Vụ 15 tấn nội tạng thối: Lời khai của người bị phạt khiến DN khác điêu đứng?

Vụ 15 tấn nội tạng thối: Lời khai của người bị phạt khiến DN khác điêu đứng?

Lê Nhâm Thân

Lê Nhâm Thân

Thứ 5, 28/12/2017 06:20

Sau khi lực lượng chức năng phát hiện, ông Phương đã bị xử phạt 4,5 triệu đồng. Tuy nhiên, liên quan đến sự việc này, một doanh nghiệp khác phản ánh, họ đang lao đao bởi lời khai không rõ ràng của ông Phương.

Ngày 27/12, thông tin từ UBND quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng thể hiện, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận vừa ký Quyết định số 4701/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với ông Đặng Thanh Phương (SN 1972), trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.

Theo quyết định, ông Phương đã không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ. Với những vi phạm này, ông Phương bị quận Cẩm Lệ xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng.

Đây là vụ việc liên quan đến thực phẩm gây rúng động dư luận mà chúng tôi đã từng đưa tin trước đó. Cụ thể, ngày 6/12, đội Cảnh sát kinh tế - môi trường Công an quận Cẩm Lệ tiến hành kiểm tra kho đông lạnh của ông Phương, ở phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ thì phát hiện, tại kho chứa đầy phế phẩm động vật như nội tạng, xương, chân, đuôi, móng cùng nhiều bộ phận khác của lợn, bò đang trong thời kỳ đầu phân hủy, hôi thối. Ước tính tang vật lên đến khoảng 15 tấn.

Điểm nóng - Vụ 15 tấn nội tạng thối: Lời khai của người bị phạt khiến DN khác điêu đứng?

Ông Phương đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 4,5 triệu đồng với các vi phạm nói trên.

Mở rộng điều tra, ông Phương khai nhận rằng, đã mua số phế phẩm này từ công ty TNHH TM&DV Hai Thuyên, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, ngày 27/12, chúng tôi đã có những trao đổi với đại diện doanh nghiệp này. Bà Nguyễn Thị Hai, Giám đốc công ty TNHH TM&DV Hai Thuyên xác nhận, đơn vị mình có mua bán với ông Phương. Tuy nhiên, theo bà này, việc ông Phương trình bày trước công an và các đơn vị truyền thông báo chí là chưa rõ ràng, cụ thể, khiến doanh nghiệp của bà bị hiểu nhầm, thậm chí điêu đứng tai hại.

Theo bà Hai, ngày 20/5, bà và ông Phương ký Hợp đồng thu gom phế phẩm số 01/5/HĐTGPP. Hợp đồng nêu rõ, ông Phương có trách nhiệm thu gom các loại phế phẩm (heo, bò...) của công ty. Việc thu gom được thực hiện hàng ngày và đảm bảo thu gom hết. Giá cả từ 5.000 - 7.000 đồng/kg phế phẩm.

"Doanh nghiệp chúng tôi chuyên kinh doanh về thực phẩm. Hàng ngày, sau khi giết mổ, pha lóc các sản phẩm từ heo, bò, gà, cá... để giao cho khách hàng thì luôn có một số lượng phế phẩm. Chúng tôi bán phế phẩm cho ông Phương để ông này đưa đi sản xuất thức ăn cho cá, tôm... Thế nhưng, vừa rồi, do kho đông lạnh của ông Phương hư hỏng khiến số lượng phế phẩm ông ấy tích trữ bị hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Đó là trách nhiệm của ông Phương. Tuy nhiên, do ông ấy khai báo có chút chưa rõ ràng khiến dư luận hiểu nhầm về chúng tôi", bà này nói.

Điểm nóng - Vụ 15 tấn nội tạng thối: Lời khai của người bị phạt khiến DN khác điêu đứng? (Hình 2).

Theo bà Hai, cơ sở của bà được cấp đầy đủ các giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Cũng theo lời người này, chính việc chưa rõ ràng trên khiến doanh nghiệp của bà gặp nhiều sự cố. Một số đối tác thoáng nghe qua đã nhầm lẫn rằng bà bán thực phẩm hư hỏng và có ý định hủy hợp đồng cung ứng thực phẩm với công ty. 

Bà này cũng cung cấp thêm cho báo chí nhiều văn bản như Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thú y (do chi cục Chăn nuôi và thú ý Đà Nẵng cấp), Giấy xác nhận công ty nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (do chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản TP.Đà nẵng cấp) và nhiều phiếu kết quả xét nghiệm định kỳ các loại thịt heo, bò… đạt tiêu chuẩn (do trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 cấp), các loại giấy tờ hợp đồng cung cấp thực phẩm các siêu thị, các khách sạn 5 sao... có quy trình kiểm tra hết sức nghiêm ngặt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng.

"Mỗi lô hàng của chúng tôi hàng ngày gắn liền với sức khỏe của rất nhiều con người nên chúng tôi luôn chú trọng các khâu kiểm tra, đảm bảo an toàn và được chi cục Chăn nuôi và thú y kiểm tra trước khi xuất ra thị trường. Theo định kỳ, chúng tôi luôn lấy mẫu thực phẩm đi xét nghiệm và các đối tác hay cơ quan quản lý chất lượng an toàn thực phẩm cũng lấy mẫu ngẫu nhiên xét nghiệm, luôn cho kết quả đạt tiêu chuẩn. Đối tác của chúng tôi là những công ty lớn, họ có cả hàng chục cơ sở chăn nuôi, trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGAP, được chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đà Nẵng xác nhận an toàn. Chúng tôi không thể bán thực phẩm kém chất lượng như hiểu nhầm của dư luận thời gian qua được. Cũng mong qua đây, các cơ quan năng xác định lại rõ vấn đề này, tránh oan ức cho chúng tôi", bà Hai nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin sự việc.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.