Đã 3 ngày trôi qua, gia đình chị H’Eo Niê (chị gái H’Y. - nạn nhân tử vong khi thủy điện Dray H’linh xả nước) chưa hết bàng hoàng trước nỗi đau mất đi người thân. Đau đớn nhất là cảnh tượng chị H’Y. bị nước cuốn trôi trước ánh mắt của bao nhiêu người thân nhưng họ không kịp ứng cứu.
Ngồi lặng trong đám tang, chị đưa tay lau hai hàng nước mắt đang chảy dài. Chị H’Eo Niê cho biết, ngày 16/3, gia đình chị cùng nhau đến khu vực thác Dray H’linh chơi. Thấy nước sông cạn, H’Y. và H’D. (em họ H’Y.) đã cùng nhau ra mô đất giữa sông để hái rau rừng. Bất ngờ, nước trên thượng nguồn đổ về đột ngột, cuốn trôi H’Y. và H’D. khiến cả hai đuối nước, tử vong.
“Phát hiện nước trên thượng nguồn đổ về, gia đình đã la lớn nhưng cả hai em đều không kịp vào bờ. Nhìn H’Y. và H’D. vật lộn dưới dòng nước dữ mà bất lực, không thể ứng cứu, chúng tôi vô cùng xót xa. Khi các em biệt tích dưới dòng nước dữ, cả nhà ai cũng hy vọng các em sẽ bị cuốn xuống một đoạn nào đó nước cạn phía hạ lưu để có thể vào bờ. Nhưng phép màu đó không xảy ra”, chị H’Eo chua xót kể lại.
Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng cứu hộ đã có mặt tại hiện trường để tìm kiếm nạn nhân. Đến sáng 17/3, thi thể 2 thiếu nữ đã được tìm thấy cách hiện trường khoảng 100m.
Được biết, vào thời điểm xảy ra vụ việc, thủy điện Dray H’Linh 1 (đóng trên địa bàn xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã xả nước vận hành máy phát điện. Hiện trường xảy ra vụ tai nạn nằm cách cửa xả của nhà máy phát điện khoảng 500m. Chia sẻ với PV, chị H’Eo cho biết: “Thời điểm thủy điện xả nước, chúng tôi không được cảnh báo, tại hiện trường không có các biển báo nên tất cả mọi người đều chủ quan. Nước đổ về quá bất ngờ nên đã xảy ra sự việc đau lòng với gia đình tôi”.
Trao đổi với PV về vụ việc, ông Lê Hữu Danh, Phó Giám đốc công ty Lưới điện cao thế miền Trung (đơn vị chủ quản thủy điện Dray H'Linh 1) cho biết, nhà máy thủy điện Dray H'Linh 1 có công suất thiết kế khoảng 12MW. Thời điểm xảy ra tai nạn, nhà máy thủy điện Dray H'Linh 1 cho vận hành 2 tổ máy phát điện với lưu lượng nước xả ra khoảng 60m³/s. Lúc này, mực nước trên sông Sêrêpốk dâng khoảng 0,8m.
“Mức nước dâng như vậy trong vòng một giờ là rất chậm, không nguy hiểm. Do đó, có thể 2 cô gái bị nạn là do bị trượt chân và không biết bơi nên kéo nhau xuống nước dẫn đến tử vong”, ông Danh cho hay.
Nói về việc vận hành máy nhưng thủy điện Dray H'Linh 1 không cảnh báo bằng còi hú, ông Danh cho biết: “Theo quy định, vào mùa khô, thủy điện xả nước để chạy máy nên không cần thông báo bằng còi hú. Việc thông báo bằng còi hú chỉ được áp dụng vào mùa lũ khi đơn vị tiến hành xả lũ. Vì việc cảnh báo bằng còi thường xuyên có thể làm người dân chủ quan với cảnh báo, khi vào mùa lũ, lưu lượng nước xả vô cùng lớn nên rất nguy hiểm...”.
Theo ông Danh, vụ tai nạn là sự cố ngoài ý muốn và thủy điện xả nước để vận hành máy là đúng quy trình. “Hàng năm, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền với người dân 4 xã khu vực hạ lưu về quy trình xả nước vận hành máy vào mùa khô. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cắm cọc tiêu cảnh báo các khu vực nguy hiểm để người dân đề phòng. Các nạn nhân là người ở khu vực khác đến nên chủ quan và đã xảy ra sự việc thương tâm”, ông Danh nói thêm.