Tốt nghệp ra trường đời, với tư cách một tân cử nhân báo chí, nhưng ngọn lửa nghề trong tôi lại được thắp lên từ chính nơi đây.
Tôi có một may mắn hơn các đồng nghiệp khác, khi ngay từ những ngày “chân ướt chân ráo” về làm việc, nhận được sự chỉ dạy tận tình của Nhà báo Phan Xuân Hồng, Trưởng Văn phòng Đại diện báo Đời sống và Pháp luật miền Trung. Chính anh là người đã truyền nhiệt đam mê nghề cho tôi.
Sự lọ mọ, cẩn trọng chỉnh sửa từng con chữ, dấu câu đến ý tứ diễn đạt… cho bài viết của mỗi phóng viên (PV)/cộng tác viên (CTV), anh dạy chúng tôi trách nhiệm đối với mỗi dòng chữ viết ra.
Hồi đó, Văn phòng miền Trung vẫn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, anh chị em cán bộ, nhân viên còn phải chia nhau gói mì tôm, hay mấy chục ngàn đồng vào những ngày cuối tháng, để duy trì những bước đi của đam mê.
Chính từ trong những gian khó đó, nghĩa tình đã xích chúng tôi lại gần nhau hơn, như anh em một nhà. Cũng từ gian khó đó, tôi mới nhận ra mình yêu nghề như thế nào. Nếu không có thứ chất keo kết dính ấy, chắc gì chúng tôi giữ được “bút sắc, lòng trong” cho đến giờ.
Những năm tháng đầu khó khăn là vậy, nhưng người Trưởng Văn phòng ấy vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi, phải giữ vững được đạo đức nghề nghiệp. Bởi chỉ có giữ “sạch” được nó, chúng tôi mới có thể trở thành những nhà báo chân chính. Sau này, trong mỗi mốc sự nghiệp của mình, tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân, chỉ có niềm tin, đam mê và nỗ lực mới giúp tôi thành công.
Nhờ chính chất keo ấy, tôi đã đi qua những năm tháng làm phóng viên đúng nghĩa của mình. Một balo sau lưng, tôi cùng đồng nghiệp rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm của miền Trung, không nề hà phận gái, đặt chân tới những điểm khó khăn vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới, những vụ thảm án chấn động…Chứng kiến nhiều góc cạnh của cuộc sống, để từ đó, tôi có cho mình một lăng kính đa diện hơn.
Xếp balo lại, tôi trở thành một biên tập viên (BTV). Trải qua những năm tháng thực tế ấy, tôi được dạy để trở thành một BTV có trách nhiệm hơn với những sản phẩm của đồng nghiệp. Chúng tôi, mỗi người một việc, nhưng cũng dần cứng cáp dưới sự chỉ bảo vừa gần gũi, vừa rất khắt khe của đồng chí Trưởng Văn phòng.
Rồi tôi và các thế hệ của ngôi nhà ấy trưởng thành, từng bước khẳng định được tên tuổi của mình trong làng báo miền Trung. Cuộc sống có nhiều thay đổi, cám dỗ và cả những thăng trầm, nhưng chúng tôi vẫn ở lại bên nhau.
Không chỉ tôi mà rất nhiều đồng nghiệp đã sẵn sàng khước từ những lời mời hấp dẫn khác, để ở lại, làm một thành viên của ngôi nhà chung này. Lòng trung thành ấy được xây dựng từ chính sự nể trọng cả tâm và tài của người đứng đầu, cũng như nghĩa tình mà nơi đâu trao tặng cho chúng tôi.
Các thành viên trong ngôi nhà ấy đã khoác vai nhau, đồng cam cộng khổ đi qua những thử thách, sóng gió. Cho đến bây giờ, khi nhân lực đã phát triển đến con số gần 50 người, tỏa rộng khắp dải đất thon dài miền Trung, chúng tôi vẫn là một ngôi nhà đoàn kết, ấm áp. Người ở lại tiếp tục cống hiến, người đi thỉnh thoảng vẫn ghé về thăm. Mười năm – một chặng đường trưởng thành từ lũ (cả nghĩa đen lẫn bóng) ấy, đã mang đến cho chúng tôi những sức bật mạnh mẽ.
Đứng trước thời cuộc vận mệnh của báo chí có sự thay đổi, khi báo giấy đã bắt đầu giảm lượng phát hành, nhường chỗ cho các loại hình mang tính công nghệ hơn, tiện lợi và nhanh hơn như báo điện tử, Văn phòng miền Trung đã kịp nhạy bén “chuyển mình”.
Khi Đời sống và Pháp luật tại miền Trung tròn 10 mùa xuân thì cũng là lúc Người Đưa Tin – tờ báo điện tử của nó tròn 5 tuổi. Đánh dấu một bước đi dài hơi. Sớm nhận thấy được sự tương tác của 2 loại hình này, lãnh đạo Văn phòng đã bắt tay xây dựng một lối làm việc mang tính hội tụ.
Năm 2014, tôi cùng các BTV, PV và CTV của văn phòng bắt đầu tiến hành cách làm việc mới. Một PV báo giấy bắt buộc phải học cách nhập tin bài lên hệ thống báo điện tử và ngược lại, một PV điện tử cũng phải viết bài cho báo giấy khi có yêu cầu. Chính đòi hỏi mới mẻ này, đã xây dựng cho Văn phòng miền Trung một đội ngũ BTV, PV linh hoạt.
Đứng trước sự phát triển vũ bão của truyền thông, báo chí luôn tạo nên những cuộc cách mạng lớn. Muốn tồn tại và phát triển, phải biết đón đầu và chấp nhận làm mới. Tập thể Văn phòng miền Trung không ngại đối đầu với những thách thức, thay đổi ấy. Bởi chúng tôi luôn tâm niệm một điều, muốn trưởng thành thì phải nghênh diện với khó khăn.
6 năm, quãng thời gian giúp tôi hiểu rằng, chỉ có niềm tin của lãnh đạo và đồng nghiệp, sự cống hiến hết mình của bản thân, mới có thể giúp tôi thành công. Nơi đây không chỉ tạo nên một thứ keo kết dính quý giá đối với nghề báo, mà còn dạy cho tôi làm thế nào để trở thành một nhà báo chân chính. Tôi tin, các đồng nghiệp tại Văn phòng miền Trung, cũng đã có cho mình thứ keo đặc biệt ấy.
Loan Nguyễn