chế của cortisol xoáy theo hình trôn ốc như thế để thấy, việc cần làm là phải ngăn không cho vòng xoáy ấy đi đến điểm cùng cực của nó ở tâm đường xoáy. Điều này đòi hỏi một sự quan tâm đúng mực từ phía người thân xung quanh đối tượng phạm tội. Quan tâm không chỉ đơn giản là biết việc, mà phải có những phương pháp giải tỏa bức xúc tâm lý hiệu quả và quan trọng nhất là phải có cái nhìn thiện cảm với người đang "có vấn đề".
Trần Quyết