Ngày 22/5, liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), tổ chức hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng quần thể Voọc chà vá chân nâu và giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.
Ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu GreenViet cho biết, 3 tháng đầu năm 2017, trung tâm đã khảo sát, đếm cá thể Voọc chà vá chân nâu cũng như tính toán khu vực phân bố của loài này tại bán đảo Sơn Trà. Bằng phương pháp lấy mẫu khoảng cách phân tuyến, kết quả cho thấy, có 1.335 cá thể Voọc với khoảng 237 đàn. Với thống kê này, số lượng Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà tăng từ 4 đến 5 lần đối với nghiên cứu được thực hiện vào năm 2008 và 2010.
Ông Tuấn cho rằng, sở dĩ có sự chênh lệch này vì những nghiên cứu trước đây chỉ khảo sát ở phần diện tích nhỏ, không phải toàn bán đảo. Theo khảo sát mới, Voọc chủ yếu phân bố ở phía Bắc bán đảo Sơn Trà. Kết quả này trùng với nghiên cứu của GreenViet trong 5 năm qua. Từ những dẫn chứng đưa ra, ông Tuấn cho rằng, bán đảo Sơn Trà đang có số lượng Voọc chà vá chân nâu sống nhiều nhất thế giới.
Khi so sánh quy hoạch Sơn Trà hiện nay với bản đồ phân bố Voọc, diện tích vùng sống của Voọc có nguy cơ bị xâm hại rất nhiều. Theo ông Tuấn, để bảo vệ Sơn Trà và Voọc chà vá chân nâu, cần tăng cường sự giám sát hoạt động của du khách tại các trạm gác ra vào bán đảo Sơn Trà.
Đồng thời, cần giám sát và ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt, phá rừng làm mất môi trường sống của Voọc chà vá, tại các khu vực quy hoạch dự án phát triển. Lắp các biển hiệu cảnh báo tại các điểm có Voọc đi qua đường và giám sát việc tự do đi lại trên các tuyến đường có nhiều Voọc chà vá chân nâu phân bố. Ngoài ra, cần giáo dục nâng cao nhận thức cho du khách trong việc ứng xử với động vật hoang dã, trên bán đảo Sơn Trà như không cho động vật ăn, không vứt rác bừa bãi…
Huy Cường - Nhâm Thân