Như báo Người Đưa Tin đã đưa, Cơ quan CSĐT Công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Xuân Hinh (SN 1971, trú tại thôn Nam Long, xã Tự Tân), và con rể là Đặng Văn Thế (SN 1994, trú tại xã Tam Quang, cùng huyện Vũ Thư) để điều tra về hành vi gây nên cái chết cho ông Phạm Văn H. (SN 1972, trú tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư).
Ông H. đã bị 2 bố cho Hinh đánh tử vong khi phát hiện ông này đột nhập vào ki ốt bán hàng để trộm gà.
Để hiểu rõ về hành vi và tội danh mà bố con nghi phạm phải chịu trong vụ án, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Có thể nói rằng thời gian gần đây những vụ việc trộm đột nhập hoặc đang thực hiện hành vi phạm tội bị người dân vây bắt, đánh trọng thương thậm chí thiệt mạng xảy ra tương đối nhiều.
Tuy nhiên mỗi vụ việc lại có tính chất, mức độ hành vi khác nhau, hậu quả khác nhau nên việc giải quyết cũng sẽ khác nhau. Có thể có những vụ sẽ xử lý về tội Giết người, có vụ việc thì chỉ là phòng vệ chính đáng...”
Trong vụ việc trên, việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp mà cơ quan điều tra đã thực hiện là cần thiết để tiếp tục xác minh làm rõ nguyên nhân, hành vi và hậu quả..., làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thủ tục mổ tử thi, giám định pháp y, làm rõ nguyên nhân cái chết của nạn nhân có phải xuất phát từ thương tích do 2 bố con ông Hinh gây ra hay không.
Nếu nạn nhân thiệt mạng là do hành vi của bố con ông Hinh đã tác động vào thân thể nạn nhân thì tiếp tục làm rõ tinh huống khiến bố con ông Hinh phải sử dụng vũ lực. Tình huống này có thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hay không.
Theo điều luật, để được coi là gây thiệt hại trong bắt giữ người phạm tội là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, phải thỏa mãn 3 dấu hiệu: 1 là, hành vi bắt giữ phải thuộc về các chủ thể có thẩm quyền bắt giữ người phạm tội; 2 là, hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là biện pháp cuối cùng, không còn cách nào khác để bắt giữ người phạm tội; 3 là, hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là cần thiết.
Tuy nhiên, tại Khoản 2 cũng quy định tình trạng vượt quá mức cần thiết và tình tiết giảm nhẹ được áp dụng tại Điều 51 BLHS.
Như vậy, nếu trường hợp sử dụng vũ lực của bố con ông Hinh là phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết hoặc trường hợp gây thiệt hại trong tình trạng bắt giữ người phạm tội theo quy định tại Điều 24 BLHS 2015 thì hành vi này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan điều tra cần làm rõ: Bố con ông Hinh sử dụng vũ lực tấn công nạn nhân khi nào, việc sử dụng vũ lực có cần thiết hay không, mức độ sử dụng vũ lực có trong phạm vi pháp luật cho phép hay không... để làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý trong vụ việc này.
Pháp luật cho phép mọi công dân đều được quyền thực hiện hành vi tự vệ (chống trả lại người đang tấn công mình hoặc người đang tấn công người khác một cách cần thiết nhằm triệt tiêu sức tấn công để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của mình hoặc của người khác) trường hợp chống trả lại một cách cần thiết này là phòng vệ chính đáng.
Nếu hành vi gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, sử dụng vũ lực quá mức cần thiết thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Ngoài ra, khi bắt người phạm tội quả tang thì pháp luật cũng cho phép công dân được sử dụng vũ lực để khống chế, bắt giữ đối tượng phạm tội. Nếu phát hiện đối tượng phạm tội hoặc đang tấn công người khác mà không còn cách nào khác thì mọi người dân đều có quyền sử dụng vũ lực để gây thiệt hại cho người đang thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, khi đã bắt giữ được người phạm tội rồi mà vẫn tiếp tục đánh đập thì hành vi này là vượt quá giới hạn pháp luật cho phép hoặc khi đối tượng trộm cắp không có hung khí, không gây nguy hiểm cho chủ nhà, người váy bắt nhưng chủ nhà, người vây bắt vẫn sử dụng vũ lực để sát hại hoặc gây thương tích cho tên trộm thì hành vi này cũng không được pháp luật cho phép.
Tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi sử dụng vũ lực ngoài trường hợp pháp luật cho phép sẽ bị xử lý về tội cố Ý gây thương tích, tội Giết người hoặc các tội danh khác theo quy định pháp luật.
Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan điều tra cần thận trọng trong việc thu thập các tài liệu chứng cứ để xác định nguyên nhân tử vong của nạn nhân và xác định hành vi cụ thể, tình huống đối kháng cụ thể để xác định hành vi sử dụng vũ lực trong trường hợp này có thuộc trường hợp pháp luật cho phép hay không - có thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật hay không.
Nếu không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự thì người gây thương tích, gây thiệt hại đến tính mạng của tên trộm này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật về một trong số các tội danh như: Tội Giết người, tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, tội Giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng...
Còn đối với hành vi trộm cắp tài sản là hành vi trái pháp luật. Nếu tài sản trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên thì có dấu hiệu hình sự. Tuy nhiên đối tượng phạm tội đã chết thì Cơ quan CSĐT sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản trừ trường hợp có đồng phạm khác.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định bố con ông Hinh có lỗi, sử dụng vũ lực ngoài trường hợp pháp luật cho phép, đã gây thiệt mạng cho nạn nhân thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự thì bố con ông Hinh cũng sẽ phải bồi thường mọi thiệt hại cho gia đình nạn nhân bao gồm: chi phí cứu chữa, tiền mai táng phí, tiền tổn thất về tinh thần và một khoản tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu có theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2015.