Do không được chụp ảnh, quay phim lúc vợ mình mổ đẻ, chồng sản phụ đã có những lời lăng mạ, xúc phạm bác sĩ và sau đó gọi nhiều người tới bệnh viện hành hung 2 bác sĩ trong ê-kíp giúp vợ con mình “mẹ tròn con vuông”.
Sự việc xảy ra vừa qua tại Yên Bái khiến dư luận vô cùng bức xúc. Bởi những cán bộ y tế trong kíp mổ hôm ấy đã rất tận tâm, tận tụy để ca mổ đẻ được thành công như ý muốn. Nhưng sự biết ơn lại chuyển hóa thành bạo lực do những giây phút nóng giận, mất kiểm soát của người làm bố. Người hành hung sau đó đã "lặn mất tăm" khiến Công an Yên Bái phải truy tìm, nhưng trốn sao được mãi, lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.
Giận người nhà bệnh nhân là cảm xúc của bất cứ ai khi đọc thông tin này, nhưng cũng phải nhìn lại vì “khói” thường sinh ra từ “lửa”.
"Lửa" ác cảm với nhân viên y tế dường như luôn nhen nhóm sẵn trong lòng của một bộ phận người dân hiện nay. Nên vui hay nên buồn? Chắc hẳn không ai hân hoan khi “lương y như từ mẫu” bị “dính đòn” của người nhà bệnh nhân một cách vô lý. Nhưng nếu nhìn lại, ngành Y tế cũng cần chấn chỉnh nhiều.
Có thể sự vụ 2 bác sĩ bị hành hung ở Yên Bái không đến từ một cái liếc nhìn thiếu tôn trọng của nhân viên y tế, cũng không có bất cứ sai sót nào trong ca mổ đẻ, nhưng ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng một số người dân vì những vụ việc tắc trách trước đó thì khó dập tắt.
Nhìn lại, bệnh nhân bị cưa chân, thậm chí tử vong vì bác sĩ tắc trách; nữ y tá gây bức xúc dư luận xã hội vì gác chân lên ghế và trả lời là do sợ lây bệnh; bệnh nhân đau chân trái, bị mổ nhầm chân phải; vụ việc 8 bệnh nhân chạy thận tử vong, dư âm vẫn còn đó; người dân dường như khó lòng tha thứ trước sự vô lương tâm của những người cấp phép cho nhiều lô thuốc chữa ung thư chưa được chứng minh nguồn gốc rõ ràng.
Người bị bệnh ung thư luôn ở trong trạng thái khốn cùng vì tiền xạ trị “như muối bỏ bể”. Giả sử những lô thuốc chữa ung thư không có nguồn gốc, là thuốc giả kia bị lọt ra thị trường, chẳng phải người dân bỏ tiền để mua vé đến với "cửa tử" nhanh hơn sao? Những người vô đạo đức, không có lương tri như thế hẳn là không xứng đáng đứng trong đội ngũ của những người làm về y tế.
Tác hại hơn là, những thứ chúng ta không thể nhìn thấy được để mà ngăn chặn, không thể định lượng được, để mà phòng tránh, ấy chính là sự hung hãn của người nhà bệnh nhân. Chỉ vì những lý do lãng xét, nhưng lại là giọt nước tràn ly, khi trong lòng họ đã sẵn những ngọn lửa hậm hực âm ỉ cháy thì yếu tố để ngọn lửa ấy bùng lên không cần phải có lý do nào cả.
Tôi đồng ý rằng phải xử lý nghiêm những người có thái độ, hành động sai trái xúc phạm đến thanh danh nghề nghiệp, gây thương tích cho cơ thể người khác, nhất lại là những bác sĩ đã tận tụy vì sức khỏe của mình, của những người thân trong gia đình mình.
Nhưng cũng xin một lần nữa được nhìn lại, để thấy rằng, ngành Y tế cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, loại bỏ cơ số “con sâu” đang khuấy đục bản chất đẹp đẽ của ngành mình, để không còn phải chạy theo đuôi giải quyết những sự đã lỡ rồi như vụ việc 2 bác sĩ ở Yên Bái bị hành hung vừa qua. Cũng là để, không còn bất cứ một nhân viên y tế nào bị dính đòn oan do dư âm tiếng xấu từ người khác.
Phong Thu