“VPBank đã và sẽ là nơi các nhân viên được tôn trọng, được lắng nghe, được thể hiện năng lực của mình trong công việc và cả ngoài công việc” - quan điểm này từ phía lãnh đạo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giúp tái khẳng định kết quả lọt vào Top 5 nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam 2016 là hoàn toàn xứng đáng.
Nơi nhân viên được tôn trọng
Dựa trên những đánh giá khách quan từ người đi làm thuộc nhóm thế hệ trẻ và kết quả khảo sát nội bộ, VPBank đã đạt các chỉ số cao về Nguồn nhân lực hạnh phúc theo xếp hạng của Anphabe và được xếp trong Top 5 nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam 2016.
Công bố từ báo cáo do Nielsen và Anphabe phối hợp thực hiện mới đây chỉ ra rằng, 97% số người tham gia khảo sát từ các công ty tại Việt Nam cảm thấy khó khăn trong việc duy trì mức độ hài lòng với nơi đang làm việc. Chính vì vậy, việc lọt vào Top 5 doanh nghiệp tiêu biểu có Nguồn nhân lực hạnh phúc cho thấy, VPBank đã không ngừng nỗ lực tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện.
Chia sẻ về bí quyết khiến nhân viên cảm thấy hạnh phúc trong công việc, đại diện lãnh đạo VPBank cho biết, một trong những vấn đề rất được ban lãnh đạo ngân hàng quan tâm trong công cuộc chuyển đổi những năm qua chính là xây dựng văn hoá doanh nghiệp để kết nối nhân viên. Vị lãnh đạo đã gắn bó nhiều năm với nơi này không giấu sự tự hào: “Đối với nhiều người, trong đó có tôi, VPBank là ngôi nhà thứ hai”.
Bà Nguyễn Thị Việt Thanh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Anphabe cho biết, có tới 39% trong số 26.000 nhân viên văn phòng tham gia khảo sát không cảm thấy có mối liên hệ mật thiết với công việc đang làm. Điều này có một phần nguyên nhân từ việc người lao động Việt Nam thường chịu ảnh hưởng bởi yếu tố cảm xúc hơn so với các nước khác. Chính vì thế, để có thể khiến các nhân viên của mình gắn bó hơn với công ty, các nhà tuyển dụng nên chú ý đến sự đóng góp cũng như triển vọng của họ, thay vì chỉ chú ý tới vấn đề lương bổng.
Có “đất” để thể hiện năng lực
Bà Nguyễn Thị Việt Thanh cho biết thêm, để đo lường những biểu hiện hạnh phúc của người đi làm, Anphabe đã quy về 4 chỉ số. Kết quả khảo sát của Anphabe tại VPBank cho thấy, các chỉ số của ngân hàng này đều đạt mức cao hơn so với điểm chuẩn.
Cụ thể, chỉ số thứ nhất là độ gắn kết lý trí, có tới 89,9% nhân viên tham gia khảo sát của VPBank cho rằng những gì có được tại công ty là công bằng, có lợi và nhìn thấy tương lai. Chỉ số thứ hai là độ gắn kết tình cảm, có tới 92,3% nhân viên tham gia khảo sát VPBank cảm thấy yêu thích công việc, tự hào về những gì mình làm, tin tưởng tầm nhìn của ban lãnh đạo hay yêu mến đồng nghiệp.
Từ đó có tới 91,1% người lao động sẵn sàng làm nhiều hơn yêu cầu để giúp ngân hàng thành công.
Theo các chuyên gia, để đánh giá mức độ hạnh phúc của người lao động trong công việc phải dựa trên rất nhiều yếu tố như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, môi trường làm việc, văn hóa công ty, thu nhập, cơ hội nghề nghiệp cho tới các vấn đề hàng ngày như mối quan hệ với lãnh đạo, đồng nghiệp và công việc phải giải quyết…
Trong khi đó, từ phía người lao động, những tiêu chí đánh giá và chỉ số đo lường là cả một hệ thống những yếu tố giống như một ma trận phức tạp. Nhưng để lý giải một cách đơn giản nhất cho danh hiệu này chính là việc người lao động tại VPBank đang có một môi trường làm việc mà ở đó họ luôn tìm thấy “đất” để phát huy mọi cá tính, sở thích của mình.
Được biết, trước những áp lực lớn từ công việc mang lại, VPBank đã tìm ra giải pháp lấy lại sự cân bằng cho nhân viên của mình. Mỗi năm, nhân viên tại đây luôn được khuyến khích tham gia hàng loạt các hoạt động nội bộ sôi nổi từ văn nghệ, sắc đẹp, nhiếp ảnh, thiện nguyện cho đến cả những hoạt động có tính chất thử thách sức mạnh, ý chí bản thân… Những hoạt động này đã góp phần quan trọng tạo nên sự gắn kết, thấu hiểu, thể hiện kỹ năng lãnh đạo và là động lực giúp nhân viên có cảm hứng để cống hiến, tận tâm với công việc.
Ngọc Hương