VPS lỗ gần 600 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh năm 2021

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 5, 27/01/2022 14:56

Nguyên nhân do khoản lỗ hơn 4.727 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu chưa niêm yết, cộng thêm chi phí hoạt động tự doanh tăng 78% năm 2021.

Công ty chứng khoán VPS vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021. Theo đó, năm 2021, VPS tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ở mảng môi giới và cho vay margin.

Doanh thu hoạt động trong quý IV/2021 của VPS tăng 2,5 lần lên mức 2.870 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản bán chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 1.201,4 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng đạt 33,9 tỷ đồng, tăng 5 lần so với mức 6,9 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đóng góp lớn nhất mảng doanh thu là từ hoạt động môi giới chứng khoán khi tăng 314% so với cùng kỳ lên 1.106 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tư vấn tài chính và lưu ký chứng khoán lần lượt đạt 101,4 và 14 tỷ đồng, tăng 200% và 22,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu tăng dẫn đến chi phí hoạt động của VPS trong quý IV/2021 tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.355 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là lỗ các tài sản chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 1.373 tỷ đồng và chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt gần 857 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các chi phí, quý IV/2021 Chứng khoán VPS ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 194,8 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2021, mảng môi giới chứng khoán của VPS tiếp tục là điểm sáng khi ghi nhận mức doanh thu hơn 3.135 tỷ đồng, cao gấp 4,9 lần năm 2020. Hoạt động tư vấn cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu khả quan, đạt 106% so với cùng kỳ, tương đương doanh thu hơn 393 tỷ đồng.

Tổng doanh thu hoạt động trong năm 2021 của VPS đạt hơn 9.518 tỷ đồng, tăng 149% so với mức 3.828 tỷ đồng trong năm 2020.

Tính đến cuối năm 2021, giá gốc của các tài sản tài chính (FVTPL) ghi nhận tại báo cáo tài chính của VPS là hơn 4.090 tỷ đồng, giá trị hợp lí là hơn 4.096 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí lỗ từ tài sản FVTPL cộng thêm khoản chi phí tự doanh ghi nhận tới 5.206 tỷ đồng, tương ứng lỗ trong mảng tự doanh đạt 598 tỷ đồng, trong năm 2020 vẫn lãi 306 tỷ đồng.

Tổng chi phí hoạt động của VPS tăng gấp 2,8 lần lên hơn 7.830 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng không kém ở mức 82%, đạt hơn 682 tỷ đồng.

Do gánh nặng chi phí khá lớn, VPS báo lãi sau thuế hơn 796 tỷ đồng trong năm 2021 - mức khiêm tốn so với doanh thu hơn 9.518 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này vẫn ghi nhận tăng 58% so với năm 2020 và đứng thứ 7 trong danh sách những công ty chứng khoán dẫn đầu về chỉ tiêu lợi nhuận.

VPS năm vừa rồi đã có cả 4 quý đứng đầu thị phần môi giới, và vươn lên chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong cả năm với thị phần 16,14%, tăng gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2020 và bỏ xa SSI - cựu vương với thị phần 11,05%. Năm trước đó, thị phần của VPS trên HoSE là 8,22%, chỉ đứng vị trí thứ 3.

Tính tới cuối năm 2021, dư nợ cho vay margin của VPS có giá trị hợp lý 8.973 tỷ đồng, tăng tới 3.449 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng tài sản của VPS là 26.856 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 26.468 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của VPS là 19.036 tỷ đồng, tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Vốn góp chủ sở hữu của VPS tính đến hết năm 2021 là 4.700 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm con số này là 3.500 tỷ đồng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.