Thân gửi hơn 500 giáo viên có nguy cơ mất việc ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk)!
Tôi viết những dòng này trong giờ nghỉ giải lao giữa 2 tiết học, khi đám học trò đã ùa ra sân trường như đàn ong vỡ tổ, chỉ còn lác đác vài em ngồi lại ríu rít chuyện trò hoặc uể oải gục đầu xuống bàn. Gần 5 năm gắn bó với nghề giáo, tôi vẫn là giáo viên hợp đồng - nhưng may mắn hơn nhiều người trong số các bạn, tôi được cha mẹ giao cho quản lý một vài shop quần áo thời trang trên phố, nên cuộc sống khá suôn sẻ, không có nhiều mối lo.
Trở lại câu chuyện đang gây ồn ào thời gian qua, tôi không còn biết nói gì hơn ngoài hai từ chua xót. Quanh năm đứng trên bục giảng, mày mò giáo án, các bạn đâu lường trước được sẽ có ngày mình bị coi là thành phần "dư thừa", phải hứng chịu hậu quả để lại từ kiểu tuyển dụng vô tổ chức của ba đời Chủ tịch huyện Krông Pắk.
Dù hiện tại, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo huyện này tạm dừng quyết định “chấm dứt hợp đồng” để tìm ra “giải pháp nhân văn hơn” nhưng tương lai với các bạn, vẫn hết sức mờ mịt. Bởi ai cũng biết con số 500 giáo viên dôi dư là quá lớn…
Tự hỏi: Các bạn đã làm gì nên tội hay “dễ dãi” đặt bút ký hợp đồng với mức lương bèo bọt chỉ vì tâm huyết với nghề cũng là một cái tội?
Nhưng việc đã đến nước này, thiết nghĩ các bạn nên dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề, không thể cứ đứng đó bức xúc hay hy vọng người ta sẽ bằng mọi giá xếp đặt cho mình một chỗ ngồi được. Chưa biết chừng, chính chỗ ngồi ấy lại ngáng thêm một hòn đá vào tiến trình thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Nhà nước.
Hay tin, nhiều trường học tại huyện Krông Pắk từng phải chia nhỏ lớp để có chỗ cho giáo viên giảng dạy – Kiên trì đứng lớp trong hoàn cảnh đó, liệu có phải một người thầy mẫu mực?
Thưa các bạn, những người như chúng ta từ khi bước chân vào sư phạm hầu hết đều mang trong mình những hoài bão lớn lao, nhân văn lắm. Rằng lớp trẻ dưới sự dạy dỗ của chúng ta, dù sinh ra nơi phố thị xa hoa hay chốn đồng sâu nước mặn đều được mài giũa thành những viên ngọc sáng cả về tâm lẫn trí. Nhưng mơ hoài rồi cũng phải tỉnh thôi, ta không thể làm được điều đó khi sức khỏe lao dốc cùng lương tháng và các con ta vẫn phải dè chừng nhìn nhau trước mỗi lần giơ đũa.
Trước kia, vì sợ bị học trò phát hiện, tôi đã từ chối thẳng thừng lời đề nghị “làm thêm” của ba mẹ. “A! Thầy mình đi bán quần áo nữ!” - đó từng là cơn ác mộng khủng khiếp nhất đời tôi. Tuy vậy, sau một lần bắt gặp ánh mắt khó cắt nghĩa của học trò khi thấy tôi ăn cơm trắng với muối vừng, tôi đã thay đổi suy nghĩ đó.
Cay đắng nhận ra, tâm huyết chỉ là một từ ghép có hai chữ cái, và con người ta chỉ thực sự sở hữu nó khi không gồng gánh quá nhiều áp lực trên vai…
Ký tên
Một người thầy